Tiêu thụ vải thiều: Chú trọng cả thị trường trong nước và xuất khẩu
Giữ vững chất lượng, thương hiệu
Là vụ thứ ba, hộ anh Ngô Văn Cường, thôn Quất Du 2, xã Phúc Hòa (Tân Yên) trồng vải theo quy trình GlobalGAP, đồng thời anh cũng được giao là nhóm trưởng một mã vùng, hướng dẫn, giám sát quá trình chăm sóc của những hộ trong nhóm. Năm nay, mã vùng trồng do anh Cường phụ trách tiếp tục được lựa chọn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản với diện tích 5 ha.
Anh Cường cho biết: “Sau vụ năm ngoái xuất khẩu thành công vào thị trường Nhật Bản, vải được giá, bà con đều phấn khởi. Hơn nữa, chăm sóc vải không dùng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, đa phần dùng tỏi, ớt phối trộn phun trừ sâu bệnh cho vải khiến chính người trồng yên tâm vì bảo vệ sức khỏe bản thân, cộng đồng. Từ đó đều tuân thủ quy trình, duy trì vùng vải chất lượng, uy tín”. Theo anh Cường, năm nay với hơn một ha vải, gia đình anh dự kiến thu về khoảng chục tấn quả.
![]() |
Cơ quan chức năng của tỉnh kiểm tra việc chuẩn bị thùng xốp phục vụ tiêu thụ vải thiều tại xã Phượng Sơn (Lục Ngạn).
|
Xã Phúc Hòa có vùng vải sớm lớn nhất huyện Tân Yên với hơn 400 ha, chất lượng được khẳng định nhiều năm qua. Ngoài diện tích trồng theo GlobalGAP, đa phần vải được chăm sóc theo quy trình VietGAP. Với sản lượng vải tương đối lớn, bên cạnh thường xuyên khuyến cáo người dân chăm sóc sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, địa phương cũng đôn đốc, quan tâm chuẩn bị vật tư, điều kiện cho mùa vải như: Bố trí khu vực đỗ xe, xây dựng kế hoạch phân luồng giao thông; tổ chức các điểm thu mua; khuyến cáo thương nhân chủ động thùng xốp, đá bảo quản sản phẩm…
Tại huyện Lục Ngạn, với diện tích vải thiều hơn 15,7 nghìn ha (tăng 300 ha so với năm 2021), sản lượng ước đạt gần 96 nghìn tấn. Ngay từ đầu vụ, yêu cầu giữ vững chất lượng, thương hiệu vùng vải luôn được huyện, người dân chú trọng. Trên địa bàn hiện có 10 cơ sở sản xuất thùng xốp, hơn 40 cơ sở sản xuất đá cây công suất lớn. Do đó, Điện lực Lục Ngạn đã cải tạo, nâng cấp hệ thống truyền tải điện, trạm biến áp, đáp ứng nhu cầu sản xuất vật tư của các cơ sở; bố trí lực lượng ứng trực 24/24 giờ, sẵn sàng khắc phục sự cố, bảo đảm cấp điện ổn định cho người dân, DN trong mùa vụ.
Năm 2022, toàn tỉnh có hơn 28,3 nghìn ha vải thiều, sản lượng dự kiến khoảng 160 nghìn tấn, trong đó diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 15.400 ha, GlobalGAP là 82 ha.
|
Ông Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện thông tin: “Chúng tôi đã tuyên truyền, đối với sản phẩm vải thiều xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc trên bao bì nhất thiết phải dùng tiếng Trung Quốc ghi rõ tên hoa quả, nơi sản xuất, đóng gói, tên nhà vườn hoặc mã số đăng ký đã được nước bạn cấp theo quy định. Qua đó, các tổ hợp tác, hợp tác xã và DN thấy được việc sản xuất vải thiều theo hướng hàng hóa bảo đảm chất lượng cao là yêu cầu tất yếu của thị trường, những đơn vị sản xuất thùng xốp đã lưu ý, phân loại từng mặt hàng để phục vụ xuất khẩu cho các thị trường khác nhau”.
