Bắc Ninh: Xử lý nghiêm hành vi gây ô nhiễm môi trường
BẮC NINH - Theo quy định của pháp luật, các doanh nghiệp, cá nhân trước khi hoạt động sản xuất, kinh doanh cần lập kế hoạch hoặc báo cáo đánh giá tác động môi trường trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để làm căn cứ thực hiện. Quy định là vậy song vẫn có nhiều tổ chức, cá nhân trốn tránh trách nhiệm này, xả thải gây ô nhiễm. Chính quyền, ngành chức năng tỉnh Bắc Ninh đã và đang tập trung cao ngăn chặn, phạt nặng, xử nghiêm hành vi vi phạm.
Nhiều vi phạm nghiêm trọng
Cuối tháng 5 vừa qua, Sở Nông nghiệp và Môi trường phát hiện Công ty cổ phần Thương mại công nghiệp Thủ Đô, Khu công nghiệp Tiên Sơn, xã Đại Đồng xả nước thải ra môi trường có chỉ tiêu tổng ni tơ trong nước là 40,3mg/l, vượt quy chuẩn cho phép 2,04 lần. Theo cơ quan chuyên môn, hàm lượng ni tơ cao trong nước thải sẽ làm suy giảm ôxy hòa tan trong nước, ảnh hưởng đến hệ sinh thái thủy sinh, gây ra mùi hôi, ô nhiễm nước và không khí, thậm chí có thể gây hại cho sức khỏe con người. Căn cứ quy định của pháp luật, tháng 6 năm nay, Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Môi trường xử phạt Công ty cổ phần Thương mại công nghiệp Thủ Đô 50 triệu đồng, buộc chấm dứt ngay hành vi vi phạm, khẩn trương khắc phục ô nhiễm.
![]() |
Cán bộ Sở Nông nghiệp và Môi trường theo dõi chỉ số trong nước thải qua hệ thống quan trắc tự động của các doanh nghiệp. |
Cũng trong 6 tháng đầu năm nay, Sở Nông nghiệp và Môi trường phát hiện Công ty cổ phần Hawee sản xuất và thương mại thực hiện dự án sản xuất tại Khu công nghiệp Tiên Sơn, phường Tam Sơn song không có giấy phép về môi trường theo quy định. Trước vi phạm này, Chủ tịch UBND tỉnh xử phạt Công ty 320 triệu đồng, đình chỉ hoạt động 4,5 tháng đối với nguồn phát sinh chất thải của đơn vị, buộc lập hồ sơ xin cấp giấy phép về môi trường.
Tương tự, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh phạt Công ty cổ phần Phát triển công nghệ tài nguyên môi trường (Hà Nội) 30 triệu đồng do khi phá dỡ Trạm xử lý nước thải của Công ty trách nhiệm hữu hạn Vina Cell Technology, Khu công nghiệp Vân Trung, phường Nếnh để phát sinh dầu máy thải đựng trong 1 thùng nhựa không có nắp đậy từ cuối tháng 3. Đến ngày 4/4/2025, chất thải trên vẫn để ngoài trời, không có mái che và biện pháp chống thấm…
Không chỉ xử lý nghiêm các doanh nghiệp, thời gian gần đây, cấp có thẩm quyền còn xử phạt nhiều cá nhân có hành vi gây ô nhiễm. Ví như, tháng 6 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh phạt ông Nghiêm Xuân Phát, xã Văn Môn 300 triệu đồng do đầu tháng 3, ông Phát được Công ty cổ phần Phát triển công nghệ tài nguyên môi trường giao chỉ đạo, giám sát và điều hành việc phá dỡ hệ thống xử lý chất thải công nghiệp của Công ty trách nhiệm hữu hạn Vina Cell Technology. Thế nhưng, ông Phát tự ý chỉ đạo phá thành bể khi chưa thu gom triệt để lượng nước thải tồn đọng, dẫn đến nước thải bị xả thẳng ra môi trường. Qua phân tích, mẫu nước thải có chỉ số pH là 12,2, vượt ngưỡng cho phép. Ông Phát còn múc gần 95 tấn chất thải tồn đọng trong bể để chôn lấp xung quanh công trường. Ngoài xử phạt, ông Phát bị buộc khắc phục tình trạng ô nhiễm, chuyển giao toàn bộ chất thải rắn phát sinh cho đơn vị có chức năng xử lý.
Không chỉ bị xử phạt, gần đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh khởi tố một số vụ án hình sự, bị can có hành vi gây ô nhiễm môi trường. Cụ thể, cơ quan chức năng đã khởi tố bị can Nguyễn Đình Tú, xã Gia Bình do đổ trái phép hơn 261 tấn chất thải nguy hại ra môi trường; khởi tố bị can Hou Lijun, chủ xưởng tập kết chất thải đổ trái phép 850 tấn chất thải rắn thông thường ra môi trường…
Ngăn chặn kịp thời
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Sở Nông nghiệp và Môi trường, Công an tỉnh, từ đầu năm đến nay, hai cơ quan này kiểm tra, phạt hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử phạt hơn 30 tổ chức, cá nhân vi phạm về môi trường. Tổng số tiền xử phạt hơn 5,5 tỷ đồng. Các lỗi vi phạm như: Xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép, xả chất thải không đúng nơi quy định, không có thủ tục về môi trường hoặc thực hiện không đúng các nội dung trong báo cáo, kế hoạch bảo vệ môi trường…
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Sở Nông nghiệp và Môi trường và Công an tỉnh, từ đầu năm đến nay, hai đơn vị này kiểm tra, phạt hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử phạt hơn 30 tổ chức, cá nhân vi phạm về môi trường. Tổng số tiền xử phạt hơn 5,5 tỷ đồng. |
Việc xả nước thải vượt quy chuẩn, xả chất thải sai vị trí quy định sẽ gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho môi trường như: Ô nhiễm nguồn nước, đất, không khí, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng…Với phương châm, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, những năm gần đây, tỉnh luôn chú trọng chỉ đạo ngành chức năng thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vi phạm.
Được biết, thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, thời gian qua, các cấp chính quyền, ngành chức năng tuy đã tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh vi phạm nhưng tình trạng tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường vẫn có chiều hướng diễn biến phức tạp. Một số trường hợp vẫn lợi dụng để đổ chất thải vào ban đêm, ngày nghỉ hoặc không thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường như phương án được phê duyệt.
Trước thực tế trên, ông Vũ Văn Tưởng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết, sau khi sáp nhập đơn vị hành chính, Sở đề nghị các xã, phường tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện tổ chức, cá nhân vi phạm để có giải pháp ngăn chặn kịp thời, đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm theo quy định. Cùng với đó, Sở tăng cường rà soát, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh trong làng nghề, nhất là trường hợp có nguy cơ gây ô nhiễm cao. Đồng thời, tiếp tục cử cán bộ kiểm tra, giám sát, lấy mẫu nước, khí thải quan trắc định kỳ và đột xuất; giám sát các thông số qua hệ thống quan trắc tự động để kịp thời cảnh báo cho các đơn vị liên quan. Trường hợp xả thải vượt quy chuẩn, không có giấy phép môi trường sẽ bị phạt nặng, buộc khắc phục hậu quả.
Công an tỉnh cũng sẽ chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện các tổ chức, cá nhân vi phạm, tiếp tục xem xét khởi tố vụ án, bị can có hành vi gây ô nhiễm theo đúng quy định của pháp luật để răn đe.
Ý kiến bạn đọc (0)