Giám sát thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tại huyện Yên Dũng
Cùng dự có các ĐBQH: Phạm Văn Thịnh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Thi, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh; Đỗ Thị Việt Hà, Giám đốc Sở Tư pháp; đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, huyện Yên Dũng.
![]() |
Đồng chí Trần Văn Tuấn chủ trì buổi giám sát. |
Thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019-2021, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Yên Dũng triển khai các bước bảo đảm đúng quy trình, tiến độ, thời gian theo quy định. Huyện sáp nhập 5 đơn vị hành chính cấp xã thành 2 thị trấn mới là: Nham Biền (sáp nhập các xã: Nham Sơn, Thắng Cương và thị trấn Neo); Tân An (sáp nhập xã Tân An và thị trấn Tân Dân).
Sau khi sắp xếp, huyện còn 18 xã, thị trấn, giảm 3 đơn vị hành chính so với trước đây. Trong đó chỉ có thị trấn Nham Biền đạt tiêu chuẩn về diện tích và dân số; 17 xã không đạt tiêu chuẩn về diện tích hoặc dân số theo quy định. Công tác sắp xếp, bố trí cán bộ được quan tâm. Hiện toàn huyện còn 55 cán bộ, công chức dôi dư sau sáp nhập xã.
![]() |
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà trao đổi tại buổi giám sát. |
Tại buổi giám sát, lãnh đạo huyện Yên Dũng khẳng định, sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước; qua đây nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính, thu gọn đầu mối tinh giản bộ máy, tiết kiệm chi ngân sách, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển KT-XH của địa phương.
Tuy nhiên, sau sáp nhập, việc bố trí, sắp xếp và giải quyết chế độ đối với số cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách dôi dư gặp khó khăn bởi số lượng nhiều, cán bộ chủ yếu còn trẻ. Trụ sở làm việc chưa đáp ứng yêu cầu. Để giải quyết vấn đề trên, huyện kiến nghị kéo dài lộ trình bố trí đối với cán bộ, công chức dôi dư; cho phép huyện tổ chức sát hạch với những cán bộ, công chức cấp xã có đủ năng lực vào các vị trí phù hợp ở cơ quan chuyên môn của huyện.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Văn Thi đề nghị đánh giá kỹ hơn về hiệu quả sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã. |
Theo đại biểu Đỗ Thị Việt Hà, việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã đã có những tác động tích cực đối với sự phát triển của địa phương. Quá trình thực hiện có những khó khăn nhất định, đại biểu đề nghị huyện trao đổi, làm rõ thêm về nội dung này, đặc biệt là quá trình triển khai các chương trình KT-XH, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân sau sáp nhập.
Về hiệu quả của việc sáp nhập đơn vị hành chính, đại biểu Nguyễn Văn Thi đề nghị huyện đánh giá cụ thể hơn về: Công tác tổ chức bộ máy, hiệu quả làm việc, phát triển đô thị, giảm chi ngân sách và đời sống nhân dân.
Các đại biểu kiến nghị huyện quan tâm, xây dựng kế hoạch sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ dôi dư song song với công tác tạo nguồn cán bộ trong giai đoạn tới; kế hoạch sử dụng các trụ sở làm việc của UBND, trạm y tế và lộ trình sắp xếp các trường học ở những xã sau sáp nhập.
Phát biểu tại buổi giám sát, đồng chí Trần Văn Tuấn đánh giá cao nỗ lực của huyện trong thực hiện nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019-2021. Quá trình triển khai bảo đảm quy định, có sự thống nhất cao trong toàn hệ thống chính trị và sự đồng thuận, ủng hộ của cán bộ, đảng viên, nhân dân.
Sau sáp nhập, bộ máy chính quyền hoạt động ổn định, góp phần quan trọng vào việc mở rộng địa giới hành chính, phát triển đô thị. Tuy nhiên hiện vẫn còn nhiều khó khăn cần quan tâm tháo gỡ.
![]() |
Đồng chí Trần Văn Tuấn phát biểu tại buổi giám sát. |
Đối với các kiến nghị của huyện, đoàn sẽ tiếp thu, tổng hợp và phản ánh đến cấp có thẩm quyền. Đồng chí Trần Văn Tuấn đề nghị huyện chỉ đạo hai thị trấn mới sáp nhập rà soát lại quy chế, quy định, văn bản quy phạm pháp luật phù hợp tình hình thực tế. Xây dựng, bổ sung các chương trình phát triển KT-XH, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong thời gian tới. Quan tâm lãnh đạo, điều hành thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Huyện Yên Dũng tiếp tục quan tâm công tác quy hoạch, đầu tư nguồn lực để phát triển đô thị ở hai thị trấn.
Có phương án sử dụng hiệu quả các trụ sở của cơ quan nhà nước sau sáp nhập; nghiên cứu sáp nhập các trường học để giảm đầu mối song vẫn hoạt động hiệu quả. Bảo đảm an ninh trật tự trong tình hình mới; tạo thuận lợi cho nhân dân trong giải quyết thủ tục hành chính. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức dôi dư. Tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận, thực hiện tốt các chính sách, quy định pháp luật của Nhà nước để người dân thấy được hiệu quả sau sáp nhập.
Tin, ảnh: Khôi Nguyên
Ý kiến bạn đọc (0)