Ứng dụng thương mại điện tử quốc tế: Nhiều doanh nghiệp loay hoay
Khó tiếp cận
Với sự phát triển của công nghệ thông tin, TMĐT ngày càng được biết tới như một phương thức kinh doanh hiệu quả từ Internet. Chính vì vậy, nhiều người hiểu TMĐT theo nghĩa cụ thể hơn là mua bán qua Internet. Hoạt động giao dịch này ngày một phát triển nhưng không phải DN nào cũng dễ dàng tiếp cận được, nhất là TMĐT quốc tế.
![]() |
Cửa hàng kinh doanh của Công ty TNHH một thành viên Thiên An, tại TP Bắc Giang. |
Theo bà Hoàng Thị Tâm, đại diện pháp luật Công ty TNHH một thành viên Thiên An (Công ty Thiên An), trụ sở tại TP Bắc Giang, đơn vị chuyên kinh doanh thực phẩm, rau, củ quả sạch. Ngoài kinh doanh trực tiếp tại cửa hàng, Công ty còn tích cực bán hàng thông qua các trang mạng xã hội Zalo, Facebook. Đầu năm 2019, Công ty Thiên An lên kế hoạch mở tài khoản bán hàng trên trang TMĐT quốc tế nhằm mở rộng thị trường và tìm kiếm đối tác mua hàng tại nước ngoài. Tuy nhiên, đến thời điểm này Công ty vẫn chưa thực hiện được ý tưởng.
“Chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ và làm hồ sơ đăng ký mở tài khoản gian hàng TMĐT nhưng do lãnh đạo và nhân viên còn hạn chế về ngoại ngữ, chưa biết cách thức tiếp thị, đẩy hàng, bán hàng. Hiện Công ty vẫn chưa tham gia được trang TMĐT quốc tế nào", bà Tâm chia sẻ.
Hiện nay, nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh khác trên địa bàn tỉnh cũng gặp phải những khó khăn khi tham gia gian hàng trên trang TMĐT quốc tế. Ví như, năm 2015, Công ty cổ phần Trí Việt, đường Hoàng Văn Thụ (TP Bắc Giang) được Sở Công Thương hỗ trợ xây dựng website giới thiệu sản phẩm thiết bị vệ sinh cao cấp. Hiện trung bình mỗi ngày website có gần 1 nghìn lượt khách hàng truy cập. Nhiều khách hàng lớn tìm đến, DN cũng trở thành đối tác quan trọng của các nhà sản xuất uy tín.
Doanh thu của công ty hằng năm đều tăng, năm nay ước đạt hơn 90 tỷ đồng. Nhận thấy lợi ích của TMĐT, công ty đã họp bàn phát triển gian bán hàng trên sàn giao dịch TMĐT quốc tế Lazada. Tuy nhiên đến thời điểm này vẫn chưa thể hoạt động do không có người đảm nhận được công việc. Anh Nguyễn Văn Đệ, Giám đốc Công ty cho biết: “Đơn vị có hướng kinh doanh TMĐT quốc tế, giúp tiêu thụ sản phẩm thuận lợi song chưa thực hiện do không tuyển dụng được cán bộ có trình độ ngoại ngữ tốt, am hiểu công nghệ thông tin và các hoạt động khác khi tham gia TMĐT quốc tế”.
Theo thống kê của Sở Công Thương, từ năm 2015 đến nay, đơn vị đã hỗ trợ hơn 100 DN tham gia giao dịch TMĐT, nhưng phần lớn trong đó là lập trang website. Số lượng DN có gian hàng TMĐT quốc tế: Alibaba, Amazon, Lazada, Taobao… rất ít.
