Bắc Ninh: Đổi mới hoạt động công đoàn, chăm lo đời sống người lao động
BẮC NINH - Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, ổn định tổ chức công đoàn sau sáp nhập là nhiệm vụ quan trọng, góp phần củng cố niềm tin, bảo vệ quyền lợi của người lao động. Với tinh thần khẩn trương và chủ động, Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh đã và đang triển khai các giải pháp cụ thể, linh hoạt, hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Ổn định bộ máy tổ chức
Thực hiện chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính, sắp xếp bộ máy tổ chức, Liên đoàn Lao động hai tỉnh đã chủ động, tích cực, khẩn trương trong triển khai các nhiệm vụ liên quan. Hiện Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh quản lý hơn 2,1 nghìn công đoàn cơ sở doanh nghiệp và các đơn vị sự nghiệp không hưởng 100% lương từ ngân sách nhà nước với hơn 579 nghìn đoàn viên. Trong đó có 977 công đoàn cơ sở trong các khu công nghiệp tỉnh với gần 400 nghìn đoàn viên.
Hệ thống tổ chức bộ máy của Liên đoàn Lao động tỉnh gồm có 2 ban (công tác công đoàn và công đoàn khu công nghiệp) và 25 công đoàn xã, phường. Số cán bộ công đoàn chuyên trách sau sáp nhập còn 140 người (giảm 45 đồng chí do xin nghỉ hưu trước tuổi, chuyển công tác). Trong số các tổ chức chính trị - xã hội đặc thù, Liên đoàn Lao động tỉnh là đơn vị đầu tiên tổ chức hội nghị công bố các quyết định về bộ máy và công tác cán bộ. Để có được kết quả này, ngay sau khi có hướng dẫn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, liên đoàn lao động tỉnh đã bắt tay ngay vào việc rà soát, sắp xếp bộ máy công đoàn. Trong đó, phân công nhiệm vụ cụ thể, sớm ổn định tổ chức, bảo đảm các hoạt động công đoàn được duy trì thông suốt, thực hiện chức năng chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động.
![]() |
Công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn Newwing Interconnect Technology (Bắc Giang), Khu công nghiệp Vân Trung tham gia hoạt động văn hóa, thể thao do công đoàn tổ chức. |
Tại 25 công đoàn xã, phường, Liên đoàn Lao động tỉnh bố trí 43 biên chế (chủ yếu là những cán bộ công đoàn có kinh nghiệm) giữ các chức vụ chủ chốt; đồng thời tham mưu sử dụng nhân sự hợp đồng linh hoạt để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ tại các địa bàn có thay đổi về địa giới hành chính. Hiện nay, Liên đoàn Lao động tỉnh đôn đốc để hoàn thành bàn giao cơ sở vật chất, tài chính, hồ sơ đoàn viên của công đoàn cấp huyện (cũ) theo đúng quy trình và tương ứng với địa bàn sau sáp nhập.
Theo ông Nguyễn Văn Nguyên, Chủ tịch Công đoàn xã Yên Phong (trước đây là Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh cũ), Liên đoàn Lao động tỉnh đã ban hành hướng dẫn tạm thời về tổ chức bộ máy và phân công nhiệm vụ cán bộ công đoàn tại các công đoàn xã, phường. Theo đó, ban thường vụ khẩn trương nghiên cứu để sớm xây dựng quy chế, phân công nhiệm vụ cụ thể của công đoàn phường. “Với số lượng 42 công đoàn cơ sở, gần 9 nghìn đoàn viên ở trong doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp, chúng tôi đã phân công cán bộ khẩn trương rà soát, nắm tình hình cơ sở. Trong thời gian chuyển tiếp này, việc phối hợp xử lý các vụ việc liên quan đến quan hệ lao động, quyền lợi chính sách của người lao động vẫn được triển khai đồng bộ, không để xảy ra khoảng trống hoặc chậm trễ”, ông Nguyên cho biết.
