“Canh bạc” nguy hiểm của Mỹ và Israel tại Trung Đông
BẮC NINH - Ngày 13/6/2025 đánh dấu một bước ngoặt đầy rủi ro trong chính sách Trung Đông của Mỹ và Israel, khi liên minh này phát động chiến dịch tấn công quy mô lớn vào các cơ sở hạt nhân của Iran.
Đằng sau những tuyên bố “chiến thắng” và “ngăn chặn thảm họa hạt nhân” của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu là một chiến lược sâu xa hơn: Thay đổi chế độ ở Iran bằng áp lực quân sự, chính trị và tâm lý - một canh bạc táo bạo nhưng đầy rủi ro.
![]() |
Tổng thống Mỹ Donald Trump (bên phải) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại cuộc gặp ở Nhà Trắng vào tháng 4/2025. |
Sau cuộc chiến kéo dài 12 ngày, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Iran và Israel đã đạt được một “lệnh ngừng bắn toàn diện”, đồng thời Mỹ cũng thúc đẩy một thỏa thuận hạt nhân mới với Iran, trong khi tương lai của thỏa thuận này vẫn còn bấp bênh. Giới phân tích cho rằng, nếu Iran không chấp nhận các điều kiện do Mỹ đưa ra, chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ tiếp tục tăng cường sức ép với mục tiêu cuối cùng là thay đổi chế độ ở Tehran. Chiến dịch này bắt đầu với các cuộc tấn công tên lửa của Israel vào loạt cơ sở hạt nhân của Iran, tiếp theo là sự can thiệp quân sự trực tiếp của Mỹ. Washington đã sử dụng máy bay ném bom tàng hình B-2 để thả bom phá boongke vào các cơ sở hạt nhân then chốt như Fordow, Natanz và Isfahan. Những cuộc không kích này nhằm làm tê liệt năng lực hạt nhân của Iran trong một thời gian dài.
Không chỉ nhắm đến cơ sở vật chất, Mỹ và Israel còn tấn công vào nhân sự cấp cao của Iran. Nhiều nhà khoa học hạt nhân và tướng lĩnh bị ám sát hoặc đe dọa tính mạng, với mục tiêu làm suy yếu cấu trúc lãnh đạo và tạo ra sự hoảng loạn trong nội bộ chính quyền Iran. Theo nguồn tin từ The Washington Post, hàng nghìn quan chức Iran đã nhận được các cuộc gọi đe dọa từ phía Israel, yêu cầu họ từ chức và rời khỏi đất nước. Những động thái này được cho là nhằm tái hiện kịch bản Syria, nơi chính quyền Bashar al-Assad đã bất ngờ sụp đổ vào cuối năm 2024 sau nhiều năm kháng cự. Khi đó, lực lượng Hayat Tahrir al-Sham (HTS) chiếm thủ đô Damascus mà gần như không gặp phải sự kháng cự nào do hàng loạt quan chức Syria đã bị mua chuộc hoặc quay lưng với ông Assad.
Mỹ, Israel và các thế lực đối lập, nếu không có sự ủng hộ rộng rãi từ người dân Iran và một chiến lược rõ ràng, sẽ khó có thể đạt được mục tiêu thay đổi chế độ. Iran ngày nay không phải là một quốc gia dễ bị chi phối hay thay đổi từ bên ngoài - đó chính là bản sắc đã hình thành qua hơn 40 năm tồn tại của nước Cộng hòa Hồi giáo này. |
Ông Netanyahu và ông Donald Trump dường như kỳ vọng có thể gây ra hiệu ứng domino tương tự tại Iran bằng cách “làm rỗng” bộ máy chính quyền từ bên trong trước khi tung ra đòn tấn công quân sự cuối cùng. Trong một đoạn ghi âm bị rò rỉ, các quan chức Iran bị yêu cầu quay video tuyên bố từ chức. Một đoạn clip lan truyền ghi lại cảnh xe màu đen tại sân bay Tehran được lan truyền nhằm gieo rắc tâm lý hoảng loạn trong giới tinh hoa. Tuy nhiên, kịch bản Syria đã không lặp lại. Iran cho thấy mức độ đoàn kết và phản kháng mạnh mẽ. Quân đội Iran bổ nhiệm lãnh đạo mới chỉ sau 12 giờ và toàn bộ hệ thống chính trị lẫn công chúng nhanh chóng quy tụ bên lãnh tụ tối cao Ali Khamenei. Những đe dọa ám sát, chiến tranh tâm lý và các đòn tấn công vào hạ tầng hạt nhân không thể làm lung lay chế độ Cộng hòa Hồi giáo Iran.
Bất chấp các tuyên bố “chiến thắng” từ ông Donald Trump và ông Netanyahu, thực tế cho thấy chiến dịch này không đạt được kết quả mong muốn. Các chuyên gia quốc tế nghi ngờ việc phá hủy hoàn toàn các cơ sở hạt nhân Iran, vốn được đặt sâu trong lòng đất và bảo vệ nghiêm ngặt. Tung tích của hàng trăm kilogram uranium cũng chưa được xác định. Không những vậy, chiến dịch này còn mang lại hậu quả nặng nề cho cả Mỹ và Israel. Nhiều khu vực ở Israel trở thành đống đổ nát sau đợt phản công của Iran. Căn cứ quân sự Al Udeid của Mỹ tại Qatar bị tấn công trực tiếp. Quan trọng hơn, chiến dịch dường như càng khiến người dân Iran ủng hộ mạnh mẽ hơn việc sở hữu vũ khí hạt nhân, vì họ thấy rằng không có nó, họ luôn là mục tiêu.
