Liên tục nhiều vụ cháy lớn
Vụ cháy trên tại kho hàng rộng hơn 1.000 m2 ở quận 11, cạnh ký túc xá Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh khiến hàng trăm sinh viên phải sơ tán lúc rạng sáng 18/4.
Tại Bắc Giang, những ngày đầu tháng Tư liên tiếp xảy ra 2 vụ cháy lớn ở 2 công ty may. Vụ thứ nhất vào chiều 6/4, tại Công ty VinaHan ở xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên cháy kho nguyên phụ liệu. Chỉ 2 ngày sau, tại Công ty may Việt Pan Pacific (TP Bắc Giang) lại xảy ra cháy lớn thiêu rụi nhiều hàng hóa, thiệt hại hàng tỷ đồng.
Đáng lưu ý, Công ty VinaHan vừa bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy; còn Công ty may Việt Pan Pacific khi lực lượng chức năng vào chữa cháy phát hiện các điều kiện phòng cháy, chữa cháy không bảo đảm.
Cùng thời gian đầu tháng Tư, một tòa lâu đài ở Quảng Ninh bốc cháy nghi ngút, lực lượng chữa cháy đưa được chủ nhà đi cấp cứu nhưng nạn nhân không qua khỏi. Tại các địa phương khác, cháy xưởng gỗ, kho hàng, cửa hàng... liên tiếp xảy ra.
Số liệu thống kê cho thấy, mỗi năm trên cả nước có hàng nghìn vụ cháy, nổ gây thiệt hại tính mạng và tài sản rất lớn. Đây là vấn đề được lực lượng chức năng và các phương tiện truyền thông cảnh báo nhiều nhưng đáng tiếc vẫn còn nhiều người chủ quan nghĩ rằng “cháy chỗ nào ấy chứ chỗ chúng tôi sao cháy được...”
Thực tế thấy rằng, hệ thống phòng cháy, chữa cháy tại chỗ rất quan trọng nhưng nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư tại các kho hàng, nhà xưởng. Cho nên một khi hỏa hoạn xảy ra thì tài sản coi như bị thiêu rụi hoàn toàn.
Còn với nhiều nhà dân, việc tận dụng nhà mặt phố để vừa ở, vừa sản xuất kinh doanh tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao; vì diện tích nhỏ, tận dụng để chất hàng hóa làm kín hết các lối thoát nạn. Một số gia đình đã trang bị các phương tiện thô sơ như bình chữa cháy xách tay, nhưng việc bảo dưỡng theo định kỳ chưa được thực hiện nghiêm túc.
Nhìn chung các vụ cháy xảy ra đều có tính chất nguy hiểm, liên quan đến hóa chất, dung môi, cồn... và thường xảy ra ở loại hình nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, hoặc sản xuất kinh doanh xen cài trong khu dân cư, khiến cho công tác chữa cháy của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn.
Có ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ cháy liên tục xảy ra thời gian gần đây là do 2 năm qua nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh ngừng, giãn hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên khi khôi phục lại chưa chú ý việc phòng cháy, nhất là hệ thống điện chưa được bảo dưỡng, nâng cấp kịp thời, phương tiện chữa cháy cũng chưa được rà soát, bổ sung để đáp ứng yêu cầu phòng, chữa cháy.
Làm gì để không xảy ra cháy? Trước hết là thay đổi nhận thức, hành vi của doanh nghiệp, người dân về phòng cháy, chữa cháy. Cần kịp thời kiểm tra, rà soát ngay các điều kiện phòng cháy, chữa cháy, nhất là những nơi tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao như hệ thống điện, chỗ để cồn, dung môi, chỗ để bát hương…
Cùng đó, lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát để phát hiện và xử phạt nghiêm với những cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy.
Trần Anh
Ý kiến bạn đọc (0)