Bảo đảm quyền lợi đoàn viên
Sau khi sáp nhập, sắp xếp, tổ chức công đoàn Bắc Ninh có những thay đổi đáng kể về mô hình hoạt động, chức năng, nhiệm vụ và cách quản lý đoàn viên, dưới sự chỉ đạo của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh. Tuy nhiên, vì là tổ chức đặc thù nên vẫn có sự độc lập tương đối trong quá trình triển khai các nhiệm vụ liên quan đến người lao động. Để ổn định tư tưởng, tạo sự đoàn kết, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công đoàn trong giai đoạn này, Liên đoàn Lao động tỉnh quan tâm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ; linh hoạt bố trí, sắp xếp nhân lực. Đồng thời, quán triệt các ban chuyên môn, cán bộ rà soát lại từng lĩnh vực, mảng chuyên đề cụ thể để theo dõi hoạt động công đoàn cơ sở được sâu sát, kịp thời, bảo đảm công việc diễn ra liên tục.
Sau khi sáp nhập, Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh quản lý hơn 2,1 nghìn công đoàn cơ sở doanh nghiệp và các đơn vị sự nghiệp không hưởng 100% lương từ ngân sách nhà nước với hơn 579 nghìn đoàn viên. Trong đó có 977 công đoàn cơ sở trong các khu công nghiệp tỉnh với gần 400 nghìn đoàn viên. |
Nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn không chỉ góp phần bảo vệ tốt hơn quyền lợi người lao động, mà còn giúp củng cố niềm tin của đoàn viên, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp. Đây là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi sự đổi mới, quyết tâm và trách nhiệm của cả hệ thống công đoàn, nhất là đội ngũ cán bộ trong giai đoạn mới. Theo ông Bùi Văn Trường, Chủ tịch Công đoàn Công ty trách nhiệm hữu hạn Luxshare-ICT (Vân Trung), Khu công nghiệp Vân Trung: “Hiện công ty có hơn 30 nghìn đoàn viên. Mô hình mới của hệ thống công đoàn sẽ giúp giảm đầu mối, việc triển khai nhiệm vụ chắc chắn sẽ thuận lợi hơn đối với công đoàn cơ sở doanh nghiệp. Trong bối cảnh cạnh tranh nhân lực gay gắt, để thu hút lao động, thuyết phục họ tham gia tổ chức, công đoàn công ty tiếp tục bố trí kinh phí, đồng thời chủ động đề xuất với lãnh đạo doanh nghiệp để có nhiều hoạt động chăm lo thiết thực, đặt lợi ích chính đáng của công nhân lên hàng đầu, từng bước nâng cao đời sống của họ. Đó cũng là mục tiêu hướng đến của tổ chức công đoàn”. Bên cạnh việc tổ chức đối thoại, Ban Chấp hành Công đoàn công ty chỉ đạo các ủy viên, tổ trưởng, tổ phó công đoàn thường xuyên tập hợp ý kiến, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên. Từ đó, lựa chọn, đề xuất với ban giám đốc giải quyết những vấn đề phù hợp với thực tế, giúp họ yên tâm làm việc.
Theo đồng chí Thạch Văn Chung, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, với phạm vi quản lý đoàn viên và công đoàn cơ sở mở rộng, trong khi lực lượng cán bộ công đoàn mỏng, nhiệm vụ của công đoàn tỉnh sẽ phát sinh những khó khăn, thách thức; việc nắm bắt diễn biến, tình hình ở cơ sở sẽ thiếu kịp thời. Bên cạnh đó, nếu MTTQ chưa xây dựng được quy chế rõ ràng trong giám sát, phản biện, xây dựng chính sách về lao động thì mô hình có thể vận hành kém hiệu quả. Để đáp ứng yêu cầu, tới đây, Liên đoàn Lao động tỉnh tập trung bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công đoàn.
Trong đó, ưu tiên nâng cao hiệu quả hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho lao động; kỹ năng đối thoại định kỳ, đột xuất tại nơi làm việc và thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể theo hướng tăng điều khoản có lợi cho người lao động. Bên cạnh đó, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, kết nối và cung cấp thông tin kịp thời đến người lao động; tăng cường các hoạt động phúc lợi, văn hóa, thể thao, hỗ trợ đoàn viên hoàn cảnh khó khăn.
Ý kiến bạn đọc (0)