Thực hiện quy định về BHXH, BHYT, BHTN: Không để doanh nghiệp mượn cớ dịch bệnh chậm đóng bảo hiểm
Quyền lợi người lao động bị ảnh hưởng
Đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh khiến nhiều DN gặp khó khăn, thậm chí ngừng hoạt động, phá sản, dẫn đến tình trạng nợ bảo hiểm có xu hướng tăng. Thêm vào đó, tình trạng một số DN đang hoạt động trốn đóng bảo hiểm làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
Tính đến hết tháng 12/2020, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN toàn tỉnh là hơn 244 tỷ đồng, chiếm 3,86% số phải thu. Trong đó, nợ BHXH 176,2 tỷ đồng; nợ BHYT 56,6 tỷ đồng.
![]() |
Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Fine Land Apparel Việt Nam, đơn vị nợ đọng bảo hiểm kéo dài. |
Theo thông tin từ BHXH tỉnh, hơn 4 tháng nay, Công ty TNHH DaYoung Vina ở KCN Vân Trung (Việt Yên) chưa đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động với số tiền nợ hơn 1,5 tỷ đồng. Được biết, doanh nghiệp có 300 lao động, chuyên sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử. Việc chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN của đơn vị khiến nhiều công nhân chưa được giải quyết các chế độ trợ cấp thai sản, khám, chữa bệnh BHYT.
Năm 2017, Công ty TNHH Fine Land Apparel Việt Nam ở KCN Đình Trám (Việt Yên) bị xử phạt vi phạm việc chấp hành chính sách BHXH cho người lao động nhưng sau đó đơn vị vẫn nợ đọng kéo dài hơn 7,8 tỷ đồng tiền BHXH, BHYT, BHTN của 297 lao động trong 20 tháng qua. Chị N.T.H, công nhân Công ty cho hay: "Dù biết chưa được DN đóng BHXH, BHYT, BHTN nhưng tôi vẫn đi làm bởi sợ không có thu nhập, mất việc làm, ảnh hưởng đến đời sống".
Đây không phải là vấn đề mới song chưa có dấu hiệu dừng lại mà vẫn tiếp tục gia tăng không chỉ ở Bắc Giang mà trên địa bàn cả nước, nhất là trong bối cảnh hiện nay, nhiều DN bị tác động bởi dịch Covid-19.
Nguyên nhân là do các DN chưa quan tâm đến quyền lợi của người lao động, thường biện minh do sản xuất không ổn định, sản phẩm không tiêu thụ được để không đóng bảo hiểm cho người lao động. Trong khi đó, một số tổ chức công đoàn cơ sở chưa mạnh dạn đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Ngay cả người lao động cũng chưa mạnh dạn đòi quyền và lợi ích hợp pháp của chính mình.
Cùng đó, trên địa bàn tỉnh có một số DN làm ăn thua lỗ, phá sản, không đóng bảo hiểm cho công nhân dẫn đến tình trạng nợ lớn, kéo dài, khó có khả năng thu hồi. Như mới đây, Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng Trung Nam ở xã Lão Hộ (Yên Dũng) chuyên sản xuất vật liệu xây dựng với gần 200 công nhân cũng gặp khó khăn trong kinh doanh đã nợ lương, nợ BHXH của công nhân từ tháng 8/2020 đến nay.
Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Tín Phát ở xã Đại Lâm (Lạng Giang) có 124 lao động cũng phải tạm dừng hoạt động, đã thanh toán lương cho công nhân nhưng vẫn nợ BHXH 9 tháng.
Chủ động các biện pháp giảm nợ đọng
Trước thực tế này, thời gian qua, BHXH tỉnh đã chủ động triển khai các giải pháp kiểm soát nợ, giảm nợ đọng về mức thấp nhất. Cụ thể, BHXH tỉnh chỉ đạo BHXH các huyện thực hiện nghiêm quy định về quản lý thu, định kỳ hằng tháng gửi đối chiếu, tình hình đóng, chưa đóng và chậm đóng tới DN, thông báo đến người lao động.
Ông Nguyễn Xuân Trường, Phó Giám đốc BHXH huyện Việt Yên cho biết: “Đối chiếu, rà soát dữ liệu do ngành Thuế cung cấp, BHXH huyện Việt Yên phát hiện nhiều trường hợp người lao động đã quyết toán thuế thu nhập cá nhân nhưng chưa được DN đóng BHXH bắt buộc, từ đó có nhắc nhở đến DN và người lao động”.
Tính đến hết tháng 12/2020, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN toàn tỉnh là hơn 244 tỷ đồng, chiếm 3,86% số phải thu. Trong đó, nợ BHXH là 176,2 tỷ đồng; nợ BHYT là 56,6 tỷ đồng. |
Chia sẻ khó khăn với các DN, năm 2020, BHXH tỉnh đã tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đến hết tháng 12/2020 đối với 10 DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đồng thời, BHXH tỉnh đã thanh tra, kiểm tra tại 64 đơn vị sử dụng lao động.
Qua đó kịp thời phát hiện chủ sử dụng lao động chưa đóng hoặc đóng thiếu thời gian cho 223 người lao động; đóng sai mức cho 364 trường hợp và truy thu hơn 2,1 tỷ đồng đóng BHXH cho người lao động. Hằng quý, BHXH tỉnh công khai danh tính DN chậm đóng kéo dài trên Báo Bắc Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh.
Ông Thân Đức Lại, Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: "Thời gian tới, BHXH tỉnh đẩy mạnh kiểm soát không để DN mượn cớ dịch bệnh chậm đóng bảo hiểm. BHXH tỉnh sẽ tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt các sở, ban, ngành phối hợp với cơ quan BHXH xử lý thu hồi nợ bảo hiểm, giảm tỷ lệ nợ BHXH, BHYT, BHTN của các DN về mức dưới 1,7%.
Phối hợp với UBND các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm tại các DN. Các phòng, đơn vị chức năng của BHXH tỉnh thường xuyên rà soát, phân loại các đơn vị, DN nợ đọng, phân tích nguyên nhân, liên tục đốc thu, đối chiếu công nợ hàng tháng.
Nếu đơn vị nào đang hoạt động tốt vẫn trốn đóng, BHXH tỉnh sẽ tiến hành thanh tra đột xuất để làm căn cứ đề xuất xử lý vi phạm hình sự theo quy định của Luật BHXH". Trong quý I/2021, BHXH tỉnh tập trung thanh tra các đơn vị sử dụng lao động có dấu hiệu vi phạm, kiên quyết xử lý dứt điểm đối với các đơn vị chây ỳ nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động.
Bên cạnh sự vào cuộc tích cực của ngành chức năng, tổ chức công đoàn cơ sở cần mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong việc thực hiện trách nhiệm đại diện, đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động, trong đó có quyền lợi về BHXH, BHYT, BHTN.
Duy Minh
Ý kiến bạn đọc (0)