Khuyến khích xã hội hóa đầu tư phát triển giáo dục mầm non tại khu công nghiệp
Cùng dự có các đồng chí: Hoàng Thị Hoa, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Đỗ Thị Việt Hà, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, Giám đốc Sở Tư pháp; đại diện lãnh đạo Vụ Mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Theo báo cáo của UBND huyện Việt Yên, trên địa bàn hiện có 26 trường mầm non, trong đó có 19 trường công lập và 7 trường tư thục; ngoài ra, còn có 44 cơ sở mầm non độc lập tư thục. Kết quả huy động trẻ em đến trường, lớp mầm non đạt hơn 14,1 nghìn trẻ, trong số này có 10,5 nghìn cháu học tại trường công lập. Trẻ được huy động đến trường là gần 2,4 nghìn cháu, đạt tỷ lệ 31% trong độ tuổi.
![]() |
Đồng chí Nguyễn Thị Mai Hoa chủ trì buổi làm việc với UBND huyện Việt Yên.
|
Về công tác quy hoạch, UBND huyện đã mở rộng quy mô các trường mầm non công lập; quyết định thành lập 10 trường tư thục, đến nay, đã có 9 trường hoạt động. Tỷ lệ giáo viên đạt 1,8%/lớp, cơ bản đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn. Việc thực hiện chính sách pháp luật, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học đều được quan tâm đầu tư; chất lượng GDMN được bảo đảm, 17/17 xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi.
Qua khảo sát thực tế tại Công ty TNHH Luxshare ICT Việt Nam (KCN Vân Trung); Trường Mầm non Hoàng Ninh và một số trường mầm non tư thục, cơ sở mầm non trên địa bàn huyện, các thành viên đoàn giám sát đã chỉ ra một số khó khăn, tồn tại trong thực hiện chính sách pháp luật với GDMN ở KCN. Trước hết, một số văn bản quy phạm pháp luật của T.Ư về GDMN, nhất là quy định về chế độ làm việc, phụ cấp với giáo viên bậc học này khi được triển khai đã phát sinh bất cập, chưa thực sự đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Sau khi sáp nhập, một số trường địa bàn rộng, nhiều điểm lẻ, số lớp đang vượt quá quy định.
![]() |
Các thành viên trong đoàn tặng quà Trường Mầm non Hoàng Ninh.
|
Bên cạnh đó, dù được quan tâm đầu tư xây dựng nhưng một số công trình chưa đáp ứng yêu cầu về đổi mới, chưa bảo đảm quy cách theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; thiếu thiết bị dạy học thông minh. Với dân số tăng khoảng 100 nghìn người/năm, tương ứng với bình quân mỗi năm có khoảng 3,1 nghìn trẻ trong độ tuổi mầm non đi học thì quy mô các trường công lập hiện mới chỉ đáp ứng được cơ bản trẻ ở lớp mầm non (3-5 tuổi). Cơ sở vật chất, giáo viên các trường tư thục và cơ sở độc lập tư thục thì mới tiếp nhận được khoảng 60% số trẻ từ 1-2 tuổi.
Theo các đồng chí: Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên Thường trực; Nguyễn Thị Tuyết Nga, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, với số lượng lao động, nhất là người ngoại tỉnh tăng nhanh như hiện nay, huyện Việt Yên cần khảo sát, đánh giá sát nhu cầu ra lớp mầm non của con em công nhân theo từng năm, từng giao đoạn. Từ đó, có cơ chế, chính sách khuyến khích phù hợp trong công tác huy động các nguồn xã hội hóa đầu tư phát triển GDMN.
Qua khảo sát thực tế, hiện thu nhập, các chế độ chính sách với giáo viên mầm non còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, hằng năm, địa phương vẫn phải cân đối để bảo đảm tỷ lệ tinh giản biên chế trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Vì vậy, sẽ rất khó để giữ chân đội ngũ nếu không có giải pháp khuyến khích, chăm lo đời sống, tạo điều kiện giúp họ gắn bó với ngành.
![]() |
Đồng chí Hoàng Thị Hoa trao đổi tại buổi làm việc.
|
Để đáp ứng nhu cầu ra lớp của trẻ trong độ tuổi trên địa bàn, đồng chí Hoàng Thị Hoa đề nghị UBND huyện nghiên cứu, có cơ chế khuyến khích để phát triển cơ sở mầm non độc lập tư thục, song phải quản lý chặt nhằm bảo đảm về cơ sở vật chất, điều kiện chăm sóc trẻ và chất lượng đội ngũ giáo viên. Đặc biệt, quan tâm liên kết, kêu gọi các DN đầu tư xây dựng trường mầm non, phục vụ cho chính con em công nhân của họ, giúp thu hút, giữ chân lao động.
Tiếp thu các ý kiến trao đổi của đoàn công tác, Chủ tịch UBND huyện Việt Yên Nguyễn Đại Lượng khẳng định, địa phương luôn quan tâm đến công tác giáo dục, trong đó có bậc học mầm non. Xác định khó khăn trong triển khai nhiệm vụ ở GDMN trước tốc độ tăng dân số cơ học của địa bàn công nghiệp trọng điểm của tỉnh, UBND huyện sẽ tiếp tục nghiên cứu, có cơ chế khuyến khích, chính sách ưu tiên phù hợp với kêu gọi các nguồn xã hôi hóa nhằm phát triển cơ sở vật chất, đáp ứng tối đa nhu cầu của trẻ đến tuổi ra lớp.
![]() |
Chủ tịch UBND huyện Việt Yên tiếp thu các ý kiến trao đổi của đoàn công tác.
|
Phát biểu kết luận, đồng chí Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh, nội dung, kết quả đợt giám sát sẽ là căn cứ thực tế quan trọng để Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội có những tham mưu, đề xuất phù hợp với Quốc hội về GDMN ở KCN. Từ đó, xây dựng hệ thống luật pháp, chính sách nhằm phát triển, phát huy hiệu quả của bậc học này.
Ghi nhận những kết quả nổi bật của huyện Việt Yên trong hiệu quả đầu tư, nâng cao chất lượng GDMN, đồng chí đề nghị địa phương tiếp tục quan tâm bố trí ngân sách, huy động các nguồn xã hội hóa và đầu tư phù hợp nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu gửi con của công nhân, từng bước nâng cao chất lượng đời sống cho người lao động; quan tâm triển khai chính sách ưu đãi của nhà nước với đội ngũ nhà giáo, tạo điều kiện để họ gắn bó, tâm huyết với nghề.
Tin, ảnh: Tường Vi
Ý kiến bạn đọc (0)