Gỡ nút thắt giao thông trong khu công nghiệp: Cần đồng bộ, quyết liệt
BẮC NINH - Với hàng vạn lao động tập trung vào làm việc hoặc tan ca hằng ngày, hệ thống giao thông tại nhiều khu công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh đang bị quá tải, gây ùn tắc, mất an toàn, ảnh hưởng việc thu hút đầu tư vào địa bàn. Giải quyết tình trạng này cần các giải pháp đồng bộ, quyết liệt.
Áp lực giao thông giờ công nhân ra - vào ca
Sáng 16/7, chị P.T.L (sinh năm 1976), công nhân một doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Quang Châu chia sẻ: “Quãng đường từ nhà đến nơi làm việc chỉ khoảng 40 km, nhưng có hôm tôi mất tới hơn 4 tiếng mới về được đến nhà vì tắc đường cục bộ”. Chị L không phải là trường hợp cá biệt. Hằng ngày, hàng vạn lao động phải di chuyển đến nơi làm việc hoặc về chỗ ở, tạo áp lực lớn lên hạ tầng giao thông khu vực này. Vào giờ cao điểm sáng sớm và chiều muộn, các tuyến đường quanh các khu công nghiệp như: Quang Châu, Vân Trung, Đình Trám… luôn chật cứng người và xe. Nhiều thời điểm xảy ra ùn tắc cục bộ, phương tiện không thể nhúc nhích, người lao động như chìm trong "biển người" và khói bụi từ phương tiện.
Anh H.V.T (sinh năm 1991), quê ở Cao Bằng, đang làm việc tại Khu công nghiệp Vân Trung, cho biết: “Khi mới xuống Bắc Ninh, tôi có mang theo xe máy để tiện đi lại nhưng do thường xuyên gặp cảnh tắc đường nên đành chuyển sang đi bộ hoặc phải rời nhà sớm hơn nhiều để tránh kẹt xe. Việc ùn tắc không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn làm giảm thu nhập vì phải đi sớm, về muộn, thời gian nghỉ ngơi ít”.
![]() |
Lực lượng cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ điều tiết giao thông trên tuyến đường gom cao tốc Hà Nội - Bắc Ninh đoạn qua Khu công nghiệp Quang Châu. Ảnh chụp sáng 17/7. |
Thường xuyên làm nhiệm vụ tại tuyến đường xung quanh các khu công nghiệp xảy ra ùn tắc, Thiếu tá Trần Ngọc Giang, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường bộ 3, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Bắc Ninh) cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ùn tắc là do lưu lượng người và phương tiện tăng đột biến vào các khung giờ cố định. Trong khi đó, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp, các tuyến đường hẹp, thiếu đồng bộ, nhiều điểm giao cắt bất hợp lý. Đáng chú ý, phần lớn công nhân di chuyển bằng xe máy cá nhân, trong khi phương tiện công cộng hoặc xe đưa đón tập trung còn thiếu.
Bên cạnh đó, ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân còn hạn chế: Không chấp hành làn đường, thường xuyên chen lấn, tranh giành dẫn đến ùn tắc nghiêm trọng hơn. Tình trạng bán hàng rong, lấn chiếm lòng, lề đường cũng góp phần làm gia tăng ùn tắc, đặc biệt là tại đường gom cao tốc Hà Nội- Bắc Ninh, các tuyến đường quanh khu công nghiệp Đình Trám, Quang Châu, Vân Trung… Mặc dù Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 3 đã tổ chức các tổ công tác túc trực tại những điểm nóng, triển khai phương tiện và lực lượng để điều tiết, xử lý vi phạm song địa bàn rộng và tình hình giao thông phức tạp khiến việc kiểm soát gặp nhiều khó khăn.
Tăng cường điều tiết, hướng dẫn giao thông
Được biết, để khắc phục tình trạng trên, trước mắt Phòng Cảnh sát giao thông đang tăng cường lực lượng điều tiết, phân luồng giao thông tại các tuyến đường gom, đường nội bộ và các nút giao hay xảy ra ùn tắc tại các khu công nghiệp. Đồng thời, rà soát các tuyến đường để kiến nghị lắp đặt hệ thống biển báo hợp lý, đặc biệt là tại những khu vực thường xuyên xảy ra xung đột giao thông. Ngoài ra, đơn vị đề xuất bổ sung hệ thống camera “phạt nguội” để nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm và tính răn đe. Cùng đó, Phòng Cảnh sát giao thông cũng đã làm việc với các doanh nghiệp đề nghị mở thêm các cổng ra vào, thay vì chỉ sử dụng một cổng duy nhất ra trục đường chính gây ùn tắc ngay tại cổng doanh nghiệp kéo theo ách tắc chung cả tuyến đường.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông tại nhiều khu công nghiệp của tỉnh do lượng công nhân, người lao động dồn về trong giờ cao điểm buổi sáng và chiều hằng ngày quá lớn. Trong khi đó các tuyến đường nhỏ hẹp, không đồng bộ, có nhiều bất cập; số lượng phương tiện cá nhân nhiều, đa số công nhân di chuyển bằng xe máy, thiếu các phương tiện công cộng, đưa đón tập trung. Ý thức tham gia giao thông của nhiều người còn hạn chế, không chấp hành quy định về làn đường, phần đường... |
Trước tình trạng ùn tắc giao thông nêu trên, mới đây, đồng chí Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp kiểm tra tình hình trật tự an toàn giao thông tại các khu công nghiệp. Trong buổi làm việc, đồng chí yêu cầu UBND phường Nếnh khẩn trương giải tỏa hành lang giao thông, xử lý các hành vi lấn chiếm lòng, lề đường tại các tuyến đường gom cao tốc và khu vực quanh các khu công nghiệp.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo lực lượng công an cấp xã tổ chức điều tiết, hướng dẫn giao thông tại các điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm. Ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh phối hợp với Sở Xây dựng tổ chức khảo sát, lắp đặt hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn giao thông bảo đảm đồng bộ, thống nhất. Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp cần xác định cụ thể hành trình và vị trí đón trả công nhân của xe đưa đón, tránh tình trạng xe dừng đỗ tràn lan trên đường gom cao tốc gây nguy hiểm và cản trở giao thông. Việc tuyên truyền, hướng dẫn người lao động và các tài xế tuân thủ luật giao thông, chấp hành biển báo, biển chỉ dẫn cũng là giải pháp then chốt để nâng cao ý thức chung. Sở Xây dựng phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu giải pháp tổng thể nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các khu công nghiệp. Đồng thời, tham mưu với Chủ tịch UBND tỉnh về việc đầu tư hạ tầng, quy hoạch hệ thống giao thông kết nối liên vùng, góp phần giảm áp lực giao thông, từng bước xây dựng môi trường làm việc an toàn, thuận lợi cho người lao động.
Giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông tại các khu công nghiệp không chỉ là việc cải thiện điều kiện đi lại cho người lao động mà còn tạo nền tảng để thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững trên địa bàn tỉnh. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và chính người dân trong việc tuân thủ, chung tay xây dựng văn hóa giao thông văn minh.
Ý kiến bạn đọc (0)