Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Tấm gương ngời sáng truyền động lực phấn đấu
BẮC GIANG - Năm 2013, tôi được đi dự hội nghị toàn quốc sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tại đây, tôi vinh dự được gặp và chụp ảnh với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu.
Ngày 17/5/2013, nhân kỷ niệm 123 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị toàn quốc sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW; biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong 2 năm thực hiện Chỉ thị. Năm ấy, Bắc Giang có hai điển hình được tuyên dương toàn quốc gồm một điển hình tập thể là Huyện ủy Tân Yên và một điển hình cá nhân là tôi.
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh với các đại biểu dự hội nghị toàn quốc sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (tháng 5/2013). Tác giả Trần Thúy Hoàn đứng hàng đầu, ngoài cùng bên phải. |
Khi đó tôi là giáo viên dạy môn Ngữ văn tại Trường THPT Chuyên Bắc Giang. Và tôi là một trong 15 cá nhân vinh dự được báo cáo thành tích nhỏ bé của mình tại hội nghị. Các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã động viên, khích lệ, duyệt rất kỹ bài phát biểu của tôi nhưng tôi vẫn không khỏi hồi hộp. Tôi nhớ tối 16/5/2013, Ban tổ chức hội nghị tổ chức một số hoạt động bên lề, sáng 17/5 đón các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước tới dự, chỉ đạo hội nghị. Lần đầu tiên tôi được gặp trực tiếp, chụp ảnh với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng những đại biểu khác.
Trong ấn tượng của tôi khi ấy, Tổng Bí thư thật giản dị, hiền hòa. Ở đồng chí toát lên vẻ nhân từ, giọng nói ân cần và nụ cười ấm áp. Những điển hình toàn quốc chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay trong thực tiễn cuộc sống để việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh lan tỏa sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, trong xã hội. Tham luận nào cũng đầy tâm huyết, trách nhiệm, thể hiện sự sáng tạo của cấp ủy các địa phương, cơ quan, đơn vị và các cá nhân trong quá trình thực hiện Chỉ thị 03. Tôi thấy thành tích của mình thật nhỏ bé khi hằng ngày đảm nhiệm công việc giảng dạy, bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, cùng với tập thể tổ Văn Trường Chuyên cũng có chút thành tích và được các đồng chí lãnh đạo, đồng nghiệp động viên, xây dựng điển hình. Đứng ở hội nghị toàn quốc, tôi rưng rưng niềm xúc động, biết ơn vô hạn và tự hứa với lòng mình cần nỗ lực nhiều hơn nữa.
Cuộc gặp gỡ với Tổng Bí thư hôm ấy đã truyền thêm cho tôi cảm hứng, động lực để tiếp tục phấn đấu vươn lên. Giờ đây, tôi được sống, làm việc tại một cơ sở giáo dục lý luận chính trị của tỉnh với chức năng, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên cấp cơ sở, tôi thấy mình càng phải nỗ lực để xứng đáng là một cán bộ, đảng viên, giảng viên trường Đảng.
Qua các phương tiện thông tin đại chúng, được đọc và nghe các bài viết, bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi rất thích phong cách nói và viết của đồng chí - luôn vận dụng đúng lúc, đúng chỗ, trúng những câu thơ, câu văn, cách nói hình tượng của văn học nghệ thuật mà tôi cho là không phải người “gốc văn” và có “trường văn hóa” sâu rộng thì không thể “lẩy” được những “ý”, những “tứ” sâu sắc, thâm thúy, thấm thía, thiết tha như vậy. Bởi không gì đi vào lòng người bằng tiếng nói của nghệ thuật, nó tác động không chỉ vào trí óc mà còn lay động cả con tim. Phong cách chính luận ấy cũng là của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Đọc những bài chính luận Tổng Bí thư viết bằng trí tuệ và tâm huyết với Đảng, với nước, với dân, tôi thấy vô cùng cảm phục. Trong “tam bất hủ” của cổ nhân, có lẽ Tổng Bí thư không định “lập ngôn” nhưng theo tôi, những gì đồng chí để lại cho dân tộc, khiến chúng ta cảm nhận được cả cuộc đời của Tổng Bí thư chính là hiện thân của một chí sĩ tu dưỡng theo “tam bất hủ”: Không chỉ “lập đức hành đạo” mà còn “lập công” lớn lao với dân tộc và “lập ngôn” để lại cho đời sau.
Trong niềm tiếc thương sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, xin được nhắc lại câu nói của đồng chí: “Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho có ý nghĩa, để không phải xót xa ân hận vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, vô liêm sỉ; tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!”. Thông điệp đó gợi chúng ta nhớ tới triết lý về ý nghĩa cuộc đời con người của nhân vật Paven Coocsaghin trong tiểu thuyết nổi tiếng “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Nga Nikolai A.Ostrovsky: “Cái quý nhất của con người ta là đời sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để đến khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”. Vô cùng trân trọng và kính yêu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người đã truyền cảm hứng cho chúng tôi hôm nay.
Trần Thúy Hoàn,
Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh
Ý kiến bạn đọc (0)