Từ làng truyền thống đến... thôn thông minh
BẮC NINH - Từ bao đời nay, trong tiềm thức mỗi người, làng quê truyền thống là hình ảnh lũy tre xanh rì rào gió, tiếng chim hót líu lo, con đường bê tông dẫn lối về ngôi nhà ngói đỏ, cha dắt trâu ra đồng, mẹ gánh rau ra chợ bán... Giờ đây, hòa cùng vẻ yên bình ấy là một nông thôn hoàn toàn mới: Nơi người nông dân thao tác điện thoại để làm nông, nơi sản phẩm nông nghiệp được tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử, nơi người dân chỉ cần ngồi nhà cũng được hưởng bao tiện ích.
Làm nông bằng công nghệ
Dưới cái nắng chói chang trưa tháng Bảy, cánh đồng trồng ổi lê của gia đình ông Trần Đình Long, Giám đốc Hợp tác xã tiêu thụ ổi lê Tân Yên ở thôn Lân Thịnh, xã Phúc Hòa (Bắc Ninh) vẫn mát rượi trong làn nước tưới phun sương nhịp nhàng từ hệ thống tưới thông minh. Nở nụ cười mãn nguyện, ông bảo: “Trước kia, tưới tay cả ngày chưa xong. Giờ chỉ cần một thao tác trên điện thoại là cây được tưới đều khắp, tiết kiệm nước mà lại cho hiệu quả cao hơn”.
![]() |
Ông Trần Đình Long (ngoài cùng bên phải) ứng dụng công nghệ số trong sản xuất và tiêu thụ ổi lê. |
Gia đình ông Trần Đình Long có hơn 2.000 gốc ổi lê và 200 gốc vải thiều sớm. Từ năm 2022, nhờ được hỗ trợ 70% chi phí từ địa phương, ông đầu tư hệ thống tưới thông minh trị giá 65 triệu đồng. Hệ thống này cho phép tưới từ xa, cảm biến độ ẩm tự động điều chỉnh lượng nước cần thiết, giúp cây phát triển đồng đều và khỏe mạnh. Trung bình mỗi năm, Hợp tác xã cung ứng ra thị trường từ 200 đến 300 tấn ổi lê, trong đó có các đơn hàng thường xuyên của hệ thống siêu thị lớn như DABACO.
Không chỉ dừng lại ở công nghệ tưới tiêu, người dân Lân Thịnh còn mạnh dạn ứng dụng các phần mềm điện thoại để quản lý sâu bệnh, theo dõi sự sinh trưởng của cây trồng, lập kế hoạch thu hoạch và đặc biệt là phân phối nông sản qua các nền tảng trực tuyến. Những trái ổi lê - sản phẩm đặc trưng mới của địa phương nhờ đó đã vươn ra nhiều tỉnh thành, được người tiêu dùng ưa chuộng bởi chất lượng và hương vị đặc biệt.
Xã Phúc Hòa nổi tiếng với đặc sản vải thiều sớm, là một trong ba địa phương trên cả nước được chọn thí điểm xây dựng mô hình “xã thương mại điện tử” giai đoạn 2023 - 2025. Thôn Lân Thịnh được chọn làm nơi khởi đầu cho mô hình này. Bản đồ số về sản phẩm nông nghiệp địa phương đã được xây dựng, kết nối với các địa danh văn hóa và vùng sản xuất lớn, tạo thành mạng lưới quảng bá, xúc tiến thương mại hiệu quả. Đến nay, gần 200 gian hàng của nông dân trong xã đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử như Postmart, Voso, ShopeeFarm... Không còn cảnh “được mùa, mất giá” hay phụ thuộc vào thương lái, người nông dân giờ đây chủ động tiếp cận, tìm hiểu thị hiếu người tiêu dùng và linh hoạt trong sản xuất. Nhờ đó, thu nhập được nâng cao, thị trường tiêu thụ trở nên ổn định, bền vững hơn.
