Tín dụng tăng trưởng cao nhất 5 năm qua: Tạo lực đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh
BẮC NINH - Từ đầu năm đến nay, bức tranh tín dụng của tỉnh Bắc Ninh có sự khởi sắc cả về chất và lượng, với mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Con số này thể hiện sự chủ động, quyết liệt của ngành Ngân hàng trong chỉ đạo giải ngân các nguồn vốn vay cùng sự nỗ lực chung của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hướng dòng vốn vào lĩnh vực ưu tiên
Mục tiêu giữ vững vai trò huyết mạch của nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành, trong đó, khuyến khích các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế. Trong thời gian qua, hệ thống Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) trên địa bàn tỉnh luôn tiên phong triển khai hiệu quả các định hướng, chính sách của Chính phủ, của tỉnh và Ngân hàng Nhà nước. Hiện, tổng dư nợ của 5 Chi nhánh Vietcombank (Vietcombank Bắc Giang, Vietcombank Tây Bắc Giang, Vietcombank Bắc Ninh, Vietcombank Kinh Bắc và Vietcombank Nam Bắc Ninh) đạt gần 60.000 tỷ đồng.
![]() |
Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được tiếp cận nguồn vốn ngân hàng đầu tư phát triển sản xuất. Ảnh: Dây chuyền sản xuất của Công ty cổ phần Vật liệu bao bì nhựa IFC VINA, Khu công nghiệp Thuận Thành II. |
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Vietcombank Chi nhánh Bắc Ninh, từ đầu năm đến nay, Chi nhánh thẩm định giải ngân cho vay hạn mức hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thêm vốn đầu tư phát triển sản xuất. Đến ngày 30/6, Chi nhánh có tổng dư nợ đạt hơn 22,622 tỷ đồng, tăng 757,2 tỷ đồng so với cuối năm 2024, cũng là đơn vị có số dư nợ cao nhất trong hệ thống Vietcombank trên địa bàn toàn tỉnh.
Xác định vốn có vai trò quan trọng, là tiền đề cho doanh nghiệp thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Bắc Giang kịp thời thẩm định hồ sơ, giải ngân nguồn vốn vay. Ông Ưng Việt Anh, Phó Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Bắc Giang cho biết, năm 2025 đơn vị tiếp tục là một trong những ngân hàng đi đầu trong việc hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp phát triển, với nhiều gói tín dụng ưu đãi và các chương trình hỗ trợ đa dạng. Đơn vị cam kết tiếp tục điều chỉnh mức lãi suất phù hợp để tăng mức tiếp cận của khách hàng. Hết tháng 6 năm nay, tổng dư nợ của Chi nhánh đạt hơn 14 nghìn tỷ đồng, tăng 2 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2024.
Không chỉ các ngân hàng thương mại Nhà nước, các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn tỉnh đã và đang tập trung dành nguồn vốn đáp ứng nhu cầu cho các thành phần kinh tế, đặc biệt hướng dòng vốn vào lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm để tạo đà, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh trong giai đoạn mới.
Thúc đẩy sản xuất kinh doanh
Theo báo cáo diễn biến lãi suất mới đây của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay đang duy trì ở mức thấp. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên vẫn giữ khoảng 3,9%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (4%/năm). Lãi suất cho vay bình quân đối với khoản vay mới giảm 0,64 điểm %, còn 6,24%/năm. Thời gian tới, các ngân hàng sẽ tiếp tục nỗ lực giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
6 tháng đầu năm 2025, bức tranh tín dụng của tỉnh Bắc Ninh có sự bứt phá, với hơn 350 nghìn tỷ đồng tổng dư nợ được chuyển tải đến tất cả các thành phần kinh tế, tăng 14,7% so với cuối năm 2024, mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm trở lại đây; nợ xấu chỉ chiếm 1,2% trên tổng dư nợ, thấp hơn giới hạn cho phép của Ngân hàng Nhà nước. |
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Giấy Phong Phú BN, phường Võ Cường chuyên sản xuất gia công các loại giấy công nghiệp cho biết, nhằm tập trung sản xuất đáp ứng kịp thời những đơn hàng đã ký kết, Công ty làm thủ tục vay nguồn vốn lưu động và được Vietcombank Chi nhánh Bắc Ninh duyệt cho vay hạn mức 11,5 tỷ đồng, lãi suất 5,1%/năm. Với mức lãi suất và hạn mức vay phù hợp là tiền đề để Công ty tiếp tục mở rộng sản xuất, tăng doanh thu và giải quyết việc làm ổn định cho người lao động.
Theo ông Tạ Thành Long, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh khu vực 12, Bắc Ninh là vùng kinh tế năng động của cả nước, có tầm ảnh hưởng lớn nhờ vào sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại- dịch vụ và đô thị hóa, có đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài và giải quyết việc làm. Thực hiện song hành hai nhiệm vụ, vừa đẩy vốn ra nền kinh tế, vừa bảo đảm an toàn hoạt động tín dụng, Chi nhánh chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn trên cơ sở tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số để đẩy nhanh tốc độ, thời gian xử lý đề nghị của khách hàng, bảo đảm an toàn hoạt động. Đồng thời, tích cực thực hiện hoạt động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp bằng hình thức phù hợp để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của khách hàng.
Nhiều giải pháp hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, khơi thông dòng vốn theo chỉ đạo của Chính phủ, đồng thời với sự quyết liệt điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt của các cấp, ngành, bức tranh tín dụng của tỉnh Bắc Ninh có sự cân bằng giữa huy động vốn và cho vay, song hành cả chất và lượng. Sẽ không chủ quan khi khẳng định rằng, đầu tư tín dụng từ con số hơn 350 nghìn tỷ đồng, là đòn bẩy cho sự đi lên trong biểu đồ tăng trưởng tín dụng của toàn ngành năm 2025. Cùng với những chuyển động mạnh mẽ của nền kinh tế, nguồn vốn tín dụng sẽ sát cánh cùng khách hàng trên con đường phát triển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội chung của toàn tỉnh.
Ý kiến bạn đọc (0)