Bắc Ninh: Khôi phục nhanh sản xuất, ổn định đời sống sau mưa bão
BẮC NINH - Bão số 3 không trực tiếp đi vào khu vực tỉnh Bắc Ninh nhưng hoàn lưu của bão đã gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, công trình thủy lợi, nhà ở của người dân. Những ngày qua, cấp ủy, chính quyền các cấp cùng Nhân dân các địa phương khẩn trương khắc phục thiệt hại, sớm ổn định đời sống.
Vệ sinh môi trường, xử lý khẩn cấp sự cố công trình
Do ảnh hưởng của mưa bão, từ chiều 17 đến 22/7, trên địa bàn tỉnh có mưa rào và dông, gió mạnh cấp 5, cấp 6, giật cấp 7; một số nơi như: Sơn Động, Lục Ngạn, Chũ... mưa to gây thiệt hại sản xuất nông, lâm nghiệp, hư hỏng công trình giao thông.
![]() |
Người dân phường Phượng Sơn vệ sinh môi trường sau mưa bão. |
Trong hai ngày 23 và 24/7, Nhân dân ở 46 thôn, tổ dân phố thuộc phường Phượng Sơn đồng loạt ra quân tổng vệ sinh môi trường. Mấy ngày qua, mưa dông khiến nhiều cây xanh bị đổ gãy, xã đã chỉ đạo các thôn, tổ dân phố huy động lực lượng tại chỗ, phương tiện thu dọn hiện trường, chặt bỏ cây bị hư hỏng; vệ sinh môi trường. Cán bộ, hội viên các chi hội người cao tuổi, phụ nữ tổ dân phố Hòa Mục phối hợp hót đất, đá, gạch vữa bị rơi vãi do bức tường rào của sân đình bị đổ.
Nhờ có sự chung tay của các tổ chức chính trị xã hội, chỉ trong thời gian ngắn, các tuyến đường phong quang sạch sẽ trở lại. Tại những thôn, tổ dân phố như Chể, Đồng Giao, Quý Thịnh, Đoàn Kết, chi hội phụ nữ trồng lại cây xanh lấy bóng mát và các loài hoa như: Chiều tím, mẫu đơn, mười giờ dọc tuyến đường khu vực nhà văn hóa thôn, tổ dân phố.
Không riêng phường Phượng Sơn, nhiều phường, xã khác trên địa bàn tỉnh cũng tập trung huy động nhân lực, máy móc cắt tỉa, hạ độ cao của cây xanh trên các trục giao thông, khuôn viên trường học, nhà văn hóa thôn, trụ sở làm việc của các cơ quan. Tại các xã ven đê có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn như: Xuân Cẩm, Hợp Thịnh, Quế Võ, cấp ủy, lực lượng chức năng cùng bà con vớt bèo, nạo vét bùn đất, rác thải trên một số tuyến kênh, cống qua đê; phát quang cỏ dại, cây trồng lấn chiếm trên mái đê.
![]() |
Người dân xã Tuấn Đạo hỗ trợ nhau thu dọn tài sản, hạn chế thiệt hại do mưa bão. |
Với tinh thần chủ động theo phương châm “4 tại chỗ”, các địa phương khẩn trương chỉ đạo, thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn đê điều. Sự cố sạt lở đê bối Trầm Hà, xã Mỹ Thái được phát hiện ngày 7/7 với mức độ sạt lở nghiêm trọng, vị trí sạt ăn vào thân đê từ 1-1,5m.
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, địa phương đã nhanh chóng vào cuộc, huy động nhân lực, ô tô, máy xúc vận chuyển hơn 7.500 m3 đất gia cố thân đê, mặt đê với chiều dài hơn 200m. Đến nay, phần lăn đê phía đồng đã cơ bản hoàn thành, địa phương đang tiếp tục chỉ đạo thi công hoàn thiện phần đắp cốt nền, hoàn trả mặt bằng đường mương cũ.
