Đẩy mạnh tuyên truyền về nâng cao chỉ số PCI
Theo báo cáo tổng hợp, năm 2020 chỉ số thành phần “Chi phí thời gian” tăng 42 bậc (xếp thứ nhất trong vùng thủ đô trừ Hà Nội), xếp thứ 5/63 so với cả nước, điểm PCI đạt 8,68. Chỉ số “Tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh” giảm 11 bậc, xếp thứ 20/63 so với cả nước; chỉ số “Đào tạo lao động” giảm 7 bậc, xếp thứ 19/63 so với cả nước.
![]() |
Đồng chí Mai Sơn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. |
Đối với chỉ số thành phần “Chi phí thời gian”, một số chỉ tiêu đạt gồm: Tỷ lệ doanh nghiệp dành hơn 10% quỹ thời gian để tìm hiểu và thực hiện quy định pháp luật; Cán bộ công chức giải quyết công việc hiệu quả; Cán bộ công chức thân thiện; Doanh nghiệp không phải đi lại nhiều lần để hoàn tất thủ tục…
Quá trình giải quyết TTHC theo phương án “tại chỗ” đem lại thuận lợi cho tổ chức, công dân; hầu hết các hồ sơ có kết quả đều được trả đúng hẹn, nhiều hồ sơ trả tước hẹn; hồ sơ phải bổ sung đã giảm hẳn; các hồ sơ thực hiện tại chỗ được nộp ngay và được đánh giá hài lòng. 10 tháng năm 2021, tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận, giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 đạt 45% (vượt mức giao tối thiểu 30% và cao hơn so với cùng kỳ 36%); tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận, trả kết quả BCCI đạt 19%, cao hơn 2 lần so với cùng kỳ 8%.
Trong chỉ số thành phần “Tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh”, một số chỉ tiêu không đạt, xếp hạng thấp so với cả nước…
Còn với chỉ số thành phần “Đào tạo lao động”, nhiều chỉ tiêu không đạt, điểm PCI 6,82. 9 tháng qua, có hơn 300 doanh nghiệp tham gia các phiên giao dịch việc làm; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm cho hơn 12,2 nghìn lao động. Các phiên giao dịch kết nối thông tin cung – cầu lao động đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giảm chi phí kinh doanh dành cho tuyển dụng lao động. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đối với công tác tuyển sinh cho các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp; nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động…
Tại hội nghị, lãnh đạo các sở, ngành đã phát biểu thảo luận, phân tích nguyên nhân tăng, giảm điểm các chỉ số thành phần. Theo đó, năm 2021, tỉnh Bắc Giang chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19 bùng phát. Đây là nguyên nhân khiến nhiều hoạt động điều hành của các cấp chính quyền, việc trực tiếp gặp gỡ các doanh nghiệp để lắng nghe, tiếp nhận thông tin hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc bị hạn chế. Việc rà soát, dự báo, tham mưu đề xuất hướng giải quyết các điểm vướng mắc, chưa rõ trong chính sách ở cấp Trung ương của các sở, ban, ngành tại tỉnh còn chưa chủ động; khi có vướng mắc xảy ra mới bắt đầu nghiên cứu, đề xuất, chờ ý kiến chỉ đạo của cấp trên.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Mai Sơn nhấn mạnh, thời gian qua, các sở, ngành đã có nhiều cố gắng, sáng tạo trong thực hiện các nội dung liên quan đến thủ tục hành chính (TTHC), đặc biệt là Trung tâm Phục vụ hành chính công; Sở Kế hoạch và Đầu tư có sáng kiến tổ chức Cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu và sáng kiến về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh Bắc Giang" năm 2021; Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có vai trò tích cực trong tuyển dụng và hỗ trợ lao động…
Đồng chí đề nghị, thời gian tới, nhiệm vụ số một của các sở, ngành là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân, doanh nghiệp nắm được những thông tin, chủ trương của tỉnh trong việc thực hiện nâng cao chỉ số PCI; các sở, ban, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, tiếp tục nghiên cứu, phân tích nguyên nhân làm giảm chỉ số thành phần, PCI của tỉnh trong lĩnh vực thuộc ngành phụ trách từ đó đề ra giải pháp khắc phục triệt để. Văn phòng UBND tỉnh phải lắng nghe, đề xuất để giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp. Đồng chí yêu cầu cần phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm cán bộ nhũng nhiễu doanh nghiệp trong giải quyết TTHC.
Ý kiến bạn đọc (0)