Nâng cao kiến thức, kỹ năng tranh tụng trong trợ giúp pháp lý
Ông Hoàng Trọng Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh cho biết: TGPL là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được TGPL theo quy định của pháp luật nhằm góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật.
![]() |
Trợ giúp viên pháp lý tham gia bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho người được trợ giúp tại TAND tỉnh. |
Đơn cử như trường hợp của bị cáo Hoàng Văn Thêm (SN 1992) ở thôn Ao Nhãn, xã Tân Hoa (Lục Ngạn). Cuối năm 2020, Thêm bị TAND huyện Lục Ngạn tuyên phạt 8 năm tù về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”. Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, trợ giúp viên pháp lý tỉnh đã hướng dẫn bị cáo cùng người thân lập hồ sơ trình Hội đồng xét xử TAND tỉnh trong phiên phúc thẩm đầu năm nay như đưa thêm tình tiết giảm nhẹ về thân nhân của bị cáo có công với cách mạng, bị cáo đã tự giác nộp án phí sơ thẩm, khắc phục hình phạt bổ sung. Qua đó giúp Thêm giảm mức án xuống còn 6 năm tù, mức phạt bổ sung giảm một nửa.
Trước đó, trường hợp công nhân Lưu Văn Dưỡng (SN 1996) ở thôn Pạu, xã Ngọc Minh, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) bị truy tố vì xâm hại trẻ em ở huyện Việt Yên được giảm mức án xuống dưới khung hình phạt. Trong vụ án này, khi bào chữa, trợ giúp viên pháp lý phải tìm nhiều bằng chứng để chứng minh được nguyên nhân dẫn đến vụ việc một phần do lỗi của bị hại khi thông tin không đúng về tuổi thật. Từ mức phạt 3-10 năm tù theo quan điểm của Viện Kiểm sát đưa ra, Hội đồng xét xử TAND tỉnh đã giảm mức phạt xuống còn 22 tháng tù giam.
Ở một vụ án khác, Thân Văn Phụng (SN 1961) ở thôn Thượng Phúc, xã Tăng Tiến (Việt Yên) bị truy tố về tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người. Dù phía luật sư bào chữa cho bị hại luôn đưa ra cáo buộc hành vi của bị cáo Phụng là giết người, nhưng sau khi tìm hiểu về những tình tiết liên quan, đánh giá đúng bản chất vụ án và hành vi phạm tội của bị cáo, trợ giúp viên pháp lý nhận thấy hành vi tát bị hại hai cái của ông Phụng không có tính truy sát.
Tuy nhiên, việc ông đánh đã khiến bị hại ngã đập đầu xuống đất dẫn tới tử vong nên đó là hành vi cố ý gây thương tích dẫn đến chết người. Từ những luận cứ mà trợ giúp viên pháp lý đưa ra đã góp phần xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Căn cứ vào các tình tiết giảm nhẹ, hoàn cảnh của bị cáo, tại phiên xét xử sơ thẩm, Hội đồng xét xử TAND tỉnh đã thay đổi mức án đối với bị cáo từ 7 năm tù xuống còn 5 năm.
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đã tổ chức hàng chục đợt trợ giúp tại các địa phương trong tỉnh. Qua đó tiếp nhận, tư vấn, giải quyết hơn 180 yêu cầu TGPL cho những người thuộc diện hỗ trợ. |
Việc TGPL trong quá trình tố tụng hình sự đã góp phần nâng cao trách nhiệm xử lý tội phạm của cơ quan điều tra các cấp, hạn chế oan, sai. Trung bình mỗi năm, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh tham gia hỗ trợ pháp lý khoảng 200 vụ việc. 100% đều là trợ giúp miễn phí. Chánh án TAND huyện Yên Dũng Nguyễn Văn Toản nhận định: Tại các phiên tòa, các luận cứ, chứng cứ của luật sư bảo vệ, bào chữa là một trong những căn cứ được hội đồng xét xử lắng nghe để đánh giá, đưa ra phán quyết đúng đắn theo pháp luật. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả TGPL cho các đương sự, TAND huyện luôn đẩy mạnh công tác phối hợp với các luật sư trong quá trình diễn ra các hoạt động tố tụng.
Hiện tại, nhiều người dân vẫn chưa nắm rõ về nội dung này nên từ chối hoặc không yêu cầu trợ giúp. Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đã tích phối hợp với các cơ quan tố tụng, Đoàn Luật sư tỉnh đề nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho những người không có khả năng tự bào chữa hoặc không có điều kiện thuê luật sư bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho mình.
Công tác TGPL trong hoạt động tố tụng ngày càng yêu cầu cao về chất lượng đòi hỏi đội ngũ trợ giúp viên pháp lý phải là người có năng lực. Bản thân mỗi trợ giúp viên không ngừng trau dồi kiến thức, bản lĩnh tranh tụng. Để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ luật sư trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, Sở Tư pháp tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan trong công tác tập huấn nghiệp vụ, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho trợ giúp viên gặp gỡ, trao đổi với bị can, bị cáo, người được TGPL.
Hằng năm, Sở Tư pháp đều báo cáo Bộ Tư pháp về việc thực hiện nghĩa vụ tham gia tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng bắt buộc của từng trợ giúp viên pháp lý trên địa bàn. Qua đó, nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng tranh tụng và giúp các trợ giúp viên nắm chắc được quy tắc nghề nghiệp trong TGPL.
Ý kiến bạn đọc (0)