Bông hoa giấy màu xanh
![]() |
Minh họa: Đinh Hương |
Miêu chạy lại, xoa lưng cho bà, bàn tay cô rờ vào từng đốt xương sống nổi. Chẳng biết có bao nhiêu gánh nặng cuộc đời đè lên lưng gầy của bà mà Miêu không nhìn thấy được. Miêu thương cái lưng ấy như thương chính đôi chân tật nguyền của mình.
Cả thân hình bà oằn xuống trước mắt Miêu như một dấu hỏi về số phận cơ cực. Miêu nhớ có lần bà bảo, không biết lúc chết thì nằm trong quan tài kiểu gì. Bà cười mà những nếp nhăn xô dạt vào nhau trên làn da đồi mồi.
Hai bà cháu mở một quán nước nhỏ trước cửa nhà. Bà có nhiều loại nước để bán cho những người đi chợ. Ngoài trà và nước vối là những thức uống quen thuộc mà hàng nước nào cũng có, bà còn có cả trà xạ đen, trà mướp đắng, nụ hoa tam thất được hãm cùng với cam thảo vừa thơm vừa ngọt.
Bà bảo, cuộc sống mà, ngọt ngào xen lẫn đắng cay, uống trà mà như uống hương vị của cuộc đời. Nhiều người đi chợ vào uống nước mà đến trưa quên về vì mải nghe bà kể chuyện.
Miêu cũng mau lẹ mang giỏ hoa giấy đặt lên cái bàn nhỏ, cạnh bàn nước của bà. Đó là những bông hoa giấy đủ các sắc màu được cô tỉ mẩn cắt, dán và tạo hình. Có những bông hoa hồng, hoa cúc, hoa đồng tiền, hoa gạo và cả những loại hoa trong tưởng tượng mà cô tự đặt tên. Trẻ con nhà nghèo thường xin bố mẹ vài nghìn lẻ để mua hoa giấy tặng nhau. Có nhà còn mua hoa giấy về cắm lọ.
* * *
Miêu chỉ biết về mẹ qua tấm ảnh thờ và những câu chuyện chắp nối rời rạc của bà. Mẹ mất vì băng huyết khi sinh Miêu. Hay vì sinh Miêu tật nguyền mà mẹ sốc nên băng huyết. Miêu cũng không rõ nữa. Miêu chỉ thấy đôi chân không lành lặn của mình dường như là nguồn gốc của tất thảy nỗi đau. Bà ngoại đưa Miêu về ngôi nhà nhỏ có cái gác xép với ô cửa bé xíu ở nơi xóm chợ này, ôm ấp Miêu thay vòng tay mẹ.
Bố ở với Miêu được đúng một tháng rồi bảo bà là có người rủ lên mạn ngược làm ăn. Thế là bố đi, kể từ ngày ấy chưa trở về. Ngần ấy năm, mười sáu lần mùa đông về ngang cửa thế này, chẳng biết bố còn sống hay đã chết. Bà cũng nhờ người dò la nghe ngóng. Có người bảo bà cháu Miêu, bố cô chỉ lấy lý do đi làm ăn để bỏ lại đứa con gái tật nguyền. Có người bảo bố cô đi đào vàng bị thổ phỉ giết rồi. Người lại bảo ông ấy đi buôn thuốc phiện bị bắt vào tù.
Miêu chẳng biết thực hư thế nào. Chỉ mong có một ngày, khi mở cửa ra thì bố đứng đó rồi dang rộng cánh tay ôm Miêu vào lòng. Miêu vẽ nên hình hài bố trong tưởng tượng bằng tất cả ước ao của một đứa con thiếu vắng vòng tay cha mẹ.
Cũng chính vì thế, Miêu hay bị chúng bạn bắt nạt, trêu đùa. Biết bao lần, Miêu khóc thầm vì không muốn cho bà biết. Cái gì của Miêu cũng trở thành trò cười cho lũ bạn, nhất là sang năm nay, khi Miêu vào học lớp 10, ở một ngôi trường của thị xã, nơi có rất nhiều con nhà giàu. Đầu tiên là cái tên, khi các bạn cầm danh sách lớp lên thì tất cả ồ à rồi cười ngặt nghẽo trước cái tên chả ra sao của cô: Ngô Mộc Miêu.
Cái tên này xuất phát từ một sự nhầm lẫn của người viết giấy khai sinh. Vốn dĩ mẹ cô vì yêu những bông hoa gạo nên muốn đặt tên con là Mộc Miên, nhưng sau đó, mẹ mất, bà đi làm giấy khai sinh cho cô. Người ta viết nhầm tên cô thành Mộc Miêu mà bà cũng không nhìn rõ vì mắt vốn bị mờ. Đến khi cô vào lớp một, bà mới phát hiện ra sự nhầm lẫn tai hại này. Thế là từ đó, cô cũng mới biết mình là Mộc Miêu. Cô đã khóc cả tuần liền vì phải gắn liền với cái tên xấu xí.
