Thủ tục hành chính số: Gần dân, hiệu quả
BẮC NINH - Từ ngày 1/7/2025, tỉnh Bắc Ninh thực hiện việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc điều chỉnh địa giới hành chính nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực quản lý và chất lượng phục vụ Nhân dân. Tại hai địa phương có mật độ dân cư đông, đặc biệt là đông công nhân các khu công nghiệp cư trú như phường Nếnh và phường Phương Liễu, công tác giải quyết thủ tục hành chính trên quy trình điện tử được triển khai đồng bộ.
Tín hiệu tích cực
Sáp nhập đơn vị hành chính dẫn đến nhiều thay đổi về địa danh, mã đơn vị hành chính, điều chỉnh cơ sở dữ liệu dân cư… Nếu không chuẩn bị kỹ càng, những thay đổi này có thể làm gián đoạn hoạt động tiếp nhận và xử lý hồ sơ thủ tục hành chính. Trước yêu cầu đó, UBND phường Nếnh và phường Phương Liễu đã chủ động phối hợp với các phòng, ban chuyên môn cấp huyện cũ tiến hành rà soát toàn bộ hồ sơ hành chính đang xử lý; cập nhật lại mã đơn vị hành chính mới trên các phần mềm chuyên ngành. Nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng này, ngay sau ngày 1/7 - thời điểm chính thức sáp nhập - việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ điện tử vẫn diễn ra thông suốt, không gián đoạn.
![]() |
Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Nếnh hỗ trợ công dân sử dụng máy bấm số tự động. |
Mới đầu giờ sáng, tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Nếnh (trụ sở UBND phường Nếnh cũ) đã có đông người dân đến thực hiện các dịch vụ công. Ông Ngô Duy Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công phường cho biết: “Phường Nếnh hiện nay được hợp nhất từ 4 phường là: Vân Trung, Quang Châu, Tăng Tiến và Nếnh (cũ) với quy mô dân số khoảng 80.000 người, trong đó, dân số cơ học là công nhân các khu công nghiệp khoảng hơn 20.000 người. Để thuận lợi cho người dân, hiện phường duy trì hai điểm tiếp nhận hồ sơ tại trụ sở UBND của phường Nếnh (cũ) và Vân Trung (cũ). Điểm trực nào cũng được bố trí đầy đủ cán bộ, lực lượng hỗ trợ bà con”.
Vừa lần lượt xử lý hồ sơ, hướng dẫn các công dân khác giải quyết thủ tục hành chính, chị Nguyễn Thị Bích, công chức Văn hóa - Xã hội phường Nếnh vừa cho biết: “Tuy người dân đã bắt đầu quen với việc nộp hồ sơ trực tuyến nhưng nhiều người vẫn cần được hướng dẫn chi tiết. Có người không thành thạo, chúng tôi phải hỗ trợ. Thời gian này phường bố trí thêm đoàn viên thanh niên, công an, nhân viên bưu điện hỗ trợ trực tiếp tại Trung tâm”. Trung bình mỗi ngày, Trung tâm tiếp nhận hơn 300 hồ sơ, trong đó hơn 50% được thực hiện qua phương thức trực tuyến.
Để phục vụ tốt cho người dân, Đảng ủy, UBND phường Phương Liễu (hợp nhất từ phường Phương Liễu (cũ) và phường Phượng Mao) đã đầu tư kinh phí, đẩy nhanh tiến độ thi công cơ sở vật chất Trung tâm Phục vụ hành chính công phường. Hiện nay Trung tâm có diện tích rộng rãi với nhiều trang thiết bị hiện đại. Là phường có đông công nhân sinh sống nên thường xuyên phát sinh hồ sơ thủ tục chứng thực, bởi vậy phường bố trí 3 cán bộ chuyên trách lĩnh vực tư pháp - hộ tịch trực tại Trung tâm để bảo đảm tiến độ xử lý hồ sơ. Công chức Tư pháp - Hộ tịch Nguyễn Tài Độ cho biết: “Những ngày đầu, việc truy cập phần mềm của Bộ Tư pháp có lúc trục trặc nhưng đến nay đã thông suốt. Các hồ sơ nộp qua Cổng Dịch vụ công đều được tiếp nhận, xử lý đúng hẹn”. Ở lĩnh vực này, trong hơn nửa tháng qua, anh Độ tiếp nhận hơn 150 hồ sơ trực tuyến về chứng thực điện tử, xác nhận chữ ký.