Không riêng gì ở thôn thông minh Lân Thịnh, các địa phương khác như Khả Lý Thượng (phường Vân Hà), Nam Đồng (xã Hiệp Hòa), Tam Hợp (phường Tự Lạn), Cẩm Xuyên (xã Xuân Cẩm)... cũng đang từng bước “thông minh hóa” nông thôn. Internet phủ sóng rộng khắp từ nhà văn hóa thôn, trạm y tế đến các trường học. Người dân dễ dàng truy cập mạng không dây để cập nhật thông tin, học tập, làm việc từ xa hay liên hệ các dịch vụ công. Trên đồng ruộng, máy cấy, máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu, các cảm biến thông minh theo dõi độ ẩm, dinh dưỡng đất, bệnh lý cây trồng… đã không còn là điều quá mới mẻ. Những công nghệ vốn chỉ thấy ở đô thị hay trong mô hình nông nghiệp công nghệ cao nay đang len lỏi đến từng thửa ruộng nhỏ.
"Số hóa" nông thôn
Không chỉ cải thiện sản xuất, chuyển đổi số còn góp phần nâng cao chất lượng sống ở nông thôn. Người cao tuổi giờ đây có thể sử dụng điện thoại thông minh một cách thành thạo. Họ đọc báo điện tử, xem các chương trình yêu thích như chèo, quan họ, nghe nhạc dân ca, gọi video cho con cháu đi làm ăn xa...
Ứng dụng công nghệ số, giờ đây bên tai người nông dân không chỉ có tiếng sáo diều hay tiếng gà gáy, mà còn là chuông điện thoại nhắc lịch tưới cây, là tin nhắn báo đơn hàng mới từ sàn thương mại, là video call rộn rã tiếng cười của con cháu phương xa... |
Bà Chu Thị Yên, 72 tuổi, sống tại tổ dân phố Khả Lý Thượng (phường Vân Hà) chia sẻ: “Con tôi đi làm ở Đài Loan (Trung Quốc), tuần nào cũng gọi video về, cảm giác như con đang ở ngay bên cạnh. Hồi xưa muốn hỏi thăm nhau phải viết thư chờ cả tháng, giờ chỉ cần một thao tác là thấy mặt nhau rồi”. Những chiếc camera lắp đặt tại nhà cũng giúp con cháu ở xa yên tâm hơn khi theo dõi tình hình người thân từ xa. Việc chăm sóc, gắn kết tình thân được duy trì đều đặn, bất chấp khoảng cách địa lý.
Thay vì phải đến UBND xã, phường để xếp hàng, người dân giờ đây có thể làm nhiều thủ tục hành chính ngay trên điện thoại. Các hệ thống quản lý hồ sơ số, dịch vụ công trực tuyến được triển khai rộng rãi, giúp công việc hành chính minh bạch, giảm thủ tục, tiết kiệm thời gian cho người dân. Đặc biệt, các lớp đào tạo kỹ năng số được tổ chức ở nhiều thôn, xã. Người dân được hướng dẫn sử dụng điện thoại thông minh, truy cập Internet an toàn, biết cách bán hàng online, quảng bá nông sản địa phương; thanh niên khởi nghiệp số từ những sản phẩm truyền thống; phụ nữ nông thôn biết bảo vệ quyền lợi của mình qua mạng, tham gia bình đẳng vào các hoạt động cộng đồng.
Giữa làn sóng công nghệ đang lan tỏa mạnh mẽ, những giá trị văn hóa truyền thống của làng quê vẫn được gìn giữ. Quan họ Bắc Ninh vẫn “vang, rền, nền, nảy”, điệu chèo mượt mà vẫn vang lên dưới mái đình làng, lũy tre xanh vẫn còn đâu đó như biểu tượng của sự bền vững. Nhưng giờ đây, bên tai người nông dân không chỉ có tiếng sáo diều hay tiếng gà gáy mà còn là chuông điện thoại nhắc lịch tưới cây, là tin nhắn báo đơn hàng mới từ sàn thương mại, là video call rộn rã tiếng cười của con cháu phương xa... Từ làng truyền thống đến thôn thông minh là hành trình không chỉ thay đổi hạ tầng, công nghệ mà còn là sự thay đổi tư duy, nhận thức và thói quen của người dân nông thôn. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa cái “gốc” truyền thống và cái “mới” hiện đại, giữa giá trị văn hóa bền vững và sức mạnh của chuyển đổi số. Đó chính là nền tảng để xây dựng những miền quê không chỉ giàu đẹp, văn minh mà còn thông minh và bền vững trong kỷ nguyên số.
Ý kiến bạn đọc (0)