Có một thằng con trai ra dáng con nhà giàu, trông rất là hách dịch tên là Quân đã gào lên, Ngô Mộc Miêu là con mèo gỗ… ăn ngô đấy chúng mày ạ. Cả bọn phá lên cười. Một vài đứa con gái chạy lại vỗ về Miêu. Cổ họng Miêu nghẹn lại, không nói được lời nào. Miêu gục xuống bàn, òa khóc. Buổi học đầu tiên khi cô bước vào trường trung học là cơn mưa nước mắt như thế đó.
* * *
Miêu gấp sách vở lại, cô đã học xong bài để ngày mai kiểm tra khảo sát. Đây là bài kiểm tra đánh giá năng lực đầu vào nên khá quan trọng. Chuông đồng hồ điểm 0 giờ. Nhìn vào trong buồng, đã tắt đèn, chẳng biết là bà đã ngủ hay chưa? Giấc ngủ của bà ít ỏi và chập chờn.
Vài năm nay, Miêu mới ngủ riêng, chẳng qua vì muốn thức khuya học bài và làm hoa giấy mà không muốn làm bà thức giấc. Thời gian đầu cô cũng khó ngủ lắm vì nhớ hơi bà. Hơi bà quyện lẫn với mùi hương của những thức trà, thơm ngọt và nồng ấm. Lúc đó, đôi tay chai sần và gầy guộc của bà thường vuốt ve, xoa dịu đôi bàn chân teo tóp, buông thõng không trọng lượng của Miêu, dỗ Miêu vào giấc ngủ.
Miêu ngồi trong bóng tối, tưởng như hơi của bà đang bao trùm khắp cơ thể và đôi tay bà đang vuốt ve dìu dịu lên đôi chân tật nguyền kia. Miêu thấy mình nhẹ bẫng, như đang bay trong giấc mơ ngàn hoa. Đôi tay cô thoăn thoắt, nhẹ nhàng và khéo léo cắt những mảnh giấy đủ sắc màu, kết thành những cánh hoa rực rỡ. Cô xoắn những sợi thép nhỏ thành cành hoa rồi quấn lớp giấy màu xanh phủ ra bên ngoài, gắn thêm những chiếc lá nhỏ xinh.
Thoắt cái, dưới đôi bàn tay Miêu, những mảnh giấy màu vô tri đã thành những bông hoa đẹp đẽ. Cô nhẹ nhàng cắm những bông hoa giấy vào chiếc lọ được bện từ dây dù với những sợi vằn nâu trầm. Rồi ngủ gục xuống bàn lúc nào không hay. Khi nghe thấy tiếng ho của bà, cô giật mình choàng tỉnh. Trời đã sáng tự bao giờ. Sao không vào giường nằm mà ngủ gục thế kia? Cô ngẩng đầu nhìn bà, cười. Rồi mau chóng dậy dọn dẹp, giúp bà mở hàng.
Một ngày mới lại bắt đầu. Những vòng bánh xe của Miêu lăn dài thành một vệt ban mai.
Buổi sáng đó, cô giáo cho làm bài kiểm tra môn Toán. Miêu chỉ làm bài trong một nửa thời gian rồi ngồi khoanh tay trật tự. Nhưng Quân ngồi bên cạnh thì nhấp nhổm mãi không yên, bài kiểm tra vẫn còn nguyên giấy trắng. Cậu quay sang nhìn Miêu cầu cứu. Nhìn bộ mặt thảm hại lúc này của Quân, Miêu thấy thật đáng đời. Ai bắt xúc phạm Miêu lắm vào, tàn nhẫn với Miêu lắm vào.
Miêu ngồi trong bóng tối, tưởng như hơi của bà đang bao trùm khắp cơ thể và đôi tay bà đang vuốt ve dìu dịu lên đôi chân tật nguyền kia. Miêu thấy mình nhẹ bẫng, như đang bay trong giấc mơ ngàn hoa. Đôi tay cô thoăn thoắt, nhẹ nhàng và khéo léo cắt những mảnh giấy đủ sắc màu, kết thành những cánh hoa rực rỡ. |
Từ khi cô giáo xếp Miêu ngồi chung với cậu, mặc cho bao nhiêu trò nghịch ngợm và trêu đùa của cậu dành cho Miêu, Miêu có thèm đáp lại câu nào nữa đâu. Miêu biết mình chẳng thể nói lại với thằng con trai nhà giàu tinh tướng, ngạo mạn này.
Nên Miêu định quay đi, bỏ mặc cậu ta. Nhưng nghĩ thế nào, Miêu lại không quay đi được. Miêu lúi húi viết lời giải rồi lén lút đưa sang cho cậu ta. Trống ngực Miêu đập thình thịch vì sợ bị cô phát hiện. Còn Quân thì mừng rỡ, nhét tờ giấy Miêu đưa xuống dưới những tờ giấy nháp khác rồi cẩn thận đẩy lên từng chút một để chép.
