Xã Cảnh Thụy, huyện Yên Dũng (Bắc Giang): Làng chiến đấu năm xưa, xã nông thôn mới hôm nay
Vào những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Cảnh Thụy vùng lên giành chính quyền, bắt trói tri huyện Phạm Khắc Dậu đưa về điếm chợ cảnh cáo. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, nhân dân cùng đội du kích dùng gỗ xây dựng trung tâm địa đạo đánh giặc kiên cố vững chắc, biến Cảnh Thụy thành làng chiến đấu kiểu mẫu của huyện Yên Dũng.
![]() |
Sản xuất rau an toàn trong nhà lưới tại xã Cảnh Thụy. |
Những năm 1946 - 1950, nhiều trận chiến đấu chống quân Pháp càn vào làng của bộ đội địa phương và du kích Cảnh Thụy, trong đó nòng cốt là các lão du kích Bạch đầu quân, diễn ra ác liệt. Nhiều lão du kích đã anh dũng hy sinh. Ngày 5/5/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi Đội lão du kích huyện Yên Dũng. Thư viết: "Các cụ ấy đã hy sinh, nhưng lòng yêu nước, chí quật cường, tinh thần dũng cảm của các cụ sẽ ở trong lòng tất cả đồng bào, tất cả mọi người du kích. Và tiếng thơm của các cụ sẽ giai truyền với non sông của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thống nhất và độc lập”.
Không chỉ tự hào về đội du kích, lịch sử Đảng bộ xã ghi lại rất nhiều đóng góp và chiến công vang dội của quân và dân Cảnh Thụy. Đó là danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp; là những Anh hùng LLVT nhân dân Trần Đình Hùng, Lưu Viết Thoảng và hàng nghìn người con không tiếc máu xương chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc.
Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Hữu Cường chia sẻ: “Tiếp nối truyền thống ấy, suốt những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã luôn giữ vững tinh thần đoàn kết, nỗ lực xây dựng quê hương”. Quả vậy, những năm qua Cảnh Thụy đã giành được không ít thành tựu trong phát triển KT-XH. Đặc biệt, xã trở thành lá cờ đầu của huyện trong xây dựng nông thôn mới khi về đích sớm từ năm 2014 và không ngừng nâng cao các tiêu chí trong suốt 6 năm qua. Hàng loạt mô hình phát triển kinh tế được xây dựng, giúp người dân có điều kiện nâng cao thu nhập.
Tiêu biểu là hai cánh đồng mẫu lớn, hai nhà lưới sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; vùng sản xuất chuyên canh rau màu rộng 50 ha; khu chăn nuôi tập trung 30 ha; thu nhập bình quân đầu người đạt 55,7 triệu đồng, tăng hơn 56% so với năm 2014. Bên cạnh phát triển KT-XH, Đảng bộ xã thường xuyên chú trọng xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, giữ vững danh hiệu trong sạch vững mạnh 5 năm liền, được BTV Tỉnh ủy tặng Bằng khen năm 2017. Điểm tựa truyền thống, tinh thần đoàn kết, thống nhất là những yếu tố quan trọng để Cảnh Thụy giành được những kết quả nổi bật. Đây cũng là tiền đề để Cảnh Thụy tiếp tục nỗ lực vươn lên trong những năm tới.
Tùng Chi
Ý kiến bạn đọc (0)