Lục Ngạn: Tập trung giải quyết thiếu đá cây cho tiêu thụ vải
Nếu như đầu vụ (cuối tháng 5 vừa rồi), giá đá cây (loại 30 - 35 kg/cây) dao động từ 18-22.000 đồng/cây thì chiều 8/6 tăng lên 70 nghìn đồng/cây. Chị Vi Thị Thật, thôn Hiệp Ca, xã Hồng Giang (Lục Ngạn) chia sẻ, mỗi ngày chị thu mua, đóng gói khoảng 60 tấn vải thiều đi tiêu thụ tại Trung Quốc. Để đóng gói được số vải trên phải dùng hết 1.600 cây đá với giá 50.000 đồng/cây. Vì thế, ngày 9/6 chị mua giảm ¼ lượng hàng vì thiếu đá lạnh. Cũng theo chị Thật, giá đá cây tại Lục Ngạn biến động theo giờ bởi lượng vải bán ra nhiều, trong khi lượng đá cung ứng không đủ.
![]() |
Vận chuyển đá cây đến cơ sở đóng gói vải thiều tại xã Giáp Sơn. |
Bà Đỗ Thị Hằng, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ nông nghiệp hữu cơ Kim Hằng, xã Phượng Sơn cho biết, do lượng đá khan hiếm, giá lại cao nên ngày 8/6 vừa qua, đơn vị chỉ dám duy trì 2 điểm cân, giảm 2 điểm so với hôm trước.
Giá đá tăng, hiện mỗi tấn vải thiều tại Lục Ngạn sẽ phải tăng thêm khoảng 800 đến hơn 1 triệu đồng/tấn so với đầu vụ. Các cơ sở thu mua, đóng gói vải thiều đề nghị chính quyền địa phương, ngành chức năng kịp thời tháo gỡ “cơn sốt đá”. |
Theo Phòng Kinh tế và Hạ tầng Lục Ngạn, trên địa bàn huyện có 42 cơ sở sản xuất đá cây. Hiện chỉ có 39 cơ sở đang sản xuất, sản lượng đạt khoảng 50.000 cây đá/ngày. Được biết, thời điểm này Lục Ngạn xuất bán từ 3-4 nghìn tấn vải. Nhu cầu sử dụng khoảng 75.000 cây đá/ngày (đã trừ lượng vải bán lẻ). Điều này đồng nghĩa với Lục Ngạn đang thiếu khoảng 25.000 cây đá/ngày. Vào thời điểm chín rộ, lượng vải bán ra trong ngày hơn 10 nghìn tấn thì nhu cầu đá cây rất lớn.
![]() |
Mỗi thùng vải 17 kg sử dụng 10 kg đá cây. |
Theo UBND huyện Lục Ngạn, nguyên nhân thiếu nguồn cung đá cây là do các xưởng đá trong huyện thiếu nhân công. Vì nhiều công nhân ngoài tỉnh tâm lý sợ dịch Covid-19 nên không đến Lục Ngạn.
Tại buổi kiểm tra tình hình phòng, chống dịch Covid-19 và tiêu thụ vải thiều tại Lục Ngạn sáng 9/6, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương chỉ đạo huyện Lục Ngạn cần sớm giải quyết “bài toán” thiếu lao động trong vụ vải, đồng thời cần có giải pháp cấp bách tìm kiếm nguồn cung đá cây tại các tỉnh, TP lân cận, tránh tình trạng các chủ cơ sở sản xuất, cung ứng đá cây lợi dụng tình hình để trục lợi, ảnh hưởng đến việc sản xuất, tiêu thụ vải cho nông dân.
![]() |
Mỗi cây đá thường đóng được 3 thùng vải trọng 17 kg vải/thùng. |
Trao đổi về nội dung này, Bí thư Huyện ủy Lục Ngạn Nguyễn Việt Oanh cho biết để giải quyết tình trạng thiếu nguồn cung đá cây, huyện Lục Ngạn sẽ khuyến khích các cơ sở thu mua, tiêu thụ vải thiều khi giao hàng xong nên tận dụng xe không tải lượt về chở đá cây vào Lục Ngạn. Huyện cũng đề nghị các cơ sở sản xuất đá trên địa bàn phát huy tối đa công suất. Đồng thời khuyến khích các thương nhân thu mua đá tại các tỉnh, TP như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa… đưa về Lục Ngạn.
Hy vọng với giải pháp này, những ngày tới, giá đá cây tại Lục Ngạn sẽ giảm, việc tiêu thụ vải thiều sẽ diễn ra thuận lợi hơn. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng ngành chức năng của huyện cũng cần có biện pháp kiểm tra, rà soát các cơ sở sản xuất, cung ứng đá cây trên địa bàn, tránh tình trạng găm hàng, tăng giá để trục lợi.
Bài, ảnh: Thế Đại
Ý kiến bạn đọc (0)