Tổ công nghệ số cộng đồng: “Đi từng ngõ, gõ từng nhà”
BẮC NINH - Nhằm đẩy mạnh số hóa trong vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương trong tỉnh Bắc Ninh thời gian qua đã tích cực hướng dẫn, hỗ trợ Nhân dân ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính.
Tại phường Song Liễu, ngay khi đi vào vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, Đảng ủy, UBND phường giao Đoàn Thanh niên chủ trì huy động các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng là đoàn viên, thanh niên trực tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của phường để hướng dẫn, giúp đỡ Nhân dân về cách thức, quy trình thực hiện thủ tục hành chính. Lực lượng thanh niên xung kích có từ 5 -7 đồng chí, tùy theo lượng công việc từng ngày, Đoàn Thanh niên sẽ bố trí số đoàn viên phù hợp tham gia trực tại Trung tâm Phục vụ hành chính công để giúp đỡ, hướng dẫn Nhân dân kê khai các tờ khai thủ tục hành chính; nhập thông tin, tra cứu thông tin thủ tục hành chính trên máy tính.
![]() |
Thành viên tổ công nghệ số cộng đồng phường Song Liễu hướng dẫn Nhân dân thực hiện thủ tục hành chính. |
Hằng ngày, chị Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Bí thư Đoàn phường Song Liễu cùng một số đoàn viên, thanh niên trực tiếp có mặt tại trụ sở của phường để đón tiếp, hướng dẫn công dân đến khu vực phù hợp, điền thông tin vào tờ khai thủ tục hành chính. Chị Hương cho biết: “Những ngày đầu do có sự thay đổi về địa điểm, cách thức làm việc nên bà con còn nhiều bỡ ngỡ. Chúng tôi rất sẵn lòng giúp đỡ, góp phần vào việc vận hành bộ máy hành chính hiệu quả”.
Góp sức vào việc vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn chỉ đạo các cấp bộ đoàn toàn tỉnh thành lập 99 đội hình tình nguyện “Kỳ nghỉ hồng” tại các xã, phường, thu hút hơn 4.300 lượt đoàn viên, thanh niên tham gia. Với phương châm "ở đâu cần, thanh niên có", các cơ sở Đoàn đã phối hợp chặt chẽ với các trung tâm phục vụ hành chính công cấp xã, lựa chọn và phân công đoàn viên, thanh niên có kỹ năng công nghệ thông tin trực tiếp tham gia hỗ trợ tại các điểm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính. Bà Nguyễn Thị Liên ở khu phố Y Na, phường Kinh Bắc cho biết: “Tôi có tuổi nên hạn chế trong việc tiếp nhận và ứng dụng công nghệ thông tin. Trước đây tôi thường nhờ con hoặc cháu đưa đi làm các thủ tục hành chính. Gần đây, nghe thông tin phường mới đi vào hoạt động có đội tình nguyện giúp đỡ nên tôi một mình tự đi chứng thực bản sao căn cước công dân và đã được giải quyết nhanh chóng, thuận tiện”.
Sau hợp nhất, toàn tỉnh Bắc Ninh có gần 3.000 tổ công nghệ số cộng đồng với khoảng 19 nghìn thành viên. Các tổ có vai trò quan trọng trong việc đưa công nghệ vào đời sống người dân, thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển kinh tế số tại địa phương. |
Tương tự, tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Tân An, bên cạnh đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của phường còn có lực lượng thanh niên tình nguyện trong màu áo xanh trực sẵn sàng để hỗ trợ Nhân dân. Những nội dung người dân chưa hiểu đều được các bạn trẻ hướng dẫn, giúp đỡ kịp thời. Nhờ đó, việc giải quyết thủ tục hành chính diễn ra suôn sẻ, trung bình mỗi ngày có khoảng 300 hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận và giải quyết.
Việc thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng đã được tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh (cũ) thực hiện theo Công văn 793/BTTTT-THH ngày 05/3/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông. Các thành viên của tổ công nghệ số cộng đồng - nòng cốt là lực lượng thanh niên và cán bộ cơ sở được trang bị kiến thức, kỹ năng - đã thực hiện tốt nhiệm vụ “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người” hiểu và thực hiện 5 nội dung kỹ năng số cơ bản: Sử dụng dịch vụ công trực tuyến; mua sắm trực tuyến; thanh toán trực tuyến; tự bảo vệ mình trên không gian mạng; sử dụng nền tảng số khác tùy đặc thù của địa phương… Qua đó giúp hình thành mạng lưới triển khai, hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn. Các tổ này đã góp phần tích cực vào việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đời sống xã hội. Trước thời điểm hợp nhất tỉnh, cả 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh (cũ) đều thuộc nhóm các tỉnh có chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin cao của cả nước.
Sau hợp nhất, toàn tỉnh Bắc Ninh có gần 3.000 tổ công nghệ số cộng đồng với khoảng 19 nghìn thành viên. Các tổ có vai trò quan trọng trong việc đưa công nghệ vào đời sống người dân, thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển kinh tế số tại địa phương. Sự vào cuộc của các tổ công nghệ số cộng đồng, lực lượng đoàn viên, thanh niên hỗ trợ Nhân dân tại các Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp xã trong những ngày đầu vận hành chính quyền địa phương 2 cấp mang lại lợi ích thiết thực, góp phần bảo đảm lợi ích của Nhân dân. Điều đó khẳng định tính đúng đắn của việc thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng, đặc biệt là vai trò xung kích, tình nguyện của thanh niên trong lực lượng này. Để xây dựng thành công chính quyền số, thiết nghĩ các tổ công nghệ số cộng đồng cần tiếp tục phát huy vai trò, sự hiện diện hơn nữa trong thời gian tới.
Ý kiến bạn đọc (0)