Kết nối cung - cầu việc làm cho lao động hồi hương
Mong tìm được công việc ổn định
Vào TP Hồ Chí Minh làm công nhân da giày, tối làm thêm ở các quán ăn được hơn 3 năm, trước thời điểm dịch bùng phát, anh Lê Văn Mạnh (SN 1997) ở xã Nghĩa Phương (Lục Nam) có mức thu nhập ổn định hơn 9 triệu đồng/tháng. Chi tiêu tiết kiệm, bình quân mỗi tháng anh bỏ ra được gần nửa số đó gửi về quê cho bố mẹ.
![]() |
Nhân viên bộ phận tuyển dụng Công ty TNHH Crystal Martin Việt Nam kiểm tra tay nghề trước khi tuyển lao động. |
Đi làm xa, anh dự định xây dựng gia đình tại đây để dần ổn định cuộc sống. Thế nhưng dịch bệnh ập đến, dù được chính quyền hỗ trợ song với vô vàn chi phí phát sinh trong gần 4 tháng cách ly xã hội, anh Mạnh không thể tiếp tục cầm cự, đành khăn gói về quê. Anh chia sẻ: “Trước đây ở quê hầu như không có doanh nghiệp nào tuyển lao động nên tôi mới phải đi xa. Nhưng nay đã khác, nhiều công ty về tận thôn, xóm tuyển công nhân. Tôi quyết định sẽ tìm công việc phù hợp tại địa phương”.
Tương tự, 7 năm đi làm ở Bình Dương, mỗi dịp Tết, chị Nguyễn Thị Đức (SN 1988) ở xã Đoan Bái (Hiệp Hòa) đều thu xếp về quê với gia đình. Học hết THPT, nhờ người quen giới thiệu, chị vào Nam tìm được công việc ổn định là nhân viên dọn phòng khách sạn, thu nhập trung bình mỗi tháng được hơn 10 triệu đồng. Nhưng lần hồi hương này (tháng 9/2021), chị gần như tay trắng khi số tiền tích lũy đã sử dụng hết trong thời gian mất việc làm bởi dịch bệnh. Vì thế, chị Đức quyết định sẽ gắn bó trên mảnh đất quê mình.
Từ tháng 4/2021 đến nay, toàn tỉnh có hơn 17,5 nghìn công dân ở ngoại tỉnh trở về quê do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong đó có gần 15 nghìn người trong độ tuổi lao động. Cũng như anh Mạnh, chị Đức, dịch bệnh khiến việc làm và đời sống của số lao động này gặp nhiều khó khăn. Trở về quê, nhiều người mong muốn tìm được công việc ổn định tại địa phương.
Tiếp tục ưu tiên hỗ trợ lao động về từ vùng dịch
Ông Hoàng Văn Thắng, Trưởng phòng Lao động - Việc làm Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho biết: Sau khi rà soát số lao động từ vùng dịch trở về, đơn vị đã tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương phối hợp với ngành Lao động khẩn trương nắm tình hình, tổng hợp chi tiết lao động theo trình độ, nghề nghiệp cũng như nhu cầu giới thiệu việc làm.
Từ đó, kịp thời đề xuất giải pháp hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, giới thiệu việc làm, tạo điều kiện vay vốn ưu đãi, giúp lao động hồi hương sớm ổn định đời sống. Thực tế, sau nỗ lực khôi phục sản xuất, hiện toàn tỉnh đã có hơn 7,1 nghìn doanh nghiệp hoạt động, tạo việc làm cho khoảng 305 nghìn lao động (trong KCN là 192 nghìn người). Tổng số lao động tăng cao hơn so với thời điểm trước dịch là hơn 40 nghìn người.
Trước nhu cầu tuyển dụng lớn, nguồn cung dồi dào, ông Nguyễn Văn Huế, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: Đơn vị đang đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động, nhất là ưu tiên hỗ trợ tạo việc làm cho lao động trở về từ vùng dịch.
Theo dự báo, từ nay đến cuối năm, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần tuyển khoảng 27 nghìn lao động, trong đó gần 26 nghìn là lao động phổ thông. Một số công ty có nhu cầu tuyển dụng lớn như: TNHH Luxshare ICT Việt Nam (10,5 nghìn người); Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải (4,3 nghìn người); cổ phần Tổng Công ty May Bắc Giang LGG (2 nghìn người); TNHH Công nghệ Lens Việt Nam (1,2 nghìn người). |
Cuối tháng 8, ngay khi có chỉ đạo của Sở LĐTBXH, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã gửi công văn đề nghị Phòng LĐTBXH các huyện, TP phối hợp chặt chẽ trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền, cung cấp thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp, hướng dẫn người lao động đăng ký.
Để hạn chế việc đi lại và phát sinh các chi phí khác cho doanh nghiệp, người lao động, bảo đảm các yêu cầu về phòng dịch, Trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối việc làm như: Cập nhật nhu cầu tuyển dụng qua Cổng thông tin việc làm, các trang mạng xã hội; duy trì hoạt động nhóm zalo “Hỗ trợ việc làm - Covid-19”.
Đặc biệt, tổ chức các phiên giao dịch việc làm online hoặc trực tiếp theo chuyên đề đáp ứng nhu cầu cụ thể của doanh nghiệp và đối tượng lao động. Kết quả đến nay, đơn vị đã hỗ trợ gần 3 nghìn lao động từ vùng dịch trở về có việc làm mới, tập trung chủ yếu ở các huyện: Lục Nam, Yên Thế, Hiệp Hòa, Việt Yên.
Từ đầu tháng 10 đến nay, Công ty TNHH Crystal Martin Việt Nam (KCN Quang Châu) bố trí 3 nhân viên bộ phận tuyển dụng trực tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để trực tiếp phỏng vấn, kiểm tra tay nghề lao động. Với nhu cầu gần 600 lao động, hiện đã có hơn 300 lao động trúng tuyển.
Chị Chu Thị Yên (SN 1991), xã Đức Giang (Yên Dũng) - công nhân từ Bắc Ninh về sau đợt dịch vừa trúng tuyển chia sẻ: “Sau khi đạt bài kiểm tra tay nghề và ký hợp đồng, tôi được phổ biến các quy định về phòng dịch của công ty sau khi vào làm việc. Với mức lương và các khoản phụ cấp ban đầu như cam kết trong hợp đồng được hơn 6 triệu đồng, tôi thấy phù hợp”.
Theo ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH, đơn vị tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh xây dựng các chính sách phù hợp trong công tác giải quyết việc làm, ưu tiên hỗ trợ lao động về từ vùng dịch, giúp họ sớm ổn định cuộc sống; chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh quan tâm dự báo để triển khai hiệu quả các hoạt động kết nối cung - cầu.
Cùng đó, phối hợp với các ngành, địa phương nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, tạo việc làm với mức thu nhập ổn định cho người dân địa phương.
Bài, ảnh: Tường Vi
Ý kiến bạn đọc (0)