Các tuyến đường giao thông bị đất, đá sạt lở, làm cản trở giao thông, hư hỏng kết cấu mặt đường và một số công trình phụ trợ đã được các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp khẩn trương vào cuộc thu dọn để các phương tiện lưu thông thuận lợi.
![]() |
Lực lượng chức năng đẩy nhanh tiến độ thi công công trình gia cố đê bối tại xã Mỹ Thái. |
Trên tuyến quốc lộ 279 đoạn qua địa bàn xã Dương Hưu và An Lạc, ĐH84 thuộc địa bàn xã Biển Động và Lục Ngạn có điểm bị sạt lở, mặt đường hư hỏng nặng, ảnh hưởng lớn đến an toàn của các phương tiện lưu thông. Hiện UBND tỉnh đã có phương án bố trí kinh phí thi công khắc phục. Tổng kinh phí đầu tư dự kiến 18,4 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh năm 2025.
Trước đó, trong tháng 5 và tháng 6/2025, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 9 sự cố sạt lở đất, đê điều, công trình thủy lợi. Hiện lực lượng chức năng đã hoành triệt cống đắp đê quai Văn Thai tại K9+680 đê hữu Thái Bình phục vụ chống lũ. Đối với sự cố sạt lở bờ, bãi sông khu vực K8+100-K8+500 đê tả Cầu, xã Hợp Thịnh, hiện đã đắp lăn đê về phía đồng với khối lượng đạt 1.500/3.000 m3 (đạt 50 % kế hoạch). Các sự cố còn lại đã được xử lý giờ đầu và tiếp tục theo dõi.
![]() |
Nhà của một hộ dân ở xã Biên Sơn bị tốc mái. |
Giúp người dân ổn định đời sống, đề xuất cải tạo một số tuyến đê
Mưa dông trong những ngày qua gây nhiều thiệt hại cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, khiến hàng chục hộ dân phải di dời đến nơi ở tạm.
Thống kê chưa đầy đủ từ các xã, phường, toàn tỉnh có hàng trăm con gà bị chết; nhiều diện tích lúa, cây ăn quả bị ảnh hưởng. Nhiều gia đình nằm trong vùng nguy cơ cao bị sạt lở tại xã ven đê như Hợp Thịnh; xã gần kề núi cao như: Tây Yên Tử, Tuấn Đạo, Đại Sơn… phải di dời đến nhà văn hóa, trường học hoặc nhà người thân để ở tạm.
![]() |
Cán bộ xã Yên Thế hướng dẫn ông Phùng Hải Dương, thôn Đền Cô chăm sóc đàn gà sau đợt bị ảnh hưởng của mưa dông. |
Gia đình ông Phùng Hải Dương, ở thôn Đền Cô, xã Yên Thế là một trong những hộ chăn nuôi bị thiệt hại. “Dông lốc đến quá bất ngờ hất tung mái chuồng gà khiến gần 300 con gà nuôi 63 ngày tuổi sắp được xuất bán bị chết, thiệt hại hơn 20 triệu đồng”, ông Dương cho biết. Ngay sau khi trời quang mây tạnh, vợ chồng ông gia cố chuồng trại, rắc vôi bột khử trùng khu vực chăn nuôi để bảo vệ số gà còn lại tránh khỏi nguy cơ dịch bệnh.
Trong đợt mưa bão từ ngày 19 đến 22/7, xã Biên Sơn đã chịu thiệt hại nặng nề, với nhiều công trình dân sinh và trường học bị hư hại. Trường Mầm non bị tốc mái khu trung tâm và lớp học khu lẻ Trại Lửa, Trường Trung học cơ sở Biên Sơn hỏng mái tôn dãy nhà A, B, một số thiết bị điện. Dù đang trong kỳ nghỉ hè, giáo viên các trường đã phối hợp với lực lượng dân quân tự vệ, bộ đội nhanh chóng vệ sinh trường lớp. Toàn xã có 32 hộ bị tốc mái, đổ tường rào, tổng thiệt hại về hạ tầng ước tính hàng tỷ đồng.