Hôm sau, lên lớp, cô trả bài kiểm tra luôn. Miêu được 10 điểm, cao nhất lớp, còn Quân được 9 điểm, cao thứ hai. Ra chơi, đâu đó trong lớp lại có tiếng xì xào, con mèo gỗ què chân mà cũng được 10 điểm cơ đấy. Quân vênh mặt, tự đắc, lần sau tao cũng được 10 điểm cho mà coi. Tưởng mày chỉ biết chơi bời, phá quấy, học hành chi… Những tràng cười rộ lên.
Cuối buổi học, Quân quay sang đưa cho Miêu một mẩu giấy nhỏ rồi bước ra cửa lớp. Miêu mở giấy đọc: “Hẹn gặp ở sân trường, chỗ gốc cây hoa sữa đầu nhà A, có việc”. Miêu vò nát mẩu giấy, đút vào túi áo, chờ cho các bạn về hết rồi mới lăn bánh xe đi. Thái độ vênh váo của Quân khi được 9 điểm bài kiểm tra môn Toán khiến Miêu phát ghét. Đúng là không biết xấu hổ mà.
Miêu tới chỗ gốc cây hoa sữa ở sân trường. Vắng lặng, chỉ còn Quân ngồi đó chờ. Từng đợt hoa rơi xuống ào ạt như mưa. Những cánh trắng nhức nhối tỏa hương đến kiệt cùng.
* * *
Chuyện Miêu làm bài cho Quân sẽ diễn ra êm đẹp nếu như không có một ngày, đứa bên cạnh mật báo cho cô giáo chủ nhiệm. Cô đã nghiêm khắc phê bình cả hai bạn trước lớp, yêu cầu viết bản kiểm điểm và mời phụ huynh đến gặp. Miêu cúi gằm mặt, giá đất có kẽ nứt nào cho Miêu chui xuống thì tốt biết mấy. Vậy mà Quân vẫn không biểu lộ cảm xúc gì.
Đôi mắt cứ nhìn trân trân về phía trước mà chẳng rõ là nhìn đi đâu. Miêu không nghĩ lại có ngày mình làm cho bà thất vọng đến thế. Miêu òa khóc, ôm bà xin lỗi. Bà buồn rầu vuốt tóc Miêu, bảo, dù khó khăn đến đâu cũng không được làm vậy, nghe chưa? Miêu gật đầu rồi rúc vào lòng bà, hít hà mùi hương quen thuộc từ những thức trà. Miêu chập chờn đi vào cơn mơ. Khuôn mặt Quân ẩn hiện mờ nhòe sau cơn mưa hoa sữa.
Cô giáo phạt Miêu và Quân trực nhật một tuần. Trong những buổi ấy, hầu như Miêu đều đến sớm còn Quân thì chẳng thấy mặt đâu. Cả lớp lại xì xào, bàn tán, khéo thằng Quân xấu hổ quá nên nghỉ học, chuyển trường rồi. Nó thì việc gì phải xấu hổ, chắc nó cay cú thôi… Miêu nhìn chỗ trống bên cạnh mình, chợt thấy bâng khuâng.
Một buổi sáng, Miêu vừa đến lớp đã được cô giáo thông báo, bố Quân vỡ nợ bị đi tù, nhà bị siết nợ, mẹ Quân thì bỏ đi không thấy đâu. Quân không chịu được cú sốc này đã phải nằm viện.
Nghe đến đó, tự nhiên Miêu òa khóc. Bao nhiêu nỗi căm ghét của Miêu đối với Quân, phút chốc tan biến. Miêu chợt thấy chính mình trong cảnh ngộ hiện tại của Quân. Và chợt thương Quân như thương bản thân mình.
Quân nằm quay mặt vào phía tường trong căn phòng bệnh viện. Quân không đáp lại mặc dù Miêu đã gọi cậu nhiều lần. Miêu mạnh dạn nắm lấy tay Quân. Tớ hiểu cậu đã sốc như thế nào, nhưng cậu đừng buồn nữa, tất cả đều sẽ qua. Nếu cậu không chê thì hãy về ngôi nhà nhỏ của bà cháu tớ, có một cái gác xép nhỏ với một ô cửa nhỏ dành cho cậu. Ô cửa nhìn ra con đường rất xa. Ở đó, một ngày, cậu sẽ nhìn thấy bố mẹ trở về tìm cậu.
Quân từ từ quay ra nhìn Miêu. Khuôn mặt cậu giàn giụa nước mắt. Chẳng thể ngờ, người sau cùng không bỏ rơi cậu lại là Miêu, là người con gái tật nguyền mà cậu đã trêu đùa, xúc phạm.
Miêu rút ra từ trong túi áo một bông hoa giấy màu xanh rồi đặt lên tay Quân.
Truyện ngắn của Nguyệt Chu
Ý kiến bạn đọc (0)