Bắc Ninh: Giữ gìn di sản, trao truyền cho mai sau
BẮC NINH - Những ngày gần đây, Bắc Ninh liên tiếp đón tin vui khi nhiều di sản được vinh danh ở cấp quốc gia và thế giới. Nhân lên niềm tự hào, chính quyền, ngành chức năng và người dân trong tỉnh tiếp tục nâng cao trách nhiệm bảo tồn, phát huy giá trị để những di sản ấy không ngừng lan tỏa, hòa cùng nhịp sống mới.
Tinh hoa miền di sản
Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc vừa được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới làm nức lòng Nhân dân trong tỉnh. Đây là sự khẳng định giá trị nổi bật toàn cầu của di sản và tôn vinh những đóng góp của các địa phương vào kho tàng văn hóa nhân loại.
![]() |
Chi hội Bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Sán Dìu tổ dân phố Hai Cũ, phường Phượng Sơn truyền dạy hát Soọng cô cho thế hệ trẻ. |
Quần thể di sản gồm 12 di tích thành phần trải dài tại ba tỉnh, thành phố, gồm: Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng. Trong đó, 2 di tích của tỉnh Bắc Ninh là chùa Vĩnh Nghiêm (phường Tân An) và chùa Bổ Đà (phường Vân Hà) được nhìn nhận là 2 trung tâm Phật giáo Trúc Lâm, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì phát triển đạo Phật. Phật giáo Trúc Lâm là thiền phái độc đáo của Việt Nam, do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập từ thế kỷ XIII.
Cùng với kiến trúc cổ kính, độc đáo, chùa Vĩnh Nghiêm có 3.050 mộc bản khắc kinh, sách thuốc và các luật giới Phật giáo, được công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chùa Bổ Đà trầm mặc với hệ thống tường đất dày và vườn tháp lớn, nơi an nghỉ của hàng nghìn vị cao tăng qua các thời kỳ lịch sử, tạo nên không gian tâm linh thiêng liêng, tĩnh tại.
Từng đến thăm chùa Vĩnh Nghiêm, bà Carmen Cano De Lasala, Đại sứ Tây Ban Nha tại Việt Nam bày tỏ: “Tôi đã từng đi thăm nhiều ngôi chùa trên thế giới nhưng tôi có ấn tượng đặc biệt trước vẻ cổ kính và những nét đặc sắc của chùa Vĩnh Nghiêm. Đây không chỉ là nơi khởi nguồn thiền phái Trúc Lâm - một dòng thiền mang đậm tinh thần dân tộc mà còn là không gian giao hòa giữa văn hóa, thiên nhiên và tín ngưỡng, truyền tải tinh thần đạo gắn với đời thường rất riêng của Việt Nam”.
![]() |
Du khách thăm chùa Vĩnh Nghiêm. |
Theo các chuyên gia, nét đặc sắc của Quần thể di sản này chính là không gian thiêng, nơi hội tụ tinh hoa Phật giáo Trúc Lâm - một tư tưởng tiến bộ, nhân văn, gắn kết giữa đạo và đời, đồng hành cùng quốc gia qua nhiều giai đoạn lịch sử. Tư tưởng ấy ăn sâu vào đời sống cộng đồng, tạo nên sức mạnh tinh thần để xây dựng xã hội thịnh trị và bảo vệ nền độc lập dân tộc. Đây là minh chứng sống động cho sự giao thoa hài hòa giữa con người và thiên nhiên, giữa kiến trúc cổ kính và đời sống xã hội, làm nên những giá trị trường tồn cùng thời gian.
Mới đây, 4 di sản của tỉnh cũng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Hội Lim; nghệ thuật trình diễn dân gian Soọng cô của người Sán Dìu; nghệ thuật Chèo; làng nghề làm bánh đa nem Thổ Hà. Trong đó, Hội Lim diễn ra vào ngày 13 tháng Giêng hằng năm không chỉ có những nghi lễ rước, dâng hương, tế lễ trang trọng cùng những hoạt động gắn kết cộng đồng mà còn là điểm hẹn trình diễn dân ca quan họ - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong không gian lễ hội, các liền anh, liền chị cất lên những làn điệu quan họ ngọt ngào, mượt mà hòa cùng hương xuân, tạo nên bức tranh văn hóa đậm chất trữ tình của vùng Kinh Bắc.
"Thời gian tới, ngành Văn hóa triển khai chương trình bảo tồn, phát huy giá trị di sản chùa Vĩnh Nghiêm, Bổ Đà theo đúng quy định, có sự gắn kết với các điểm di tích của tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng. Tập trung thực hiện đề án "Phục dựng Con đường Hoằng dương Phật pháp của các vị Tổ Phật giáo Trúc lâm Yên Tử"; phối hợp xây dựng các tour du lịch về miền đất thiêng Yên Tử. Tiếp tục tuyên truyền, quảng bá, tổ chức các hoạt động, sự kiện để lan tỏa giá trị của Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc. Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu lưu trú, ăn uống, trải nghiệm, vui chơi của du khách" - Ông Đỗ Tuấn Khoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh. |
Trải qua bao thăng trầm, những người thợ làm bánh đa nem Thổ Hà (phường Vân Hà) vẫn miệt mài với từng công đoạn, bí quyết gia truyền để tạo nên sản phẩm nức tiếng gần xa. Nghệ nhân Nguyễn Đức Tạo, 70 tuổi chia sẻ: “Được cha ông truyền lại, tôi học làm nghề từ nhỏ và gắn bó hơn nửa thế kỷ. Mỗi công đoạn đều quan trọng, nhất là khâu pha muối và phơi bánh đúng kỹ thuật để bánh dẻo, giòn, thơm mà không vỡ”. Hiện nay, tổ dân phố Thổ Hà có hơn 300 hộ làm nghề với khoảng 1 nghìn lao động. Trung bình mỗi hộ sản xuất từ 7 - 10 nghìn chiếc bánh/ngày. Sản phẩm không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu. Vào những tháng giáp Tết, không khí làm nghề càng thêm rộn ràng, để lại dấu ấn khó quên trong lòng du khách.
