Tái đàn lợn sau công bố hết dịch: Bảo đảm an toàn, hiệu quả
Nhanh chóng tái đàn
Ngay sau khi công bố hết dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn, gia đình anh Trần Văn Phan, thôn Bãi Cả, xã Tiên Lục (Lạng Giang) đã khẩn trương bắt tay ngay vào những lứa lợn mới. Trước đó, để bảo đảm cho công tác tái đàn, gia đình anh tập trung tiêu độc khử trùng, vệ sinh toàn bộ chuồng trại và lắp đặt thêm hệ thống quạt thông gió khu chăn nuôi.
![]() |
Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Lạng Giang trao đổi với anh Trần Văn Phan, xã Tiên Lục về việc tái đàn lợn. |
Được biết, dịch tả lợn châu Phi xảy ra năm ngoái đã ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế gia đình. Anh Phan cũng được tiếp nhận hơn 740 triệu đồng tiền hỗ trợ lợn để tiêu hủy. Hiện nay anh Phan vẫn xác định chăn nuôi lợn là hướng đi chính trong phát triển kinh tế gia đình. Theo anh Phan, rút kinh nghiệm từ đợt dịch vừa qua, cùng với phát triển 1 nghìn con lợn thịt, 110 lợn nái, thời điểm này anh đặc biệt quan tâm khâu vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng và chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học mà cơ quan chuyên môn đã khuyến cáo.
Theo ông Nguyễn Văn Giang, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Lạng Giang, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, toàn huyện đã có hơn 4,2 nghìn hộ với gần 57 nghìn con lợn, tổng trọng lượng gần 3 nghìn tấn lợn chết phải tiêu hủy. Để tạo điều kiện cho bà con nhanh chóng tái đàn, huyện đã tổ chức chi trả hơn 79,5 tỷ đồng tiền hỗ trợ cho các hộ bị thiệt hại. UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn và cơ quan chuyên môn triển khai tái đàn, tăng đàn lợn...
Cũng như huyện Lạng Giang, ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, huyện Hiệp Hòa đã có hơn 3,8 nghìn hộ bị ảnh hưởng với 34 nghìn con lợn, tổng trọng lượng hơn 1,8 nghìn tấn. Hiện nay, địa phương đã hỗ trợ hơn 49,7 tỷ đồng để người dân nhanh chóng tái đàn.
Thống kê của cơ quan chuyên môn, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, toàn tỉnh đã phải chôn hủy gần 277 nghìn con, tương ứng 14,7 nghìn tấn. Tổng kinh phí hỗ trợ cho người chăn nuôi theo quy định là hơn 398, 8 tỷ đồng.
Tăng đàn theo hướng an toàn sinh học
Thời gian qua, giá lợn luôn ở mức cao khiến người dân sốt sắng tái đàn và mở rộng quy mô phát triển sản xuất chăn nuôi lợn. Tuy nhiên, để hạn chế rủi ro khi tái đàn, cơ quan chuyên môn đã duy trì 10 tổ công tác, hướng dẫn chuyên môn về phòng, chống dịch bệnh và tái đàn lợn tại 10 huyện, TP để giám sát người chăn nuôi thực hiện đầy đủ các điều kiện cần thiết khi tái đàn bảo đảm theo quy định; tổ chức tập huấn hướng dẫn tái đàn và các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học sau dịch tả lợn châu Phi.
Theo ông Lương Đức Kiên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, để bảo đảm an toàn khi tái đàn, các cơ sở chăn nuôi phải đáp ứng được các yêu cầu như: Cơ sở chăn nuôi đã được công nhận an toàn dịch bệnh hay cơ sở chăn nuôi đã đăng ký tham gia chương trình giám sát dịch bệnh hoặc cơ sở chăn nuôi có quy trình và thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Với những hộ không đủ điều kiện tái đàn cần chuyển đổi sang chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm khác để duy trì và ổn định sinh kế.
Để việc tái đàn lợn an toàn và có hiệu quả, cơ quan chuyên môn cũng đã có hướng dẫn các cơ sở sản xuất lợn giống tại địa phương, các trang trại, hộ chăn nuôi có lợn nái sống sót sau dịch tăng cường nhân giống, cung ứng lợn giống bảo đảm chất lượng và có kiểm soát.
Đánh giá của ngành chức năng cho thấy, phương thức chăn nuôi hiện nay đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng giảm chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, tăng chăn nuôi theo hướng trang trại quy mô lớn ứng dụng quy trình chăn nuôi VietGAP và chăn nuôi an toàn sinh học.
Hiện đàn lợn của tỉnh có hơn 880 nghìn con, trong đó lợn nái 67,2 nghìn con, đàn lợn thịt hơn 650 nghìn con. Với giá bán lợn như hiện nay đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi. Chính vì vậy, việc nhanh chóng tái đàn là cần thiết nhưng phải có kiểm soát. Được biết, so với thời điểm trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi, hiện toàn tỉnh đã tăng đàn được khoảng 259 nghìn con, đạt 80% kế hoạch.
Ngọc Hân
Ý kiến bạn đọc (0)