Ưu tiên nguồn lực bảo trì hệ thống đường bộ địa phương
BẮC GIANG - Tháng 9/2023, UBND tỉnh ban hành Đề án nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ địa phương trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024 - 2030. Sau hơn một năm thực hiện Đề án, nhiều tuyến đường được duy tu, sửa chữa, mở rộng, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, thúc đẩy phát triển KT-XH.
Nhiều tuyến đường được sửa chữa, nâng cấp
Theo Đề án nêu trên, đường bộ địa phương gồm có đường tỉnh, đường huyện, đường giao thông nông thôn (đường xã và thôn). Đề án được ban hành là cơ sở để cấp có thẩm quyền quan tâm chỉ đạo, đồng thời tạo sự chủ động trong việc xây dựng kế hoạch bảo trì và tổ chức thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo trì đường địa phương. Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) được giao quản lý, bảo trì các tuyến đường tỉnh. UBND cấp huyện quản lý, bảo dưỡng hệ thống đường huyện và đô thị. UBND các xã, phường, thị trấn quản lý đường thôn, xã.
![]() |
Nâng cấp đường giao thông nông thôn tại xã Hương Lạc (Lạng Giang). |
Khảo sát thực trạng đường giao thông trên địa bàn, năm nay, thị xã Việt Yên quan tâm chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tập trung sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn. Dẫn chúng tôi đi trên tuyến đường trục thôn Mai Thượng, Xuân Hòa, Mai Hạ của xã Hương Mai vừa được bảo dưỡng, nâng cấp, mở rộng, ông Ngô Văn Trình, Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị thị xã Việt Yên cho biết, tuyến đường này dài hơn 1 km. Trước đây, mặc dù đã được cứng hóa nhưng mặt đường chỉ rộng 2,5-3 m. Để giúp người dân đi lại thuận lợi, giữa năm nay, xã Hương Mai đã mở rộng mặt đường lên 3-5 m. Tổng kinh phí đầu tư gần 1,3 tỷ đồng, trong đó ngân sách thị xã hỗ trợ gần 1 tỷ đồng, còn lại là người dân đóng góp.
Không chỉ tuyến đường trên, từ đầu năm đến nay, thị xã Việt Yên có gần 30 tuyến đường giao thông nông thôn được bảo dưỡng, sửa chữa và cứng hóa mở rộng với tổng chiều dài khoảng 26 km như: Đường trục thôn Kim Sơn, xã Tiên Sơn; đường thôn Hà, thôn Núi, xã Việt Tiến; đường thôn Thượng, thôn Hà Thượng, xã Thượng Lan; đường thôn Thiết Nham, xã Minh Đức… Các tuyến đường này phần lớn được cứng hóa, cạp mở rộng lề đường.
Sau hơn một năm thực hiện Đề án, toàn tỉnh bảo dưỡng và sửa chữa định kỳ, đột xuất hơn 14,2 nghìn km đường, trong đó đường giao thông nông thôn hơn 12 nghìn km, đường huyện hơn 1,6 nghìn km, còn lại là đường tỉnh. |
Tương tự, tại huyện Lạng Giang, thực hiện Đề án, năm nay, địa phương đã bảo trì, cải tạo một số tuyến đường huyện đi qua địa bàn các xã Tân Dĩnh, Thái Đào với tổng chiều dài 3,4 km. Tổng kinh phí gần 7 tỷ đồng từ nguồn ngân sách huyện. Theo thiết kế, tuyến đường có nền rộng 4-7,5 m, mặt đường 3-7,5 m; trên tuyến còn lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng. Ngoài ra, địa phương bố trí hơn 5,2 tỷ đồng chỉnh trang một số tuyến đường huyện; cải tạo, nâng cấp đường từ thôn Nhuần, xã Mỹ Hà đi đường tỉnh 295; lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại tuyến đường từ xã Đại Lâm đi xã An Hà và xử lý một số điểm bất cập về an toàn giao thông...