Để nhanh chóng khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ, khôi phục sản xuất, kinh doanh, ổn định tình hình Nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng do đợt bão, mưa lũ vừa qua tập trung triển khai các biện pháp cần thiết để giảm thiệt hại, khôi phục sản xuất nông nghiệp, kịp thời tiêu úng, chống ngập bảo vệ diện tích lúa mới cấy, hoa màu và cây trồng có giá trị kinh tế cao. Chỉ đạo khẩn trương rà soát, kiểm đếm, thống kê đầy đủ, chính xác thiệt hại do bão, mưa lũ, kịp thời sử dụng dự phòng ngân sách và các nguồn lực của địa phương để chủ động triển khai các chính sách hỗ trợ các đối tượng bị thiệt hại, nhất là các hộ nghèo, khó khăn, gia đình chính sách, đối tượng yếu thế theo đúng quy định… (Công điện số 120/CĐ-TTg ngày 23/7/2025). |
Theo bà Nguyễn Thị Năm, Bí thư Đảng ủy xã Biên Sơn, cấp ủy, chính quyền địa phương đã thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại, đồng thời phát động toàn xã chung tay khắc phục hậu quả; các thôn và tổ chức chính trị xã hội tích cực hỗ trợ hội viên sửa chữa, gia cố lại nhà cửa. Đến ngày 24/7, các hộ phải di dời đến nơi ở tạm đã trở về nhà. Trong những hộ bị thiệt hại về nhà ở, có hộ bà Lư Thị Bỉ, dân tộc Nùng, ở thôn Nấu Bến thuộc hộ nghèo, hoàn cảnh rất khó khăn, địa phương đã báo cáo với cơ quan chức năng xem xét, sớm có hình thức hỗ trợ.
Tương tự, tại các xã Đại Sơn, Tuấn Đạo, Tây Yên Tử,… người dân đã trở về vệ sinh nhà cửa, ổn định cuộc sống.
Tỉnh Bắc Ninh sau khi sáp nhập có 584,8 km đê từ cấp I đến cấp V, hơn 1,4 nghìn trạm bơm lớn nhỏ; 274 hồ chứa nước; 203 đập dâng; hơn 12,2 nghìn km kênh mương tưới, tiêu. Đây là hệ thống công trình có vai trò hết sức quan trọng phục vụ công tác phòng, chống thiên tai. Tuy nhiên, do nguồn lực của tỉnh còn hạn chế, nhiều công trình thủy lợi, đê điều đã xuống cấp nhưng chưa được đầu tư thỏa đáng.
Để bảo đảm an toàn cho hệ thống công trình, tỉnh đề nghị Trung ương xem xét hỗ trợ tu bổ khẩn cấp sự cố nứt dọc thân đê, tràn cục bộ mặt đê đoạn từ K56+800-K59+300 đê hữu Cầu; đầu tư nâng cấp hệ thống các trạm bơm Vọng Nguyệt 2, Cẩm Bào, Ngọ Khổng, Cống Bún, Thái Sơn 1,2,3, Quang Biểu; nâng cấp tuyến đê tả Cầu và một số hệ thống công trình trạm bơm khác với kinh phí khoảng 3 nghìn tỷ đồng.
Dự báo, thời gian tới thời tiết vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực đến sản xuất, đời sống.
Qua kinh nghiệm ứng phó với mưa lũ những năm trước và cơn bão số 3 vừa qua, tỉnh chỉ đạo ngoài ứng phó nhanh sự cố từ giờ đầu cần tiếp tục phát huy tinh thần chủ động với phương châm “4 tại chỗ”; theo dõi sát sao dự báo thời tiết, nắm chắc tình hình các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, mất an toàn để có biện pháp xử lý sớm, sẵn sàng huy động nhân lực, phương tiện phòng, chống thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Ý kiến bạn đọc (0)