Động lực mới của phong trào thi đua
Phát huy tính chủ động, sáng tạo
Những năm qua, các phong trào thi đua của ngành tư pháp luôn được quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện kịp thời, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát nhiệm vụ, kế hoạch công tác của ngành. Điển hình như trong lĩnh vực xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, khi dự thảo văn bản được HĐND, UBND tỉnh ban hành, bộ phận chuyên môn của Sở Tư pháp đã kịp thời tham gia ý kiến, thẩm định, hoàn thiện, góp phần tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện chính sách tại địa phương.
![]() |
Công chức Tư pháp - Hộ tịch xã Tân Dĩnh (Lạng Giang) hướng dẫn công dân thủ tục liên quan đến lĩnh vực hộ tịch. |
Đối với công tác theo dõi thi hành pháp luật và quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính, cán bộ phụ trách cũng bám sát sự hướng dẫn, chỉ đạo, chủ động tham mưu thực hiện nhiều hoạt động. Từ năm 2015 đến năm 2020, đã có 28 lĩnh vực được theo dõi, xử lý, qua đó khắc phục được nhiều hạn chế trong lĩnh vực đất đai, bảo hiểm y tế, chăm sóc và giáo dục trẻ em, lý lịch tư pháp, tài nguyên và môi trường…
Với tinh thần làm hết việc chứ không hết giờ, nhiều cán bộ, công chức tích cực thi đua sáng tạo, có những sáng kiến gắn với nhiệm vụ chuyên môn. Điển hình là chị Trịnh Thị Thanh Huyền, chuyên viên Phòng Tư pháp huyện Hiệp Hòa luôn nỗ lực học tập, nâng cao trình độ, chủ động hướng dẫn chuyên môn cho các công chức Tư pháp-Hộ tịch cấp xã. Chị đã có 4 đề tài sáng kiến về giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiểm soát thủ tục hành chính; đăng ký, quản lý hộ tịch; tuyên truyền, phổ biến pháp luật được Hội đồng khoa học các cấp công nhận. Cá nhân chị đã đóng góp không nhỏ giúp tập thể Phòng Tư pháp huyện Hiệp Hòa luôn là đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua trong toàn ngành nhiều năm nay.
Hướng vào nhiệm vụ trọng tâm
Hằng năm, Sở Tư pháp đều lựa chọn một số lĩnh vực trọng tâm để tập trung thực hiện. Năm 2020, Sở xác định công tác xây dựng, kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; theo dõi thi hành pháp luật và quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính; phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở là những nhiệm vụ trọng tâm.
Đơn cử như trong công tác hòa giải, sau khi UBND tỉnh ban hành đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022”, các địa phương, Sở, phòng Tư pháp các huyện, TP đã chủ động phối hợp, xây dựng đội ngũ hòa giải viên đủ năng lực; hướng dẫn, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho hơn 17 nghìn hòa giải viên ở cơ sở.
Các huyện, TP cũng lựa chọn một xã làm điểm thực hiện công việc này, từ đó lan tỏa kinh nghiệm, nhân rộng cách làm hay. Được Phòng Tư pháp huyện Lạng Giang chọn là đơn vị làm điểm về công tác hòa giải, ông Nguyễn Văn Từ, Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ hòa giải thôn Liên Sơn, xã Tân Dĩnh và các hòa giải viên khác đều sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm trong nghiên cứu các văn bản, quy định của pháp luật nhất là những quy định mới, sửa đổi, bổ sung; kinh nghiệm trong tìm hiểu tính chất, nguyên nhân vụ việc nhằm hóa giải mâu thuẫn. Năm 2019, tổ đã hòa giải thành 3 vụ việc, năm 2020 trên địa bàn không xảy ra mâu thuẫn nào, người dân đồng lòng, chung sống đoàn kết, cùng nhau tham gia xây dựng nông thôn mới.
Để công tác thi đua, khen thưởng ngày càng đạt hiệu quả thiết thực, Sở Tư pháp xác định thực hiện tốt phong trào “Cán bộ Tư pháp tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và “Ngành Tư pháp chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới”. Theo đó đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực hoạt động; phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ; quan tâm nhân rộng các điển hình tiên tiến.
Mạc Yến
Ý kiến bạn đọc (0)