Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Thuyền đã về bến mới
![]() |
Nhạc sĩ Phó Đức Phương, Ảnh tư liệu. |
Sự nghiệp âm nhạc đồ sộ
Sau khi tốt nghiệp, ông đã từng công tác tại Đoàn Ca múa nhạc Thái Bình; Vụ Âm nhạc và Múa; Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); Đoàn Ca múa nhạc Hà Nội. Ông là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa III (1983 - 1989) và khóa VII (2005 - 2010); nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương đã sáng tác nhiều ca khúc đặc sắc, sử dụng ngôn ngữ âm nhạc có màu sắc dân tộc đậm nét như: Những cô gái Quan họ, Tình ca trên những công trình mới, Nha Trang thu…
Ông có nhiều sáng tác khắc họa đậm nét hình tượng âm nhạc, tạo ra những vẻ đẹp rất Việt Nam, ngôn ngữ âm nhạc hòa quyện với ca từ dung dị, đằm thắm và kết hợp nhuần nhuyễn giữa tiết tấu âm nhạc dân gian, hiện đại đã để lại dấu ấn cho nhiều thế hệ, lứa tuổi công chúng, trong đó phải kể đến như: Về quê, Hồ trên núi, Huyền thoại hồ Núi Cốc, Một thoáng Tây Hồ, Chảy đi sông ơi, Âm vang Sông Đà, Khát vọng xanh, Trên đỉnh Phù Vân,...
Ngoài ca khúc, nhạc sĩ Phó Đức Phương còn có những đóng góp đáng kể cho nền âm nhạc chuyên nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các sáng tác âm nhạc cho lĩnh vực múa và điện ảnh như: Đứa con nuôi, Những đứa con; âm nhạc cho sân khấu như: Nguồn sáng trong đời – kịch nói; Vách đá nóng bỏng – ca kịch Bài Chòi...
Ông đã xuất bản 6 ca khúc, Phó Đức Phương (Nxb Văn hóa, 1983); Album Audio tác giả và nhiều tác phẩm được in chung trong các tập sách, CD, VCD của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Nhạc sĩ tài hoa ấy đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật năm 2001 cùng nhiều Huân chương, Huy chương khác.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương sáng tác nhiều bài hát nổi tiếng có sức sống lâu bền. Ông đã tạo dựng một sự nghiệp âm nhạc đồ sộ, phong cách âm nhạc Phó Đức Phương có ảnh hưởng lớn đến đời sống âm nhạc. Ca khúc của ông sử dụng ca từ giàu tính triết lý, rất lãng mạn nhưng trí tuệ. Nhiều tác phẩm của ông còn là thách thức để ca sĩ thể hiện tài năng.
![]() |
Bài hát Hồ trên núi được nhạc sĩ Phó Đức Phương lấy cảm hứng trong một chuyến công tác tới hồ Cấm Sơn (Lục Ngạn). Ảnh: Việt Hưng. |
Đến Cấm Sơn, có "Hồ trên núi"
Nhạc sĩ Phó Đức Phương có một sáng tác hay về quê hương Bắc Giang, đó là bài Hồ trên núi. Bài hát được ông viết cách đây gần 50 năm. Đó là vào khoảng năm 1971- 1972, ông cùng đoàn công tác đi thực tế tại huyện Lục Ngạn và đến hồ Cấm Sơn, công trình thủy lợi lớn của tỉnh Bắc Giang (lúc đó là tỉnh Hà Bắc).
Với cảm xúc thăng hoa, ông đã viết bài hát lấy tên là Vịnh cảnh hồ Cấm Sơn, bài được đưa vào nhạc nền bộ phim tài liệu với tên gọi Sông nước quê hương. Sau đó ông đã đổi tên ca khúc thành Hồ trên núi. Bài hát đã được phối âm, thu thanh phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam do ca sĩ Quang Phát thể hiện. Ca khúc rất hợp với giọng ấm áp, trẻ trung nên tên tuổi ca sĩ cũng như bài hát Hồ trên núi nhanh chóng được công chúng biết đến.
Hồ trên núi là một nhạc phẩm hay về đề tài làm thủy lợi, có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa giai điệu âm nhạc và ca từ. Bài hát ngắn gọn, súc tích, dễ thuộc, dễ nhớ, dễ hát và chạm đến trái tim nhiều người. Ông sử dụng điệu thức năm âm rất phổ biến trong dân ca Việt Nam, khéo léo sử dụng hư từ “ới a; hự là” của quan họ; chắt lọc những tinh túy, hồn cốt của chất liệu dân ca Tày, Nùng và H’Mông, Sán Chí, tạo nên giai điệu phấn chấn sông nước và núi rừng... Ca từ bài hát giàu chất thơ, ca ngợi thành quả lao động tạo nên bức tranh thiên nhiên sinh động vùng núi. Giai điệu thể hiện sắc thái, không khí du thuyền trên hồ nước mênh mông, sơn thủy hữu tình: "Nhìn bóng chiều in ngấn nước/Ta nhìn đất trời/Một dòng nghiêng soi/Nghe tiếng rừng nghe tiếng suối/Xôn xang mái chèo/Nhịp đời sinh sôi/Thuyền về mà bến mới ôi a…".
Ngày 19/9/2020, trái tim người nhạc sĩ tài hoa ấy đã ngừng đập sau những tháng ngày chống chọi với bệnh tật. Một con thuyền đã về bến mới, như cánh chim thôi ngóng trời lồng lộng. Dù đã về với cõi "phù vân" nhưng những ca khúc của ông còn sống mãi trong lòng người yêu nhạc.
Nhạc sĩ Tuấn Khương
Ý kiến bạn đọc (0)