Bắc Giang: Một bệnh nhân mắc Whitmore xuất viện sau hơn 2 tháng điều trị
Qua khám, xét nghiệm, đánh giá yếu tố nguy cơ, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc bệnh Whitmore. Tại đây, bệnh nhân phải thở máy, chỉ định dùng kháng sinh phối hợp theo đúng phác đồ, theo dõi chặt chẽ, ngăn chặn các ổ nhiễm trùng, không để tiến triển thêm các bộ phận áp-xe, hoại tử.
Các bác sĩ động viên gia đình kiên trì chăm sóc bệnh nhân do bệnh ở thể nặng, sức khỏe tiến triển chậm. Sau 20 ngày, bệnh nhân hết sốt; sau hơn 2 tháng điều trị, bệnh nhân đã khỏe và được xuất viện.
![]() |
Điều trị cho bệnh nhân Tạ Thị Ngợi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang. |
Bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Quốc Tuấn, Trưởng khoa Vi sinh cho biết: Whitmore là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Biểu hiện lâm sàng đa dạng với những triệu chứng như: Lở loét da, sốt cao kéo dài, viêm đường tiết niệu, viêm phổi, suy hô hấp, áp- xe vùng nhiễm trùng, nhiễm trùng máu, suy đa phủ tạng. Dễ nhầm lẫn với các bệnh viêm phổi, nhiễm khuẩn xương khớp, áp-xe cơ, nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu, liên cầu khuẩn, nhiễm khuẩn da mô mềm, quai bị; tiến triển nhanh và có nguy cơ tử vong cao (khoảng 60%) nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, đúng phác đồ.
![]() |
Bệnh nhân Tạ Thị Ngợi cùng các nhân viên y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang. |
Để chẩn đoán chính xác phải lấy mẫu bệnh phẩm là máu, mủ (chọc hút áp-xe) để phân lập và xác định vi khuẩn Burkholderia pseudomallei, làm kháng sinh đồ, chọn phác đồ kháng sinh nhạy cảm với vi khuẩn để áp dụng điều trị.
Được biết, trước năm 2015, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Bắc Giang chưa có đầy đủ trang thiết bị định danh vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây bệnh Whitmore. Từ năm 2015, Dự án “Thiết lập mạng lưới Quốc gia về nghiên cứu chẩn đoán và điều trị bệnh Whitmore tại Việt Nam” của Cộng hòa Liên bang Đức đã tài trợ trang thiết bị xét nghiệm bệnh Whitmore cho 11 bệnh viện trên toàn quốc, trong đó có Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang. Nhờ vậy, căn bệnh này được chẩn đoán chính xác, điều trị hiệu quả. Từ năm 2015 đến nay, trung bình mỗi năm Bệnh viện Đa khoa tỉnh phát hiện 5-6 ca bệnh.
Hiện nay chưa có vắc - xin phòng bệnh Whitmore. Để phòng bệnh, người dân hạn chế tiếp xúc bùn đất, nước, nhất là khi có vết thương hở; sử dụng bảo hộ lao động khi làm việc trong môi trường đất và nước. Nếu nghi ngờ mắc bệnh, cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Trường hợp bệnh mạn tính cần kiên trì điều trị trong thời gian dài.
Minh Thu
Ý kiến bạn đọc (0)