Từ Iraq, Afghanistan đến Libya và Syria, các chiến dịch thay đổi chế độ của Mỹ thường mang lại kết cục hỗn loạn, bất ổn và đẫm máu hơn là dân chủ hay ổn định. Ở nhiều nơi, chính quyền thân phương Tây yếu ớt hoặc độc tài mới xuất hiện nhưng không thể kiểm soát các lực lượng nổi dậy, sắc tộc, hoặc tôn giáo. Trong khi đó, chính người Iran - đặc biệt là sau Cách mạng Hồi giáo năm 1979 đã học được bài học cay đắng từ lịch sử. Việc Mỹ từng lật đổ chính phủ dân cử của Thủ tướng Mohammad Mossadegh năm 1953 vẫn là vết thương sâu đậm trong tâm thức quốc gia. Lần này, không có vali đôla nào đủ sức mua chuộc cả một hệ thống chính trị đã từng đổ máu để giành độc lập.
![]() |
Cảnh đổ nát sau cuộc không kích của Israel tại Beirut, Liban. |
Vậy tại sao Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Israel B.Netanyahu vẫn tin rằng họ có thể lật đổ chính quyền Iran? Câu trả lời có thể nằm ở sự ngộ nhận lịch sử và ảo tưởng quyền lực. Họ xem những thành công ngắn hạn trong việc loại bỏ các nhà lãnh đạo như Saddam Hussein hay M.Gaddafi là mô hình có thể tái hiện. Nhưng trong bối cảnh địa chính trị năm 2025, Iran không còn là Iran của năm 1953. Đây là một quốc gia với mạng lưới liên minh khu vực rộng lớn, lực lượng quân sự vững mạnh và lòng dân ngày càng đoàn kết trước sức ép bên ngoài.
Khi cuộc chiến kết thúc bất ngờ vào ngày 24/6, các mục tiêu của Israel gồm “xóa sổ chương trình hạt nhân” của Iran hay lật đổ chính quyền Iran đều không đạt được. Sau khi các cuộc tấn công dừng lại, truyền thông thân Israel chuyển hướng sang chỉ trích lãnh tụ Iran Ali Khamenei với cáo buộc rằng ông đã “lẩn trốn” và “không còn điều hành đất nước”. Các hãng tin phương Tây tuyên truyền rằng ông “lo sợ bị ám sát” và đã “bỏ rơi người ủng hộ”. Tuy nhiên, chiến dịch bôi nhọ này nhanh chóng sụp đổ. Ngày 5/6 vừa qua, ông Khamenei xuất hiện tại một buổi lễ tưởng niệm Imam Hussein ở Husseiniyeh Imam Khomeini. Khi ông bước vào, đám đông nhanh chóng nhận ra, đồng loạt đứng dậy và hô vang các khẩu hiệu. Buổi lễ ngày 5/6 tại Husseiniyeh Imam Khomeini đánh dấu lần đầu tiên một ca khúc yêu nước được trình bày trong một nghi lễ tưởng niệm Imam Hossein - vốn mang tính tôn giáo sâu sắc. Các nhà phân tích cho rằng, đây là thông điệp mà lãnh tụ Iran muốn gửi đến Israel và Mỹ: Bất chấp các chiến dịch tuyên truyền hay không kích, người dân Iran vẫn đoàn kết và kiên quyết theo đuổi các quyền chính đáng của mình.
Thực tế, trong nhiều thập kỷ qua, Iran luôn là một điểm nóng trong chính trị Trung Đông và quốc tế. Sau Cách mạng Hồi giáo năm 1979, Iran đã xây dựng một hệ thống chính trị đặc thù - Cộng hòa Hồi giáo, kết hợp giữa yếu tố thần quyền và cộng hòa. Từ đó đến nay, chính quyền Iran đã tồn tại vững vàng bất chấp các lệnh trừng phạt nặng nề, những cuộc biểu tình trong nước và sức ép từ bên ngoài, đặc biệt là từ Mỹ. Hệ thống an ninh và quân sự, đặc biệt là lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC), hoạt động như một "trụ cột thép" bảo vệ chế độ.
Ngoài ra, chính quyền cũng kiểm soát truyền thông, hệ thống tư pháp và có mạng lưới tình báo chặt chẽ khiến cho việc tổ chức lật đổ từ bên trong trở nên rất khó khăn. Mỹ, Israel và các thế lực đối lập, nếu không có sự ủng hộ rộng rãi từ người dân Iran và một chiến lược rõ ràng, sẽ khó có thể đạt được mục tiêu thay đổi chế độ. Iran ngày nay không phải là một quốc gia dễ bị chi phối hay thay đổi từ bên ngoài - đó chính là bản sắc đã hình thành qua hơn 40 năm tồn tại của nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Canh bạc thay đổi chế độ của Mỹ và Israel vừa qua có thể xem là thất bại, không chỉ vì họ đánh giá sai sự kiên định của Tehran, mà còn vì họ đã quên mất rằng lòng tự tôn dân tộc, một khi bị đe dọa, sẽ trở thành nguồn sức mạnh không thể khuất phục.
Ý kiến bạn đọc (0)