Tạo thương hiệu sản phẩm OCOP, nâng cao thu nhập
Năm 2019 gia đình chị Đặng Thị Vân Anh, thôn Bảo Lộc 2, xã Bảo Sơn đã đầu tư dây chuyền đồng bộ nấu rượu theo phương thức truyền thống. Nguyên liệu được sử dụng là nếp cái hoa vàng, nếp Mộc Tuyền, được sơ chế theo quy trình ủ men truyền thống. Với quy trình sản xuất này, rượu của gia đình chị vẫn giữ nguyên hương vị đặc trưng.
![]() |
Các sản phẩm nông sản đặc trưng của huyện được trưng bày, giới thiệu tại Lễ khai hội Đền Thần Nông. Ảnh: Quốc Trường. |
Năm 2020 được sự hướng dẫn, hỗ trợ của các phòng chức năng huyện về tem, nhãn mác, đăng ký giới thiệu sản phẩm nên rượu của gia đình chị đã được tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Chị Vân Anh cho biết: “Sau khi sản phẩm được công nhận OCOP đã tạo thêm sự tin tưởng của khách hàng, tiêu thụ thuận lợi hơn, hiện thị trường được mở rộng ra cả các tỉnh bạn như: Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh...”
HTX Na dai Nghĩa Phương được thành lập năm 2019 gồm 71 thành viên, với diện tích gần 50 ha. Na được trồng tập trung tại 4 thôn: Suối Ván, Kỳ Sơn, Trí Yên và thôn Tè. Na của HTX được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP nên quả to, mẫu mã đẹp, mùi vị thơm ngon. Năng suất bình quân đạt khoảng 11-15 tấn quả/ha, với giá bán dao động từ 30 - 70 nghìn đồng/kg. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, phòng chuyên môn của huyện đã hướng dẫn các nhà vườn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình chăm bón, cắt tỉa cành, thụ phấn, điều chỉnh ra quả trên thân cây.
Năm 2022, sản phẩm na dai Nghĩa Phương đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Ông Hoàng Văn Hướng, Giám đốc Hợp tác xã Na dai Nghĩa Phương cho biết: "Hiện sản phẩm na dai Nghĩa Phương đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, mong muốn của HTX là UBND huyện tiếp tục hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, quảng bá giới thiệu mở rộng thị trường ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước và vào các siêu thị".
Là địa phương có diện tích đất nông, lâm nghiệp lớn với nhiều sản phẩm đặc trưng, nhận thức được thế mạnh của mình, thời gian qua, UBND huyện luôn quan tâm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”- OCOP. Theo đó, địa phương đã chủ động chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiến hành rà soát tổng thể các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiêu biểu, có thế mạnh trên địa bàn huyện để tạo dựng thương hiệu sản phẩm OCOP. Các cơ quan chức năng làm tốt công tác tuyên truyền, giúp người dân và chủ các cơ sở sản xuất nhận thức được đầy đủ về ý nghĩa, lợi ích của việc xây dựng thương hiệu.
Để khuyến khích, huyện có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho mỗi sản phẩm sau khi đạt OCOP là 10 triệu đồng. Cùng đó, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại dưới nhiều hình thức khác nhau như: Thông qua các trang web, các phương tiện truyền thông, tham gia các chương trình, hội chợ thương mại tổ chức trong và ngoài tỉnh. Các phòng: Nông nghiệp và PTNT, Kinh tế - Hạ tầng hướng dẫn xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, thiết kế bao bì, in tem truy xuất nguồn gốc, nhãn mác sản phẩm...
Toàn huyện Lục Nam hiện có 16 sản phẩm được công nhận OCOP cấp tỉnh, vượt 8 sản phẩm so với chỉ tiêu kế hoạch đến năm 2025. Trong đó, có 14 sản phẩm được xếp hạng 3 sao, tiêu biểu như: Hạt dẻ, rượu nếp cái hoa vàng, dứa, na dai... 2 sản phẩm được xếp hạng 4 sao là trà hoa vàng, đông trùng hạ thảo khô. Số HTX tham gia chương trình OCOP là 14 đơn vị.
Dự kiến năm 2023, huyện sẽ đăng ký thêm 10 sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao. Theo ông Vũ Trí Học, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện: "Chương trình OCOP giúp khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, nâng cao chất lượng, hoàn thiện sản phẩm tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Từ nay đến năm 2025, huyện Lục Nam sẽ tập trung xây dựng thương hiệu OCOP cho sản phẩm củ đậu, táo, nem…"
Nguyễn Hào
Ý kiến bạn đọc (0)