Góp ý dự thảo Luật Bảo vệ môi trường
![]() |
Đồng chí Trần Văn Lâm, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang chủ trì tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang. |
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, Luật BVMT hiện hành đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 7, thay thế Luật BVMT 2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015.
Sau gần 5 năm triển khai thực hiện, Luật đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong công tác BVMT. Nhận thức về trách nhiệm và hành động trong BVMT đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực thi cho thấy Luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa điều chỉnh kịp thời với những thách thức mới đặt ra đối với công tác BVMT như: Cơ chế, chính sách BVMT chưa phù hợp và đồng bộ; các thủ tục hành chính về môi trường còn phân tán, thiếu liên thông, tích hợp dẫn đến việc cùng một dự án, chủ đầu tư phải thực hiện các thủ tục hành chính về môi trường với nhiều cơ quan quản lý… Do có những bất cập từ thực tiễn thi hành Luật cho nên cần thiết phải triển khai nghiên cứu, sửa đổi Luật BVMT hiện hành.
Dự án Luật BVMT (sửa đổi) lần này gồm có 16 chương, 192 điều; trong đó bãi bỏ nhiều quy định, giảm các thủ tục hành chính nhưng vẫn bảo đảm được công tác quản lý, BVMT như: Thu hẹp đối tượng phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược so với Luật BVMT 2014. Dự thảo Luật chỉ quy định đối tượng phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược là các quy hoạch theo quy định trong Luật quy hoạch.
Góp ý vào dự thảo Luật BVMT (sửa đổi), hầu hết các tỉnh, TP đều nhất trí với kết quả mà Luật BVMT năm 2014 đã đạt được; góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong thời gian qua.
Tuy nhiên, các địa phương cũng tập trung phân tích, làm rõ nguyên nhân, tồn tại hạn chế, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về những khó khăn vướng mắc tại đơn vị trong quá trình thực thi Luật đối với công tác bảo vệ môi trường.
Cụ thể, đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh chia sẻ, vấn đề TN&MT trên địa bàn tỉnh khá phức tạp. Vì vậy, Luật BVMT cần phân cấp rõ trách nhiệm giải quyết chất thải liên vùng, giữa các vùng giáp ranh trên địa bàn cả nước để thuận lợi trong việc truy cứu trách nhiệm và thực thi nhiệm vụ. Đẩy mạnh thanh, kiểm tra đột xuất để phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực môi trường. Tăng cường trách nhiệm đối với các thành viên tham gia HĐND các cấp để nâng cao tinh thần trách nhiệm khi làm việc.
Một số địa phương khác kiến nghị, cần có quy định riêng cho doanh nghiệp sản xuất và người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong thu gom, xử lý rác để giảm bớt gánh nặng cho các cấp chính quyền. Vấn đề xử lý rác thải, đặc biệt là rác thải sinh hoạt cần có sự định hướng của cơ quan chuyên môn về việc sử dụng đồng bộ hệ thống máy móc, thiết bị phù hợp để đạt hiệu quả cao, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đánh giá cao những ý kiến đóng góp trực tiếp và gửi văn bản của các địa phương; đồng thời nhấn mạnh, dự án Luật BVMT (sửa đổi) thực sự cần thiết trong thời gian tới. Việc sửa đổi Luật BVMT nhằm tạo một cuộc cách mạng trong chính suy nghĩ, tư duy quản lý đến nhận thức và hành động của mỗi người dân. Đặc biệt là có vai trò, tính pháp lý giúp các tỉnh, TP tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện công tác quản lý, bảo vệ TN&MT, ứng phó với biến đổi khí hậu. Các ý kiến trên là một trong những cơ sở để Bộ TN&MT góp ý vào Nghị quyết Đại hội của ngành trong những năm tới.
Bộ TN&MT sẽ tiếp thu và rà soát kỹ các ý kiến đóng góp để bảo đảm dự án Luật BVMT thống nhất với hệ thống pháp luật chung, có tính khả thi cao và tiếp tục đánh giá tác động của 13 nhóm chính sách liên quan đến KT-XH, tài chính, ngân sách... Sớm hoàn chỉnh dự án Luật BVMT để trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 9.
Hoàng Phương
Ý kiến bạn đọc (0)