Quan trắc môi trường lao động để bảo vệ sức khỏe
Nỗi lo bệnh nghề nghiệp
Bệnh nghề nghiệp phát sinh do điều kiện lao động có hại tác động đến NLĐ. Nguyên nhân gây ra là do NLĐ tiếp xúc thường xuyên, trong thời gian dài ở môi trường làm việc không bảo đảm. NLĐ thuộc bất cứ ngành nghề nào cũng có thể mắc bệnh nghề nghiệp nhưng nguy cơ cao hơn là ở một số lĩnh vực đặc thù như: Y tế, sản xuất cơ khí, công nghiệp (xi măng, gạch, may mặc).
![]() |
Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Haem Vina (KCN Song Khê - Nội Hoàng). |
Theo báo cáo của Khoa Bệnh nghề nghiệp (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh), trong hai năm 2020-2021, toàn tỉnh có 95 lượt doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất, kinh doanh đăng ký với trung tâm để tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho hơn 18,5 nghìn lượt lao động. Trong số này, phát hiện hơn 3 nghìn người mắc các bệnh như điếc do tiếp xúc tiếng ồn (hơn 1,3 nghìn người); viêm phế quản mạn tính (hơn 700 người); nhiễm độc chì và các hợp chất (gần 500 người); ngoài ra còn một số bệnh khác. Điều này cho thấy NLĐ luôn phải đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh nghề nghiệp.
Chị Bùi Thị H (SN 1984) ở xã Đoan Bái (Hiệp Hòa), sau hơn 7 năm làm việc tại một DN sản xuất hàng may mặc, do đặc thù công việc phải ngồi lâu một chỗ, lại thường xuyên tiếp xúc với bụi vải, bông nên có biểu hiện đau lưng, thường xuyên ho có đờm kèm theo tức ngực.
Thời gian đầu, chị H cho rằng những dấu hiệu về sức khỏe trên chỉ cần nghỉ ngơi là ổn nhưng bệnh ngày càng tiến triển xấu. Chị đi khám và được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh viêm phế quản mạn tính, thoát vị đĩa đệm thể nhẹ. Hiện dù bệnh đã thuyên giảm phần nào sau thời gian dài điều trị nhưng chị phải xin chuyển vị trí làm việc sang bộ phận kho để giảm áp lực công việc, chấp nhận mức thu nhập thấp hơn.
Cùng với viêm phế quản mạn tính, hiện nay bệnh điếc nghề nghiệp do môi trường làm việc có tiếng ồn vượt mức quy định đang có dấu hiệu gia tăng, tập trung chủ yếu ở ngành nghề sản xuất thép, cơ khí. Làm công nhân cơ khí tại một DN ở Khu công nghiệp (KCN) Đình Trám gần 10 năm, anh Nguyễn Văn T (SN 1978) hằng ngày phải tiếp xúc với tiếng ồn trong nhà xưởng.
Ba năm trở lại đây, thính giác của anh giảm đi rõ rệt, đi kiểm tra sức khỏe thì phát hiện bị điếc với mức độ tổn thương 5%. Anh T chia sẻ: “Qua giám định bệnh nghề nghiệp, bệnh của tôi chưa quá nghiêm trọng để được hưởng chế độ nhưng ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả công việc và sinh hoạt hằng ngày. Giờ đã có tuổi, sẽ rất khó khăn nếu xin việc làm mới nên tôi đành chấp nhận. Chỉ mong sao lãnh đạo DN quan tâm cải thiện điều kiện làm việc”.
Nâng cao hiệu quả phòng ngừa
Theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động (năm 2015) và Thông tư số 19/2016 của Bộ Y tế (Hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động và sức khỏe NLĐ), hằng năm, chủ sử dụng lao động phải tổ chức quan trắc môi trường lao động ít nhất một lần.
