Bố trí nơi ở an toàn cho công nhân: Nhà trọ chờ... doanh nghiệp
Một nhà trọ, công nhân nhiều DN cùng ở
Ông Thân Văn Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên cho biết, mục tiêu của việc sắp xếp nhà trọ an toàn nhằm bố trí công nhân của DN ở tập trung, tách biệt với DN khác để khi xuất hiện ca bệnh sẽ thuận lợi trong khoanh vùng, dập dịch. Do tập trung công nhân của một DN thì việc khoanh vùng cũng hẹp hơn, DN khác không bị ảnh hưởng, vẫn sản xuất bình thường. Điều này là vì DN, lợi ích chung của toàn xã hội.
![]() |
Lãnh đạo thôn Vân Cốc 4, xã Vân Trung (Việt Yên) hướng dẫn chủ nhà trọ thực hiện biện pháp phòng, chống dịch an toàn. |
Ngay khi tỉnh chỉ đạo, huyện đã cùng cơ quan chức năng khẩn trương thực hiện các bước. Đó là khử khuẩn, làm sạch các khu nhà trọ; thẩm định, thống kê, cung cấp danh sách nhà trọ đủ điều kiện; thành lập Tổ công tác rà soát sắp xếp bố trí “nhà trọ an toàn” tại thị trấn Nếnh, các xã: Quang Châu, Vân Trung, Tăng Tiến; chỉ đạo thành lập các chi, hội kinh doanh nhà trọ an toàn ở các thôn, tổ dân phố để thuận tiện cho việc liên hệ thuê trọ của DN. Đến giữa tháng 7/2021 việc rà soát hoàn tất. Toàn huyện có gần 3,6 nghìn hộ kinh doanh nhà trọ, tương ứng với 58.283 phòng trọ bảo đảm an toàn.
Đến nay, các công ty gồm: Hosiden, Rongxin, Sam Wang, Foxconn đã ký hợp đồng thuê 1.567 phòng trọ, tương ứng với 3.134 công nhân lưu trú. Tuy nhiên, trên thực tế, công nhân đến ở trọ rất ít. Khảo sát tại thôn Vân Cốc 4, xã Vân Trung được biết, theo kế hoạch, thôn sắp xếp hai ngõ, khoảng 260 phòng trọ, tương ứng với 520 công nhân của Công ty Newing cư trú song hiện mới có 60 công nhân của Công ty Newing đang sinh sống. Gia đình ông Dương Ngô Thứ có 30 phòng trọ.
![]() |
Công nhân ở trọ tại thôn Vân Cốc 4, xã Vân Trung (Việt Yên). |
Theo thỏa thuận, ngày 27/7, Công ty đưa công nhân vào ở, quá hạn không có người đến, ông đã cho công nhân cũ của DN khác từng ở trước đây vào thuê. Gia đình bà Nguyễn Thị Hiền cùng thôn cũng có 20 phòng cho công nhân của DN khác ngoài Công ty Newing cùng ở. Theo bà Hiền, mỗi phòng có giá 900 nghìn đến 1 triệu đồng/tháng, phòng để trống gây lãng phí. Vì vậy, các chủ nhà trọ đều mong lấp đầy phòng để có tiền trang trải cuộc sống và trả lãi ngân hàng khi vay xây nhà trọ.
Đồng chí Hoàng Văn Thọ, Bí thư Chi bộ thôn Vân Cốc 4 khẳng định, mô hình nhà trọ an toàn có ý nghĩa thiết thực, nhất là trong phòng dịch. Chi bộ đã quán triệt đảng viên và tuyên truyền vận động đến người dân chấp hành. Thôn tổ chức nhiều cuộc họp, đi từng nhà giải thích lợi ích của việc ký hợp đồng trực tiếp với DN; động viên người đang ở trọ di chuyển đến nơi khác để bố trí chỗ ở cho công nhân của Công ty Newing, do đó đã tạo được sự đồng thuận cao. Tuy nhiên, đến ngày hẹn, DN không phản hồi khiến nhiều chủ nhà trọ thất vọng, cho công nhân của nhiều DN khác thuê phòng cùng ở.
Kiên trì vận động
Việc công nhân làm chung DN, cùng ở có nhiều thuận lợi. Anh Lò Văn Tưởng, quê ở tỉnh Sơn La chia sẻ: “Tôi và bạn làm chung một xưởng thuê trọ nên dễ dàng chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau. Cùng ca làm việc sẽ không bị lệch giờ sinh hoạt và đi chung một phương tiện đến nhà xưởng, tiết kiệm chi phí”. Dù vậy việc sắp xếp công nhân của một DN ở cùng một khu vẫn gặp khó khăn. Trước hết, nhà trọ ở trong khu dân cư thuộc nhiều địa phương, xây dựng không đồng bộ với nhiều mức giá khác nhau. Vì vậy, khi DN đưa công nhân đến ở có sự so sánh về điều kiện cơ sở vật chất.
Đến nay, các công ty gồm: Hosiden, Rongxin, Sam Wang, Foxconn đã ký hợp đồng thuê 1.567 phòng trọ, tương ứng với 3.134 công nhân lưu trú. Tuy nhiên, công nhân đến ở trọ tại khu “nhà trọ an toàn” rất ít. |
Mặt khác, công nhân có hoàn cảnh khác nhau trong khi DN chỉ hỗ trợ một mức thuê đồng bộ nên với phòng có giá cao đồng nghĩa công nhân phải bỏ ra số tiền lớn hơn để thuê cũng khiến họ ngần ngại. Hơn nữa, một bộ phận công nhân chưa hiểu hết ý nghĩa của việc sắp xếp nơi ở an toàn, muốn ở tự do. Cùng đó, các DN chưa phối hợp chặt chẽ bởi không muốn ràng buộc trách nhiệm.
Mô hình “nhà trọ an toàn” ngoài có vai trò trong PCD còn có ý nghĩa lớn trong bảo đảm an ninh trật tự trong và ngoài KCN vì sẽ lọc, quản lý được đối tượng phức tạp, thuê ở tự do. Vì vậy, để khắc phục khó khăn trên, huyện Việt Yên xác định giải pháp ưu tiên thực hiện là kiên trì tuyên truyền, vận động công nhân, DN. Với các DN trở lại sản xuất khi đạt công suất trước dịch cần giải tỏa “ký túc xá” tạm tại DN, di chuyển công nhân ra bên ngoài đến nhà trọ an toàn và sắp xếp công nhân ở cùng khu.
![]() |
Khu nhà trọ tại thôn Vân Cốc 4 có nhiều công nhân của DN khác nhau cùng ở. |
Hiện nay, hầu hết DN trong KCN đã hoạt động trở lại. Tuy tình hình dịch bệnh của tỉnh đã được kiểm soát nhưng có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào. Vì vậy, việc sắp xếp các khu nhà trọ an toàn là giải pháp lâu dài trong sản xuất an toàn PCD.
Để bảo đảm các cơ sở lưu trú hoạt động an toàn, không phát sinh ca bệnh mới, huyện Việt Yên tiếp tục hỗ trợ DN thương thảo, ký kết hợp đồng hoặc tổ chức để người lao động của DN ký kết hợp đồng thuê ở với các cơ sở lưu trú theo nguyên tắc một cơ sở lưu trú chỉ bố trí cho lao động của một DN. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức hoạt động của các cơ sở lưu trú. Đi đôi với giải pháp trên, các DN cần chung tay bố trí, sắp xếp công nhân ở trọ vì lợi ích dài lâu.
Ý kiến bạn đọc (0)