Nồi bánh chưng phố thị
![]() |
Người dân thành phố Bắc Giang gói bánh chưng truyền thống. |
Cuối năm, vào khoảng 26, 27 tháng Chạp, nhiều gia đình ở các phường Ngô Quyền, Trần Phú, Thọ Xương, Trần Nguyên Hãn hay các xã ngoại thành như Dĩnh Trì, Tân Mỹ, Song Khê thường quây quần ngồi gói bánh chưng. Bà Nguyễn Thị Lụa, ở phường Trần Nguyên Hãn sinh ra tại xã Hoàng An (Hiệp Hòa) - nơi nổi tiếng với nghề gói bánh chưng bằng lá chít.
Bà kể từ nhỏ đã được bố mẹ dạy cách gói bánh. Hương vị Tết cổ truyền gắn liền với khung cảnh làng quê thanh bình, cả gia đình cùng gói bánh chưng đã trở thành một phần ký ức đẹp của tuổi thơ. Dù sống ở thành phố đã lâu song năm nào bà cũng chuẩn bị nguyên liệu để tự tay gói những chiếc bánh đẹp nhất, ngon nhất, gia vị vừa vặn theo ý muốn. Bà Lụa kể, ở thành phố, mọi người gói bánh bằng lá dong nhưng ở Hoàng An lại gói bằng lá chít.
Bởi vậy bà thường nhờ người thân ở quê mua lá, gạo nếp, đỗ xanh gửi lên. Lá chít nhỏ nên người gói phải khéo tay, xếp những lớp lá cẩn thận, không để rơi gạo, đỗ và lựa làm sao để khi buộc lạt, phần nhân ở giữa chiếc bánh. Bà Lụa duy trì việc gói bánh chưng mỗi dịp Tết vừa để con cháu nhớ đến cội nguồn, cũng là ôn lại kỷ niệm về quê hương. Ngoài gói vài chục chiếc bánh cho gia đình, bà Lụa còn làm thêm để tặng bạn bè.
Anh Nguyễn Việt Hải, tổ dân phố Tiền Giang, phường Lê Lợi có hơn 20 năm kinh nghiệm gói bánh chưng chia sẻ, ngay từ lúc chọn gạo, đỗ đến quá trình gói, luộc cần làm rất tỉ mỉ, khéo léo. Gạo nếp ngâm chừng 4 tiếng sau đó vo sạch, để ráo. Bánh gói chặt vừa phải để lúc luộc gạo sẽ nở và chín đều, không bị vỡ. Khâu luộc cũng cần đúng kỹ thuật. Luộc bánh bằng củi, lửa không quá to hoặc quá nhỏ. Muốn cho bánh dền, dẻo, sau khi vớt khỏi nồi, bánh được lăn đều trên rơm nếp.
So với mua đồ bán sẵn ngoài chợ, gói bánh sẽ mất nhiều công song mang lại niềm vui cho mọi người. Những gia đình có trẻ nhỏ, bao giờ người lớn cũng gói riêng vài chiếc bánh nhỏ dành riêng cho các em. Trẻ háo hức nghe bố mẹ giảng giải về nguồn cội vì sao bánh chưng màu xanh, có hình vuông, khi nào thì gói bánh dài. Chị Nguyễn Thu Thanh, thôn Mỹ Cầu, xã Tân Mỹ kể, chị thường gói bốn chiếc bánh vuông để thắp hương gia tiên, còn lại gói bánh dài.
Mùi thơm của đỗ xanh hòa quyện với gạo nếp, thịt lợn ba chỉ… gợi nhớ những ký ức khó quên của Tết xưa nên vài năm gần đây, gia đình chị Thanh thường rủ một số hộ cùng tổ liên gia đụng thịt lợn và cùng gói bánh. Không khí rất rộn ràng. Người trông bếp luôn chú ý giữ cho lửa cháy đều, nước trong nồi vừa ngập bánh. Bên ánh lửa hồng, nồi bánh sôi lục bục, mọi người cùng trò chuyện chờ bánh chín, mong ước đón năm mới an lành, hạnh phúc, nhiều may mắn.
Dù công việc bận rộn song mỗi gia đình bớt chút thời gian gói bánh chưng Tết đã trở thành niềm vui của một bộ phận người dân thành phố. Đây cũng là lúc để những người con quê xa sinh sống và làm việc tại thành phố vơi bớt nỗi nhớ nhà khi Tết đến, xuân về.
Hải Vân
Ý kiến bạn đọc (0)