Đa dạng cách thức tiêu thụ
Chất lượng vải thiều là yếu tố cốt lõi đã được tập trung quan tâm song nhận định thị trường tiêu thụ năm nay sẽ đối mặt với nhiều khó khăn. Theo Sở Công Thương, phương án tiêu thụ cũng có nhiều đổi mới để thích ứng phù hợp. Năm 2021, vụ vải thiều của tỉnh diễn ra trong bối cảnh Bắc Giang đang là tâm dịch Covid-19 của cả nước.
Với giải pháp linh hoạt, sáng tạo, Bắc Giang vẫn có mùa vải thắng lợi, vải thiều không chỉ xuất khẩu thành công mà còn khai thác tối đa thị trường nội địa, được đông đảo người dân cả nước biết đến.
Theo ông Nguyễn Văn Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương: “Rút kinh nghiệm từ những mùa vải thiều trước, nhất là vụ vải năm ngoái, năm nay, công tác xúc tiến thương mại của Bắc Giang có nhiều cải tiến. Cụ thể, xúc tiến trực tuyến kết hợp trực tiếp với từng thị trường mà không tổ chức chung cùng một hội nghị như trước. Điều này thể hiện sự quan tâm, khai thác chiều sâu ở mỗi thị trường, tăng cường kết nối, thêm cơ hội đưa sản phẩm vào địa bàn, vùng miền khác nhau”.
![]() |
Cán bộ khuyến nông xã Phúc Hòa (bên phải) kiểm tra vải thiều tại vùng được cấp mã số xuất khẩu sang Nhật Bản.
|
Trên cơ sở phân khúc thị trường, tỉnh đã làm việc với Tham tán Việt Nam tại nước ngoài; phối hợp với hãng hàng không hỗ trợ suất bay đặc biệt để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm ở những thị trường cao cấp. Cùng với các ngành, địa phương có sản lượng vải thiều lớn đã chủ động làm việc với đơn vị quản lý cửa khẩu, DN, chợ đầu mối, sàn thương mại điện tử, siêu thị kết nối đưa vải thiều đi muôn nơi.
Tại Lục Ngạn, huyện đã phối hợp với Sở Công Thương thành lập nhiều đoàn khảo sát tại các cửa khẩu của tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh; đề xuất đưa vải thiều vào bữa ăn của công nhân tại các khu công nghiệp lớn ở miền Bắc, phân phối sản phẩm đến công nhân các tập đoàn lớn. Tổ chức đoàn khảo sát thị trường tại khu vực chợ đầu mối miền Nam, miền Tây…
Thực hiện rà soát, tổng hợp danh sách các thương nhân người nước ngoài có nhu cầu đến địa bàn thu mua vải, đề xuất cấp có thẩm quyền cho phép nhập cảnh vào Việt Nam thu mua vải thiều; xây dựng phương án, kế hoạch, tổ chức thực hiện các biện pháp quản lý, giám sát, bảo đảm an toàn cho thương nhân người nước ngoài theo quy định. Đến ngày 3/5, có gần 70 thương nhân Trung Quốc đăng ký nhập cảnh thu mua vải thiều của Bắc Giang.
“Huyện duy trì tổ công tác hỗ trợ tiếp nhận các đơn đặt hàng của các tổ chức, hiệp hội để tư vấn và định hướng phân loại thu mua các dòng sản phẩm từ cao cấp đến bình dân. Chủ động chuẩn bị địa điểm đón tiếp thương nhân, doanh nghiệp, đoàn khách trong và ngoài nước… đến thăm, khảo sát, tìm hiểu vùng sản xuất để tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và xúc tiến thu mua sản phẩm vải thiều Lục Ngạn”- ông Nguyễn Thế Thi nói.
Cùng với giải pháp trên, các huyện: Lục Ngạn, Lục Nam, Tân Yên, Yên Thế, Lạng Giang… quản lý chặt chẽ mã vùng trồng và cơ sở đóng gói trên bao bì sản phẩm, chống các hành vi gian lận thương mại; hạn chế tối đa hiện tượng ép cân, ép giá; tăng giá đột biến các mặt hàng phụ trợ. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân gom hàng, tăng giá đối với các hoạt động phụ trợ như thùng xốp, đá cây, vận tải. Với các giải pháp đồng bộ, Bắc Giang hy vọng tiếp tục đón mùa vải thiều được mùa, được giá.
Bài, ảnh: Trường Sơn
Ý kiến bạn đọc (0)