Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: Tăng cường kết nối, giảm chi phí dịch vụ logistics
![]() |
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Bắc Giang. |
Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành. Tại điểm cầu Bắc Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Linh chủ trì; cùng dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị liên quan.
Theo Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), thời gian qua, hệ thống hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư, kết cấu hạ tầng giao thông chuyển biến rõ nét, nhiều công trình lớn, hiện đại được đưa vào khai thác và phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, so với yêu cầu đề ra, hạ tầng giao thông còn thiếu đồng bộ, tính kết nối hạn chế, đặc biệt là liên kết với các trung tâm sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, vùng nguyên liệu, vật liệu với cảng biển, hàng không, đường thủy nội địa thông qua hệ thống đường bộ và đường sắt chưa cao, còn bất cập…
Đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, chỉ số hiệu quả dịch vụ logistics năm 2016 của Việt Nam xếp thứ 64/160 nước. Dù tốc độ phát triển bình quân hằng năm từ 14 - 16% song chi phí logistics của Việt Nam còn cao, mỗi năm chiếm khoảng 21% GDP của cả nước, đứng thứ 4 trong các nước ASEAN. Trong đó, riêng chi phí liên quan đến lĩnh vực GTVT chiếm khoảng 60% tổng chi phí của dịch vụ này. Nguyên nhân là do hiện còn mất cân đối về loại hình vận tải khi chủ yếu tập trung vào đường bộ, chưa có sự kết nối, hỗ trợ lẫn nhau giữa các loại hình, đơn vị. Giữa các doanh nghiệp (DN) cũng chưa có liên kết nối, hợp tác khiến các phương tiện mới chỉ dừng lại ở vận tải hàng theo một chiều đi hoặc về gây lãng phí. Một số khoản chi không chính thức chiếm tỷ trọng lớn gây khó khăn cho loại hình logistics…
Các ý kiến tại hội nghị đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm giảm chi phí, giúp loại hình logistics phát triển hơn, nổi bật như: Tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật theo hướng cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành. Tăng cường kết nối các loại hình vận tải; mở rộng loại hình logistics liên kết với các nước trong khu vực ASEAN, Đông Bắc Á…
Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam kiến nghị, các đơn vị liên quan đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong vận tải, tăng cường kết nối, nâng cao hiệu suất vận chuyển hàng hóa. Về giải pháp đầu tư hạ tầng, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư cho rằng, việc phân bổ 90% tổng nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông hiện nay cho đường bộ là không hợp hợp lý vì loại hình này có chi phí vận chuyển cao nhất. Với tiềm năng, lợi thế như giá rẻ, thuận tiện, kết nối nhiều nơi, ông Cung đề nghị các bộ, ngành cần tập trung chỉ đạo, phân bổ nguồn vốn hợp lý cho đầu tư phát triển cảng biển, đường sông để giảm tải cho đường bộ.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định vai trò quan trọng của logistics đối với nền kinh tế hiện nay, là một trong 12 nhóm ngành được cộng đồng ASEAN ưu tiên hỗ trợ phát triển. Chức năng ngành này không chỉ là giao nhận, vận tải mà còn bao gồm các hoạt động khác như kho bãi, lưu trữ, bao bì, đóng gói, luân chuyển, xử lý hàng hóa... Để logistics phát triển cần thực hiện đồng bộ các các giải pháp giảm chi phí vận hành, nhất là khoản không chính thức đang tồn tại hiện nay.
Thủ tướng đề nghị, Bộ GTVT, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan tiếp tục đổi mới cách làm, nâng cao năng lực cạnh tranh; rà soát, cắt giảm các thủ tục không cần thiết để logistics phát triển. Tích cực quy hoạch, kêu gọi đầu tư các trung tâm logistics có quy mô đủ lớn để kết nối với các nước trong khu vực tại các tỉnh, TP. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng chính sách triển khai các gói tín dụng giúp người dân, DN vay vốn đóng mới tàu biển, xây dựng, mở rộng cảng biển, đường sông, nhà ga vận tải hàng hóa. UBND các tỉnh, TP cần có quy hoạch và sử dụng quỹ đất thích hợp để xây dựng trung tâm phân phối hàng hóa, dịch vụ hậu cảng, kết nối thuận tiện với mạng lưới giao thông quốc gia, các cảng cạn từng bước tạo mạng lưới kết cấu hạ tầng logistics hiện đại.
Hiệp hội DN Dịch vụ logistics Việt Nam, Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam, các hiệp hội ngành hàng liên quan căn cứ quy định của pháp luật, chỉ đạo, định hướng thực hiện nghiêm các cam kết trong thương mại quốc tế, gắn kết giữa DN chủ hàng và DN cung cấp dịch vụ logistics, nâng cao ý thức chủ hàng, tạo cơ sở cho những DN này của Việt Nam tham gia vào nhiều công đoạn trong chuỗi cung ứng với hàm lượng giá trị gia tăng ngày càng cao. Các DN logistics cần chủ động ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại theo xu hướng hình thành ngành logistics trong cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 để nâng cao sức cạnh tranh, chất lượng và giảm giá, phí dịch vụ.
Văn Thương
Ý kiến bạn đọc (0)