Hào khí Sao Vàng - Ngọn lửa truyền thống còn mãi
BẮC NINH - Họ là những người lính đã viết nên những trang sử vàng trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm - nay, dù tóc đã pha sương, bước chân không còn nhanh nhẹn như xưa, vẫn cùng nhau giữ lửa truyền thống, tiếp tục cống hiến cho quê hương trong một "ngôi nhà chung" đong đầy nghĩa tình đồng đội.
Khúc tráng ca bất tử
Sư đoàn 3 - Sao Vàng được thành lập ngày 2/9/1965 tại rừng Bà Bơi, xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định (nay là xã Kim Sơn, tỉnh Gia Lai). Chỉ chưa đầy một tháng sau ngày thành lập, Sư đoàn đã lập nên chiến công vang dội tại thung lũng Thuận Ninh (18/9/1965), tiêu diệt 200 lính dù Mỹ, bắn cháy và bắn hỏng 40 máy bay trực thăng, khẳng định tinh thần thép và bản lĩnh chiến đấu kiên cường.
Suốt mười năm chiến đấu không ngơi nghỉ (1965-1975), Sư đoàn 3 đã tham gia hơn 5.000 trận đánh, đối đầu và chiến thắng nhiều đơn vị tinh nhuệ của địch như Sư đoàn Không vận số 1, Lữ đoàn Thiết giáp 173 (Mỹ), Sư đoàn “Mãnh Hổ” (Nam Triều Tiên), Sư đoàn 22 (Ngụy). Những địa danh như Long Giang, Lộc Giang, Vĩnh Thạnh; các cứ điểm Xuân Sơn, Gò Loi, Bồng Sơn; chốt Cây Rui, Núi Chéo… mãi mãi ghi dấu những chiến công oanh liệt của Sư đoàn, với hàng vạn quân địch bị tiêu diệt, bị thương, bắt sống; hàng nghìn tấn vũ khí và phương tiện chiến tranh bị thu giữ hoặc phá hủy.
![]() |
Cựu chiến binh Sư đoàn 3 - Sao Vàng gặp mặt nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Ban Liên lạc. Ảnh: Hữu trình. |
Trong chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 (thuộc Quân khu V) được giao nhiệm vụ đánh địch ở các địa bàn giáp ranh tỉnh lỵ, thu hút địch về nông thôn để tạo điều kiện cho Quân Giải phóng tiến công thị xã Quy Nhơn. Ngày 19/1/1968, sau khi tấn công trung tâm huấn luyện Phù Cát, Tiểu đoàn tiếp tục đánh chiếm cầu Xita - Nhơn Hưng trên Quốc lộ 1.
Lo sợ nguy cơ mất Đập Đá, chi khu An Nhơn và thị xã Quy Nhơn bị uy hiếp, địch điều động 1 trung đoàn Nam Triều Tiên, 4 đại đội bảo an và 32 xe tăng, thiết giáp vây ráp Tiểu đoàn 6, đồng thời sử dụng phi pháo để phản kích. Với ưu thế vượt trội, địch bao vây, cô lập và dồn ép các chiến sĩ về khu vực Tây Phương Danh nhằm tiêu diệt hoàn toàn lực lượng.
Trong suốt 5 ngày đêm chiến đấu anh dũng (20-24/1/1968), khi đạn dược cạn kiệt, các chiến sĩ Tiểu đoàn 6 đã dùng cuốc, xẻng, lưỡi lê lao lên đánh giáp lá cà và anh dũng hy sinh. Cảm phục tinh thần chiến đấu bất khuất, Nhân dân địa phương bất chấp hiểm nguy đã quy tập và an táng 154 liệt sĩ trong một ngôi mộ tập thể tại vùng Đập Đá, trong niềm tiếc thương vô hạn.
Ngày 20/10/2003, mộ tập thể chiến sĩ Tiểu đoàn 6 được UBND tỉnh Bình Định xếp hạng Di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh. Đến năm 2016, khu mộ được đầu tư tôn tạo, thể hiện tình cảm tri ân sâu sắc của Nhân dân với những người con miền Bắc đã chiến đấu và hy sinh vì sự nghiệp giải phóng miền Nam ruột thịt.Từ năm 1972 đến 1975, Sư đoàn 3 cùng quân dân huyện Hoài Ân (Bình Định) kiên cường bám trụ, vượt qua vòng vây ác liệt của kẻ thù, giữ vững vùng giải phóng- một chiến tích đáng ghi nhớ.
