Tín hiệu vui từ thị trường lao động
Nhu cầu tuyển dụng lớn
Theo thống kê từ Phòng Quản lý lao động (Ban Quản lý Các KCN tỉnh), hiện nay, trên địa bàn các KCN tỉnh có 220 DN đang hoạt động sản xuất kinh doanh, sử dụng hơn 86 nghìn lao động trong và ngoài tỉnh.
![]() |
Đại diện các DN có nhu cầu tuyển dụng phỏng vấn trực tiếp NLĐ tại các phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức. |
Trong số này có hơn 90% lao động làm việc tại các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Dự báo đến hết năm, nhiều DN đi vào hoạt động hoặc mở rộng quy mô sẽ có nhu cầu tuyển khoảng 102 nghìn người với gần 80% là lao động phổ thông.
Là đơn vị thuộc quản lý của ngành lao động, có chức năng kết nối DN và NLĐ, từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh tổ chức 8 phiên giao dịch việc làm. Tại đây, có 25 lượt DN đến đăng ký tuyển dụng hơn 8 nghìn vị trí việc làm, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực điện tử, may mặc. Kết quả đến nay có khoảng 800 người được DN tiếp nhận. Như vậy, số người có việc làm qua các phiên giao dịch mới chỉ chiếm 10% so với tổng nhu cầu mà DN cần tuyển dụng.
Để tuyển đủ 3 nghìn công nhân may, bảo đảm vận hành sản xuất cơ sở 2 tại xã Nghĩa Phương (Lục Nam) vào giữa tháng 3, ban lãnh đạo Công ty TNHH JMC Việt Nam (100% vốn Hàn Quốc) đã xây dựng kế hoạch tuyển dụng từ rất sớm. Ngoài treo các pano thông báo tuyển dụng khổ lớn tại cổng trụ sở chính công ty (xã Hồng Thái, Việt Yên) và cơ sở mới, đơn vị còn đăng tải thông tin trên các trang mạng xã hội như facebook, zalo; kêu gọi NLĐ đã gắn bó nhiều năm với DN giới thiệu người thân, bạn bè của mình vào ứng tuyển.
![]() Nhiều DN hiện có nhu cầu tuyển hàng nghìn công nhân như: Công ty TNHH Siflex Việt Nam (KCN Quang Châu) 1,5 nghìn người; Công ty TNHH LG Display Hải Phòng 1 nghìn người". ông Trần Văn Quảng, Trưởng Phòng Tư vấn – Giới thiệu việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh |
Bà Nguyễn Thị Hồng Thúy, Phụ trách nhân sự Công ty cho biết: “Chúng tôi đã phối hợp với chính quyền xã Nghĩa Phương và một số xã lân cận để phát tờ rơi và tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh về nhu cầu, chính sách tuyển dụng của đơn vị nhưng hiện nay mới chỉ có khoảng 800 hồ sơ ứng tuyển. Việc thiếu nhân lực khiến chúng tôi rất lo lắng. Và chắc chắn, hoạt động sản xuất ở các dây chuyền mới khó có thể đạt mục tiêu về sản lượng như kỳ vọng”.
Cạnh tranh lao động bằng chính sách ưu đãi
Trước thực tế “cầu” lớn hơn “cung” của thị trường lao động, ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nhận định: Đây là tín hiệu tích cực vì nó không chỉ thể hiện hiệu quả trong chính sách thu hút đầu tư của tỉnh mà còn tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường lao động. Chủ DN muốn tuyển được người thì không có cách nào khác là phải áp dụng thêm nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn.
Đơn cử như Công ty TNHH SAMKWANG VINA (KCN Quang Châu), chuyên sản xuất và gia công các loại vỏ ốp điện thoại di động, hộp pin dự phòng, dù đi vào hoạt động từ tháng 10-2018 nhưng hiện đơn vị mới chỉ tuyển được 2,5 nghìn/tổng quy mô sử dụng lao động (giai đoạn 1) là 3 nghìn người.
![]() |
Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH SAMKWANG VINA (KCN Quang Châu). |
Ông Lê Văn Huân, Phụ trách bộ phận Hành chính - Nhân sự cho biết: Tuy chưa đủ 100% nhân công nhưng đây cũng là kết quả khả quan bởi thời gian đầu, công ty tuyển dụng rất khó khăn. Sau đó, ban giám đốc công ty quyết định phối hợp với trung tâm giới thiệu việc làm các tỉnh: Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái; tổ chức tuyên truyền lưu động tại 5 huyện của tỉnh Hà Giang để kết nối tìm người.
“Chúng tôi vẫn luôn xác định, chế độ đãi ngộ mới là chính sách lâu dài để tuyển được lao động và giữ chân họ”, ông Huân nhấn mạnh. Được biết, ngoài mức lương cơ bản (3.950.000 đồng/người), Công ty còn áp dụng nhiều phúc lợi cho mỗi NLĐ như: Thử việc 6 tháng hưởng 100% lương; phụ cấp xăng xe, hỗ trợ nhà ở 800 nghìn đồng; thưởng chuyên cần 300 nghìn đồng; ăn ca 25 nghìn đồng/suất…
Để kết nối và cân bằng cung – cầu lao động, tạo môi trường cạnh tranh lao động lành mạnh, ông Nguyễn Văn Huế, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm cho biết: Trong năm 2019, đơn vị sẽ tổ chức 78 phiên giao dịch việc làm định kỳ, lưu động, online (trực tuyến) và chuyên đề, phấn đấu giới thiệu việc làm cho 3 nghìn người.
Đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình thu thập, phân tích, dự báo sát nhu cầu và nguồn cung lao động. Đặc biệt, đơn vị đang kết nối với 2 trường cao đẳng: Nghề công nghệ Việt – Hàn và Kỹ thuật Công nghiệp để tổ chức các đợt học sinh, sinh viên trải nghiệm thực tế tại các công ty có nhu cầu tuyển dụng theo ngành nghề đào tạo phù hợp.
Ngành lao động, thương binh và xã hội chỉ đạo nhân rộng các mô hình liên kết đào tạo theo địa chỉ, đào tạo tại chỗ để cung ứng lao động chất lượng, phù hợp với yêu cầu DN; đẩy mạnh tuyên truyền chính sách hỗ trợ tạo việc làm theo Luật Việc làm đến các vùng nông thôn, miền núi.
Về phía DN, ngoài quan tâm cải tạo môi trường làm việc, bảo đảm đời sống cho công nhân thì cần điều chỉnh các yêu cầu tuyển dụng sao cho phù hợp, tạo cơ hội việc làm bình đẳng cho lao động nam và nữ; sử dụng lao động trung tuổi.
Tường Vi
Ý kiến bạn đọc (0)