Theo Sở GTVT, sau hơn một năm thực hiện Đề án, toàn tỉnh bảo dưỡng và sửa chữa định kỳ, đột xuất hơn 14,2 nghìn km đường; trong đó đường giao thông nông thôn hơn 12 nghìn km, đường huyện hơn 1,6 nghìn km, còn lại là đường tỉnh.
Bố trí kinh phí bảo trì
Để thực hiện hiệu quả Đề án, Sở GTVT đã phối hợp với Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) tổ chức hội nghị tuyên truyền và tập huấn công tác quản lý bảo trì đường bộ cho lãnh đạo các phòng chuyên môn; lãnh đạo, cán bộ các xã, phường, thị trấn. Đồng thời Sở ban hành 5 nghìn sổ tay hướng dẫn công tác bảo trì đường huyện, đường giao thông nông thôn, trong đó cụ thể hóa các quy định cần thiết liên quan đến công tác quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa đường bộ để các địa phương căn cứ thực hiện.
Cùng với đó, các huyện, thị xã, TP đã xây dựng kế hoạch bảo trì đường bộ và bố trí vốn thực hiện các công trình bảo đảm theo tiến độ đề ra. Năm nay, toàn tỉnh dành hơn 263 tỷ đồng để sửa chữa, bảo dưỡng thường xuyên các tuyến đường. Một số huyện bố trí kinh phí cao như: Sơn Động 32,4 tỷ đồng; Lạng Giang hơn 12,4 tỷ đồng; Yên Dũng 10,3 tỷ đồng... Riêng thị xã Việt Yên bố trí ngân sách hỗ trợ 70% tổng giá trị quyết toán của công trình. Từ đầu năm đến nay, thị xã đã dành gần 7 tỷ đồng hỗ trợ các thôn, tổ dân phố bảo trì đường giao thông nông thôn.
Việc thực hiện Đề án nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ địa phương trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024 - 2030 bước đầu khẳng định hiệu quả. Tuy nhiên, tại hội nghị sơ kết một năm triển khai thực hiện Đề án này do Sở GTVT tổ chức cuối tháng 11 vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, việc bố trí nguồn vốn cho công tác quản lý, bảo trì đường địa phương chưa bảo đảm theo kế hoạch của Đề án. Công tác bảo dưỡng thường xuyên các tuyến đường tại một số địa phương chưa được thực hiện tách rời mà lồng ghép vào các dự án sửa chữa định kỳ, còn tình trạng hư hỏng nhỏ trên đường chưa được khắc phục từ khi mới xuất hiện...
Tỉnh đặt mục tiêu, hằng năm, tất cả các huyện, thị xã, TP bố trí vốn để lập và phê duyệt kế hoạch bảo trì đường bộ; từ năm 2025 trở đi, tối thiểu 30% số xã, phường, thị trấn bố trí vốn và phê duyệt kế hoạch bảo trì đường bộ. Đến năm 2030, 100% các tuyến đường được quan tâm quản lý và có kế hoạch bảo trì đường bộ hằng năm...
Theo ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở GTVT, để hoàn thành các mục tiêu của Đề án, thời gian tới, Sở tập trung kiểm tra, đánh giá chất lượng toàn bộ các tuyến có mặt đường đã hết hạn sử dụng để làm cơ sở sửa chữa định kỳ hoặc cải tạo, nâng cấp. Đồng thời tiếp tục hướng dẫn công tác quản lý, bảo trì đường bộ cho UBND cấp huyện; chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn các hành vi vi phạm đến công trình và hành lang an toàn đường bộ...
Sở đề nghị UBND các huyện, thị xã, TP quan tâm bố trí kinh phí cho công tác quản lý, bảo trì đường huyện, đường đô thị thuộc thẩm quyền quản lý, bảo đảm tối thiểu 10% kinh phí sự nghiệp kinh tế của địa phương hằng năm. UBND cấp xã bố trí kinh phí cho công tác quản lý, bảo trì đường bộ do cấp xã quản lý...
Ý kiến bạn đọc (0)