Khắc phục những hạn chế
Khác với những website thông thường là chỉ kinh doanh buôn bán ở phạm vi cá nhân thì các trang TMĐT quốc tế là một địa chỉ uy tín, tin cậy được thành lập, quản lý bởi các tập đoàn DN của nhiều quốc gia. Sàn TMĐT có chức năng giống như một công ty, mọi hoạt động trao đổi buôn bán trực tiếp trên mạng. Thực tế cho thấy, TMĐT đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, khi các DN trong nước phải cạnh tranh một cách bình đẳng với các DN nước ngoài. Hiện nay, hầu hết các DN trên địa bàn tỉnh ít tham gia các gian hàng TMĐT quốc tế.
![]() Từ năm 2015 đến nay, Sở Công Thương đã hỗ trợ hơn 100 DN tham gia giao dịch TMĐT nhưng phần lớn trong đó là lập trang website. Số lượng DN có gian hàng TMĐT quốc tế: Alibaba, Amazon, Lazada, Taobao… rất ít". Ông Nguyễn Văn Tập, Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập khẩu (Sở Công Thương) |
Nguyên nhân là do DN gặp khó khăn về ngôn ngữ, không giỏi cách thức tiếp thị, đẩy hàng, bán hàng trên trang TMĐT quốc tế. Một số đơn vị quen kinh doanh nhỏ lẻ, chưa nhìn nhận đầy đủ về hiệu quả ứng dụng TMĐT quốc tế nên không đầu tư thiết bị đúng tầm để triển khai các phương thức kinh doanh hiện đại, kết nối với khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, một số DN có đăng ký gian hàng trên sàn TMĐT quốc tế nhưng chỉ mới dừng ở bước đăng tải sản phẩm và bán hàng thụ động.
Nhằm hỗ trợ các DN, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển TMĐT giai đoạn 2016- 2020, kinh phí thực hiện hơn 11,6 tỷ đồng. Ngoài những DN được hỗ trợ trước đó, vừa qua, Sở tiếp tục mở lớp tập huấn hướng dẫn và đang lựa chọn hỗ trợ kinh phí cho 25 DN tham gia đăng ký gian bán hàng trên gian hàng TMĐT quốc tế như: Lazada, Amazon. Các DN được lựa chọn tham gia, Sở Công Thương hỗ trợ 70% kinh phí thiết lập và sử dụng hệ thống gian hàng.
Một số ý kiến cho rằng, bên cạnh hỗ trợ của tỉnh, các DN cần chủ động đầu tư về nhân lực, kinh phí học tập, nâng cao trình độ và tiếp cận vào hệ thống kinh doanh TMĐT quốc tế, nhất là những DN xuất khẩu. Hiện một số đơn vị đã và đang tiếp cận TMĐT quốc tế. Cụ thể như Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu VIFOCO (TP Bắc Giang). Nhằm mở rộng quy mô và thị trường tiêu thụ, DN đang thuê kỹ sư công nghệ thông tin thiết kế và nâng cấp lại hệ thống website; đăng ký mở tài khoản bán hàng trên trang TMĐT uy tín quốc tế như: Lazada, Amazon nhằm tiếp cận thêm thị trường các nước châu Âu. Phấn đấu tăng doanh thu lên khoảng 60 tỷ đồng năm 2020, giảm khoảng 15% các khoản thuế, phí...
Thời gian tới, để nâng cao chất lượng kinh doanh TMĐT, nhất là TMĐT quốc tế cho các DN xuất khẩu trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các DN về các quy định liên quan đến TMĐT. Xây dựng phần mềm quản lý thông tin xuất nhập khẩu, khuyến mại nhằm nâng cao hiệu quả và năng lực quản lý nhà nước về xuất nhập khẩu và khuyến mại. Ngoài ra, Sở thực hiện điều tra DN về TMĐT nhằm nghiên cứu, phân tích và dự báo xu hướng phát triển TMĐT của tỉnh, từ đó xây dựng kế hoạch phát triển TMĐT nói chung và quốc tế nói riêng phù hợp với thực tế của tỉnh.
Hoàng Phương
Ý kiến bạn đọc (0)