Mùa xuân năm 1975, trong Chiến dịch Tây Nguyên, Sư đoàn có nhiệm vụ đánh cắt Đường 19, mở đường cho chiến dịch giành thắng lợi. Trên đà tiến công, Sư đoàn lần lượt giải phóng hoàn toàn Bình Định, Khánh Hòa, phá vỡ tuyến phòng thủ Phan Rang, bắt sống Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi - Tư lệnh Tiền phương Quân đoàn 3 (Ngụy), Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang - Tư lệnh Sư đoàn Không vận số 6 cùng Đại tá cố vấn Mỹ Ximit.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Sư đoàn là một trong những đơn vị chủ lực thuộc cánh quân Duyên Hải (Quân đoàn 2), tiến công thần tốc, táo bạo, giải phóng Bà Rịa - Vũng Tàu, Côn Đảo, góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Năm 1976, Sư đoàn hành quân ra Bắc, làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới. Khi chiến tranh nổ ra, Sư đoàn đã cùng quân dân các tỉnh Lạng Sơn, Hà Tuyên chiến đấu kiên cường, chặn đứng bước tiến của 3 quân đoàn địch. Sư đoàn đã tổ chức hơn 100 trận đánh góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Với những chiến công hiển hách đó, tập thể Sư đoàn cùng 5 trung đoàn, 4 tiểu đoàn, 10 đại đội và 21 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Để làm nên những chiến tích ấy, hơn 22 nghìn cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn đã anh dũng hy sinh, hàng vạn đồng chí để lại một phần xương máu nơi chiến trường.
"Ngôi nhà chung" giữ lửa truyền thống
Trở về đời thường sau những năm tháng binh lửa, tình đồng đội thiêng liêng vẫn kết nối các cựu chiến binh Sư đoàn 3 - Sao Vàng. Năm 2005, Ban Liên lạc Cựu chiến binh Sư đoàn 3 - Sao Vàng tỉnh Bắc Ninh chính thức được thành lập, trở thành “ngôi nhà chung” gắn kết hơn 2.000 hội viên trên khắp địa bàn tỉnh.
Ban liên lạc là chỗ dựa tinh thần vững chắc, nơi các cựu binh luôn đồng hành, thăm hỏi, hỗ trợ nhau trong cuộc sống, đặc biệt là khi gặp khó khăn, bệnh tật. Họ cùng nhau giữ gìn, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương: Xây dựng nông thôn mới, ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 (hơn 130 triệu đồng), chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát, phòng chống thiên tai (hơn 70 triệu đồng), đóng góp xây dựng nhà tưởng niệm xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) 80 triệu đồng... Hằng năm, Ban Liên lạc đều tổ chức các chuyến hành hương về chiến trường xưa, viếng nghĩa trang liệt sĩ của Sư đoàn, tưởng niệm đồng đội đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc.
Sau 20 năm hình thành và phát triển, dù thời gian chưa dài, nhưng những gì Ban Liên lạc Cựu chiến binh Sư đoàn 3 - Sao Vàng tỉnh Bắc Ninh đạt được đã thể hiện trọn vẹn tình cảm sâu nặng, nghĩa tình đồng đội. Những hoạt động thiết thực, giàu ý nghĩa nhân văn của các cựu chiến binh luôn được cấp ủy, chính quyền và Nhân dân địa phương ghi nhận, trân trọng.
Từ những chiến hào lửa đạn đến những tháng ngày bình yên, từ những chiến công vang dội đến những đóng góp thầm lặng giữa đời thường, các cựu chiến binh Sư đoàn 3 - Sao Vàng mãi là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tình đồng chí, đồng đội son sắt.
“Ngôi nhà chung” của họ tại Bắc Ninh hôm nay không chỉ là nơi kết nối tình nghĩa đồng đội, mà còn là ngọn lửa truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ về lòng yêu nước, tinh thần bất khuất và trách nhiệm với cộng đồng - tiếp tục viết nên những trang sử mới trong công cuộc dựng xây quê hương và bảo vệ Tổ quốc.
Ý kiến bạn đọc (0)