Một điểm sáng trong quá trình đưa chính quyền số đến gần với người dân là sự đồng hành của lực lượng bưu điện. Tại quầy hỗ trợ công dân của phường Phương Liễu, chị Nguyễn Thị Phương Oanh, nhân viên Bưu điện chi nhánh Quế Võ kiên nhẫn hướng dẫn người dân từ bước đăng nhập đến nộp hồ sơ trực tuyến. “Chỉ mất khoảng 5 - 10 phút nếu được hướng dẫn đúng. Nhưng nếu người dân tự làm sẽ khá mất thời gian, thậm chí dễ sai sót. Vì thế chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ”.
Tháo gỡ vướng mắc
Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, thực tiễn triển khai cũng cho thấy một số khó khăn cần sớm được khắc phục để việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường số thực sự đi vào chiều sâu. Một trong những vướng mắc lớn là việc thay đổi địa danh hành chính khiến nhiều người dân bối rối trong kê khai hồ sơ, không tìm đúng địa chỉ mới trên hệ thống điện tử.
![]() |
Người dân giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Phương Liễu. |
Lập nghiệp tại phường Phương Liễu, anh Dương Văn Hòa quê ở xã Lục Nam đến Trung tâm Phục vụ hành chính công phường để làm thủ tục thay đổi đăng ký hộ kinh doanh. Anh Hòa chia sẻ: “Mọi người hướng dẫn thì cũng tự làm được nhưng sẽ chậm. Ra đây, tôi được cán bộ hỗ trợ tận tình. Tuy nhiên hệ thống thông tin đăng ký hộ kinh doanh bị lỗi nên mất khá nhiều thời gian mới gửi được hồ sơ”.
Đồng chí Tô Thành Công, Phó Chủ tịch UBND, Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Phương Liễu cho biết: “Trước đây, người dân thực hiện các thủ tục hành chính theo Cổng Dịch vụ công từng tỉnh nên lượng truy cập ít hơn. Nay Cổng Dịch vụ công quốc gia là đầu mối tiếp nhận hồ sơ của cả nước, lưu lượng truy cập lớn nên có thời điểm nghẽn mạng. Với các thủ tục phi địa giới hành chính, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai, đề nghị tỉnh sớm thống nhất danh mục và quy trình cụ thể để thực hiện hiệu quả”.
Một khó khăn không nhỏ là năng lực số của người dân, đặc biệt với người lớn tuổi, công nhân lao động là người dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế. Không ít người vẫn lạ lẫm với nền tảng định danh điện tử VNeID - chìa khóa để truy cập các dịch vụ công hiện đại. Nhiều doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể chưa có thói quen sử dụng các tiện ích số khi làm thủ tục hành chính. Trước thực tế đó, chính quyền hai phường tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, phát tờ rơi tại các nhà trọ, nhà máy; đồng thời phối hợp với tổ công nghệ số cộng đồng, lực lượng công an tổ chức hướng dẫn tập trung tại khu dân cư, khu công nghiệp.
Việc giải quyết thủ tục hành chính theo quy trình điện tử tại phường Nếnh và phường Phương Liễu nói riêng, các địa phương trong tỉnh sau sáp nhập nói chung không chỉ bảo đảm hoạt động thông suốt của chính quyền cơ sở mà còn cho thấy tinh thần chủ động, linh hoạt trong cải cách hành chính. Khi có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, cán bộ, lực lượng hỗ trợ và sự đồng thuận từ người dân thì chuyển đổi số không còn là điều xa vời. Đây là nền tảng để Bắc Ninh tiếp tục cải cách hành chính, chuyển đổi số toàn diện, phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.
Ý kiến bạn đọc (0)