Gìn giữ bản sắc, lan tỏa di sản
Bắc Ninh được biết đến là cái nôi văn hóa, vùng đất đã lưu giữ, trao truyền bao tinh hoa để hôm nay những giá trị văn hóa ấy tiếp tục tỏa sáng, được cả nước và thế giới vinh danh. Toàn tỉnh hiện có 33 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 7 di sản được UNESCO ghi danh, cùng 24 bảo vật quốc gia. Những năm qua, tỉnh Bắc Ninh đã triển khai nhiều giải pháp sáng tạo để di sản không chỉ được “cất giữ”, bảo tồn mà thực sự hòa vào nhịp sống đương đại. Các cấp chính quyền, ngành chức năng đã huy động nguồn lực tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa - danh lam thắng cảnh theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa, giữ lại tối đa yếu tố gốc. Đồng thời hỗ trợ kinh phí hằng tháng để khích lệ, động viên các nghệ nhân giữ lửa tình yêu di sản. Các lễ hội truyền thống được tổ chức, khôi phục những nghi lễ đặc sắc, trò chơi dân gian độc đáo. Nhiều di sản phi vật thể như các làn điệu dân ca, nghệ thuật trình diễn được bảo tồn và truyền dạy qua các lớp học, câu lạc bộ. Bao năm nay, tiếng hát Soọng cô của đồng bào Sán Dìu vẫn rộn ràng ngân vang nơi sườn đồi, triền núi nhờ sự tận tâm của các nghệ nhân và cán bộ làm công tác văn hóa.
Nghệ nhân Ân Ngọc Lương, Phó Chủ tịch Hội Bảo tồn và Phát triển văn hóa dân tộc Sán Dìu tỉnh tự hào chia sẻ: “Soọng cô là loại hình dân ca trữ tình độc đáo, gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần của đồng bào. Mỗi lời ca, giai điệu không chỉ bày tỏ tình yêu, niềm vui lao động mà còn kết nối cộng đồng, gìn giữ tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số giữa nhịp sống hiện đại. Với niềm đam mê, sự tâm huyết, các nghệ nhân vẫn ngày ngày truyền dạy, thu âm bài hát, soạn lời giới thiệu để mỗi bài Soọng cô không chỉ là âm nhạc mà còn là việc lưu giữ tập tục, ngôn ngữ, bản sắc dân tộc”.
![]() |
Nghề làm bánh đa nem Thổ Hà được người dân địa phương gìn giữ từ bao đời. |
Các địa phương và mỗi nghệ nhân đều ý thức rằng, việc vinh danh di sản chỉ là bước đầu, điều quan trọng là phải tiếp tục phát huy và lan tỏa giá trị di sản. Ông Nguyễn Đại Lượng, Bí thư Đảng ủy phường Vân Hà cho biết: “Chính quyền địa phương đã và đang tạo điều kiện thuận lợi để người dân của làng nghề làm bánh đa nem Thổ Hà phát triển bền vững, chú trọng quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Bánh đa nem giờ đây không chỉ là sản phẩm ẩm thực truyền thống mà còn trở thành một phần quan trọng trong chuỗi du lịch trải nghiệm văn hóa của Thổ Hà”. Địa phương triển khai đề án phát triển du lịch cộng đồng, khai thác giá trị các di sản để phục vụ du khách. Tới đây, ngoài tham quan di tích, tham dự lễ hội, khách du lịch còn được tự tay tráng, phơi bánh hay đóng gói bánh đa nem mang về làm quà.
Theo ông Đỗ Tuấn Khoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thời gian tới, Bắc Ninh tăng cường bảo tồn, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch. Ngành sẽ đẩy mạnh việc số hóa các di tích, xây dựng hệ thống bảng chỉ dẫn song ngữ, bản đồ thông minh trực tuyến để du khách dễ dàng khám phá và tìm hiểu sâu giá trị từng di tích. Phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp lữ hành xây dựng các tour du lịch xanh - văn hóa - tâm linh kết nối trực tiếp với cộng đồng, làng nghề một cách thân thiện, bền vững. Cùng đó, phối hợp với các đơn vị, trường học tổ chức hoạt động ngoại khóa như: Học hát quan họ, Soọng cô, trình diễn chèo, trải nghiệm làm nghề truyền thống, tham quan di tích… góp phần giáo dục tình yêu quê hương, ý thức gìn giữ di sản cho thế hệ trẻ. Đồng thời liên kết vùng tổ chức các festival về di sản; không gian trình diễn nghệ thuật, mở rộng giao lưu văn hóa, góp phần để tinh hoa văn hóa Bắc Ninh ngày càng tỏa sáng.
Ý kiến bạn đọc (0)