![]() |
Cán bộ Khoa Bệnh nghề nghiệp quan trắc môi trường lao động (đo ánh sáng, tiếng ồn) tại Công ty TNHH Dawon Vina. |
Bác sĩ Đặng Bá Hiểu, Trưởng Khoa Bệnh nghề nghiệp cho biết, việc quan trắc môi trường lao động có ý nghĩa quan trọng trong phòng ngừa và giảm thiểu ảnh hưởng của yếu tố có hại trong môi trường lao động đối với sức khỏe. Bởi dựa trên kết quả các mẫu đo cụ thể (áp dụng với từng lĩnh vực sản xuất), đơn vị quan trắc sẽ đánh giá được các yếu tố nguy cơ phát sinh bệnh nghề nghiệp. Từ đó yêu cầu DN tổ chức khám sức khỏe cho lao động ở những vị trí tương ứng, kịp thời phát hiện các bệnh liên quan đến nghề nghiệp để điều trị, bố trí công việc phù hợp.
Điển hình như tại Công ty TNHH Dawon Vina (KCN Song Khê - Nội Hoàng), chuyên sản xuất linh kiện điện tử, từ khi đi vào hoạt động (năm 2011) đến nay, DN luôn thực hiện nghiêm quy định về quan trắc môi trường lao động. Bà Thân Thị Linh, Quản lý nhân sự của công ty cho biết: Do thực hiện tự động hóa nên DN chỉ có 40 công nhân đứng máy. Để bảo vệ sức khỏe NLĐ, hằng năm, dựa trên kết quả quan trắc,lãnh đạo DN đã đầu tư cải tạo hệ thống quạt thông gió, hút bụi, lắp đèn bảo đảm ánh sáng, thiết bị khuếch tán âm thanh để chống tiếng ồn. Nhờ vậy DN chưa phát hiện trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp.
Theo báo cáo của Khoa Bệnh nghề nghiệp (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh), trong hai năm 2020-2021, toàn tỉnh có 95 lượt doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất, kinh doanh đăng ký tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho hơn 18,5 nghìn lượt lao động. Trong số này, phát hiện hơn 3 nghìn người mắc bệnh. |
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, không phải DN nào cũng quan tâm thực hiện hoặc thực hiện quy định quan trắc môi trường lao động theo kiểu đối phó. Cụ thể, năm 2021, trong số 295 DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh được phân cấp quản lý chỉ có 30 cơ sở có tổ chức quan trắc môi trường lao động. Số còn lại có thể phối hợp với đơn vị khác ở ngoài tỉnh để kiểm tra nhưng không chấp hành báo cáo về trung tâm hoặc không thực hiện nghĩa vụ này.
Bên cạnh đó, để tiết kiệm chi phí, nhiều chủ DN hạn chế đầu tư kinh phí cải thiện điều kiện làm việc, khiến nhà xưởng chật hẹp, nóng bức, gia tăng nồng độ bụi, tiếng ồn. Đây đều là những nguyên nhân ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe NLĐ. “Sau khi quan trắc môi trường lao động và được kiến nghị nhưng không ít DN không tổ chức khám bệnh nghề nghiệp cho NLĐ để tránh phát sinh chi phí. Bên cạnh đó, nhiều công nhân thấy bệnh chưa đến mức nguy hiểm, sợ phiền hà, lại lo mất việc làm nên bỏ qua”, bác sĩ Hiểu cho biết thêm.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 7 nghìn DN đang hoạt động, tạo việc làm cho hơn 300 nghìn lao động. Trong số này, không ít lao động đang làm ở môi trường tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp. Để bảo vệ sức khỏe NLĐ, trách nhiệm của lãnh đạo DN có vai trò quyết định, trong đó việc nâng cao hiệu quả phòng ngừa bệnh nghề nghiệp từ quan trắc môi trường lao động được xem là giải pháp quan trọng.
Cùng đó, các ngành chức năng thường xuyên giám sát, hướng dẫn, nhắc nhở các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện tốt quy định của pháp luật về vệ sinh lao động; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Trước nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp, ông Hoàng Văn Thắng, Trưởng phòng Lao động- Việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng, bản thân NLĐ cần tự nâng cao ý thức phòng ngừa, chấp hành nghiêm việc sử dụng đồ bảo hộ cá nhân; chủ động đề xuất, kiến nghị với chủ DN cải thiện môi trường làm việc, bảo đảm an toàn cho NLĐ.
Bài, ảnh: Tường Vi
Ý kiến bạn đọc (0)