Ngành nông nghiệp thực hiện hiệp định EVFTA: Tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu
Tập trung vào vải thiều, gỗ rừng trồng
UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 263/KH-UBND ngày 15/9/2020 về việc thực hiện Hiệp định EVFTA. Cụ thể hóa nội dung này, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chủ động biện pháp để đón bắt cơ hội đối với ngành hàng nông nghiệp. Ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, EU là thị trường yêu cầu khắt khe về chất lượng.
Do đó, sản phẩm muốn vào được thị trường này chỉ còn cách phải nâng chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn phía đối tác đề ra. Bắc Giang cũng có một số sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu vào EU như: Bưởi, dược liệu, nhãn, rau chế biến… song trước mắt tập trung vào hai sản phẩm chính là vải thiều, gỗ rừng trồng.
![]() |
Với lợi thế rừng trồng lớn, Bắc Giang có nhiều cơ hội xuất khẩu sản phẩm gỗ, chế biến từ gỗ vào thị trường EU. Ảnh: Rừng kinh tế tại xã Đông Hưng (Lục Nam). |
Đối với vải thiều, Bắc Giang là địa phương có vùng trồng tập trung lớn nhất cả nước. Vải thiều từng được tiêu thụ tại Mỹ, EU và nhiều quốc gia khác đã cho thấy những tín hiệu tích cực, mở ra hướng đi mới, nhất là khi EVFTA có hiệu lực.
Nắm bắt cơ hội, ngay trong vụ vải thiều năm 2021, trên cơ sở hơn 200 ha được cấp mã vùng trồng, sản xuất theo quy trình GlobalGAP, ngành nông nghiệp quan tâm hướng dẫn người dân chăm sóc, hạn chế ra lộc đông, phòng trừ sâu bệnh để cây có thể ra hoa, đậu quả cao, cho chất lượng tốt nhất. Cùng đó, duy trì ổn định tổng diện tích trồng vải thiều toàn tỉnh khoảng 28.000 ha.
Mở rộng diện tích vải VietGAP, hữu cơ. Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo đơn vị chuyên môn phối hợp kiểm tra, quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, xử lý nghiêm vi phạm. Thực tế, qua nắm bắt tình hình, lực lượng chức năng tại Lục Ngạn đã bắt giữ, xử phạt một đối tượng vận chuyển gần 30 lít thuốc trừ sâu, trừ cỏ không nằm trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam.
Đồng hành với người sản xuất, ngành Nông nghiệp, Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng công nghệ bảo quản tiên tiến phục vụ cho xuất khẩu vải thiều tươi đến các thị trường xa, khó tính và tiềm năng, trong đó có EU. Dự kiến, hệ thống xạ, xử lý, bảo quản vải thiều sẽ vận hành ổn định trong vụ vải thiều năm tới tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Toàn Cầu, xã Phượng Sơn (Lục Ngạn).
Bắc Giang có một số sản phẩm có tiềm năng suất khẩu vào EU như: Bưởi, dược liệu, nhãn, rau chế biến… song trước mắt tập trung vào hai sản phẩm chính là vải thiều, gỗ rừng trồng. |
Bắc Giang hiện có hơn 100 nghìn ha rừng trồng. Sản lượng gỗ khai thác mỗi năm hơn 600 nghìn m3. Xuất khẩu gỗ chế biến của tỉnh tăng mạnh trong những năm gần đây, năm nay giá trị xuất khẩu ước đạt khoảng 2 nghìn tỷ đồng. “Muốn xuất khẩu gỗ, sản phẩm chế biến từ gỗ sang thị trường EU phải tiến hành các thủ tục song mấu chốt vẫn là thực hiện quản lý rừng bền vững.
Bắc Giang đã sớm quan tâm về vấn đề này và hiện có 2.171 ha được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững quốc tế (FSC). Khi có điều kiện này, xuất khẩu gỗ vào EU sẽ thuận lợi”-ông Lê Bá Thành chia sẻ. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp đẩy mạnh phát triển rừng bền vững; kết hợp hoạt động bảo vệ, khai thác rừng với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái.
Ban hành cơ chế, chính sách phù hợp
Để thực hiện hiệu quả Hiệp định EVFTA đối với lĩnh vực nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và PTNT rà soát, tham mưu xây dựng các chương trình, đề án, cơ chế chính sách hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm, tập trung vào các sản phẩm có thế mạnh của tỉnh. Sở đang triển khai Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Theo đó, xây dựng các mô hình sản xuất vải, chăn nuôi, thủy sản hữu cơ.
![]() |
Vải trồng theo quy trình GlobalGAP tại xã Hồng Giang (Lục Ngạn). Ảnh tư liệu |
Bên cạnh đó, Sở đã tham mưu xây dựng Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2021-2025. Đây là cơ sở để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất theo chuỗi, từng bước giúp doanh nghiệp tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Đi đôi với giải pháp trên, ngành Nông nghiệp phối hợp với Sở Công Thương triển khai kế hoạch xuất khẩu hàng hóa nông sản của tỉnh giai đoạn năm 2021-2025. Thiết lập, duy trì và nâng cao chất lượng đường dây nóng tiếp nhận các kiến nghị, phản ánh của người dân, doanh nghiệp trong giờ hành chính, tháo gỡ kịp thời vướng mắc.
Đẩy mạnh cung cấp thông tin, dự báo về các thị trường xuất nhập khẩu, thị trường trong nước, cung cấp thông tin về thương mại đầu tư để doanh nghiệp nắm bắt yêu cầu kỹ thuật, quy định quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa của các nước EU về mặt hàng nông sản.
Thường xuyên thông báo đến các doanh nghiệp thông tin về các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước, qua đó tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường; đồng thời chuẩn bị những giải pháp ứng phó, hỗ trợ đối với những ngành hàng, mặt hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp chịu tác động lớn, trực tiếp từ việc thực thi Hiệp định, nhất là mặt hàng từ sản phẩm chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản.
Thực hiện EVFTA đòi hỏi sản xuất phải đi đôi với bảo vệ môi trường, do vậy Sở Nông nghiệp và PTNT chủ động phòng ngừa và kiểm soát các nguồn ô nhiễm gây tác động xấu đến môi trường; đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp.
Ý kiến bạn đọc (0)