Tết này, hàng Việt lên ngôi
Khảo sát thị trường hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng tại các chợ truyền thống ở huyện Lục Nam và các cửa hàng, siêu thị, chợ tại trung tâm bán buôn, bán lẻ của tỉnh là TP Bắc Giang dễ dàng nhận thấy, các mặt hàng có nguồn gốc, xuất xứ trong nước đã khẳng định vị thế, chiếm hầu hết diện tích trưng bày.
Thay đổi từ người tiêu dùng đến doanh nghiệp
Chủ cửa hàng Thuận Tuấn, phố Thanh Hưng, thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam) nhận xét: Hàng Tết năm nay đa dạng, giá chưa có biến động lớn, chủ yếu là hàng trong nước vì hàng từ nước ngoài khan hiếm, giá rất cao do ảnh hưởng của đại dịch.
Năm trước, nhiều loại bánh, kẹo, rượu… của nước ngoài được đưa vào giỏ hoặc làn bày bán sẵn làm quà. “Tết này, chỉ khi khách có yêu cầu cửa hàng mới đưa chai rượu hay gói bánh của nước ngoài vào gói hàng và phải chấp nhận giá cao. Các giỏ hay lẵng quà Tết năm nay đều là hàng của Việt Nam”, chủ cửa hàng giới thiệu.
![]() |
Gian hàng dành cho công nhân tại khu công nghiệp được nhiều doanh nghiệp cung ứng hàng Việt tham gia. Ảnh: Đỗ Quyên |
Trên kệ của các siêu thị: Co.op mart, Vinmart, Big C…, không những hàng Việt chiếm ưu thế, lấn lướt hàng ngoại mà việc sắp xếp, trưng bày cũng được ưu tiên ở tất cả vị trí “bắt” mắt. Big C Bắc Giang có tỷ lệ hàng Việt chiếm hơn 90%; chú trọng bày bán sản phẩm đặc trưng các vùng miền trong cả nước, trong đó có mỳ Chũ, bánh đa nem Thổ Hà… của Bắc Giang; thực hiện chương trình khuyến mại “Thịt lợn tươi không lợi nhuận”, bán mặt hàng này bằng với giá nhập nhằm khuyến khích sử dụng sản phẩm trong nước.
Trong khi đó, Co.op mart không những bày bán hơn 95% hàng trong nước, chỉ khuyến mại đối với một số loại hàng Việt mà còn tích cực tham gia chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” dịp Tết này tại Việt Yên nhằm kích thích người dân và đông đảo công nhân ở các khu công nghiệp sử dụng. “Đài, báo liên tục cảnh báo về thực phẩm không rõ cơ sở sản xuất; chân gà, thịt lợn nhập lậu không an toàn, hại cho sức khỏe. Vì thế gia đình tôi chọn hàng trong nước, có nhãn mác dùng dịp Tết cho yên tâm”, chị Hoàng Thị Thu Hiền ở xã Song Vân (Tân Yên), khách hàng của Big C chia sẻ.
Công ty TNHH Sản xuất TMDV Tiến Thành (TP Bắc Giang) chuyên nhập và cung cấp hàng hóa cho khoảng 6 nghìn điểm, cửa hàng, đại lý bán hàng toàn tỉnh. Dịp Tết Nguyên đán năm nay, DN cung ứng mặt hàng thiết yếu, gồm: Gạo, dầu ăn, đường, bột mì, mứt, gia vị, bánh kẹo, bia…
Với tổng trị giá hơn 100 tỷ đồng. Đáng quan tâm là tỷ lệ hàng do các DN, cơ sở trong nước sản xuất chiếm hơn 95%. Lý giải điều này, Phó Tổng Giám đốc Công ty Hoàng Việt Bách cho rằng, do ảnh hưởng dịch Covid -19, nhiều DN cung ứng khó nhập hàng của nước ngoài. Hơn nữa, tâm lý “sính” ngoại dần thay đổi, người tiêu dùng (NTD) sử dụng hàng Việt nhiều hơn.
Nhiều DN, NTD đều có chung nhận định, nhu cầu dùng hàng Việt ngày càng được ưu tiên nên việc cung ứng cho dịp Tết này tiếp tục chuyển biến rõ nét, khẳng định CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã lan tỏa rộng khắp, đi vào chiều sâu.
Trở thành nhu cầu, thói quen hằng ngày
Theo thông tin từ Ủy ban MTTQ tỉnh (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của tỉnh), qua hơn 10 năm triển khai, thực hiện CVĐ đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, DN và NTD Bắc Giang về hàng Việt. Hằng năm, các cơ quan, đơn vị có nhiều giải pháp thực hiện để CVĐ lan tỏa mạnh mẽ, đi vào chiều sâu.
Huyện Lục Nam là một trong những đơn vị thực hiện tốt CVĐ này. Ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, địa phương đã khuyến khích phát triển sản phẩm chủ lực, đặc trưng gắn với chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Huyện đã xây dựng 5 điểm bán hàng Việt gắn tên gọi “Điểm bán hàng nông sản an toàn” tại các xã: Tam Dị, Nghĩa Phương, Khám Lạng và thị trấn Đồi Ngô.
Trưởng Ban Dân vận – Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Lục Nam Giáp Thị Hải khẳng định, không riêng dịp Tết này mà thời gian qua, nhận thức và hành động của NTD thay đổi; đã quan tâm mua sắm, sử dụng hàng Việt nhiều hơn. CVĐ mang lại hiệu quả rõ nét qua từng năm, từ nhà sản xuất, kinh doanh đến NTD.
Nếu năm 2010, chỉ có 28% NTD Bắc Giang quan tâm, mua sắm hàng Việt thì nay tăng lên hơn 90%; nhóm hàng lương thực, thực phẩm có khoảng 95% NTD lựa chọn sản phẩm nguồn gốc nội địa. (Nguồn: Ủy ban MTTQ tỉnh) |
Tín hiệu vui từ thị trường hàng Việt dịp Tết này còn khẳng định các cơ sở, DN sản xuất và cung ứng hàng trong nước đã chú trọng hơn đến nhu cầu NTD, đưa ra sản phẩm phù hợp thị hiếu, khẩu vị người Việt, được bà con tin dùng. "Chừng nào NTD còn "sính" hàng ngoại thì các DN cung ứng còn kinh doanh hàng nhập khẩu.
Khi người dân quan tâm sử dụng hàng trong nước thì nhà sản xuất, đơn vị kinh doanh phải đáp ứng nhu cầu chính đáng này", ông Hoàng Việt Bách khẳng định. Vì thế, để CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” lan tỏa rộng, bền lâu hơn, trở thành nhu cầu, thói quen hằng ngày của NTD, cần tiếp tục nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước gắn với cam kết bảo vệ quyền lợi của NTD.
Cùng với đó, tăng cường quảng bá, xúc tiến cho các sản phẩm có thương hiệu, nông sản đặc trưng của tỉnh tham gia thị trường trong và ngoài nước; kiểm soát chặt chẽ hàng nhập khẩu, chống buôn lậu và gian lận thương mại, bảo vệ hàng sản xuất trong nước. Đổi mới công tác tuyên truyền để mỗi người dân ưu tiên sử dụng hàng Việt là góp phần làm cho tỉnh Bắc Giang phát triển và đất nước thêm mạnh giàu.
Bảo Khánh
Ý kiến bạn đọc (0)