Đồng chí Dương Văn Thái chủ trì buổi thảo luận tại tổ về các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội
![]() |
Đồng chí Dương Văn Thái, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang chủ trì buổi thảo luận. |
Theo Chương trình kỳ họp, các đại biểu thảo luận về: (1) Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT- XH và ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT- XH và NSNN những tháng đầu năm 2022. (2) Phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2020. (3) Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021. (4) Việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017.
Qua nghiên cứu các báo cáo, tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội, các đại biểu trong tổ cơ bản nhất trí với nội dung báo cáo, tờ trình và báo cáo thẩm tra.
Về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện NSNN năm 2021, triển khai dự toán NSNN năm 2022, các đại biểu cơ bản thống nhất với đánh giá tình hình thực hiện dự toán NSNN năm 2021 như báo cáo của Chính phủ và cho rằng, nền kinh tế nước ta đã chịu nhiều ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, sản xuất, kinh doanh đối mặt với rất nhiều khó khăn, chuỗi sản xuất, lao động đứt gãy.
Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, tình hình KT- XH đã đạt được kết quả đáng ghi nhận: 7/12 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức 1,84%, các cân đối vĩ mô cơ bản được đảm bảo.
Về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42. Các đại biểu đánh giá cao nỗ lực và sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, vai trò đầu mối của NHNN. Từ khi có hiệu lực thi hành, qua thực hiện Nghị quyết đã tạo chuyển biến tích cực, thể hiện định hướng, chính sách đúng đắn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, qua đó củng cố niềm tin của xã hội đối với công tác xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD); đóng góp quan trọng vào kết quả triển khai Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế.
Các đại biểu cũng thống nhất cao với sự cần thiết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42, các chính sách xử lý nợ xấu cần được tiếp tục duy trì, trong đó cần nghiên cứu khả năng luật hóa các chính sách trong Nghị quyết số 42 để tạo hành lang pháp lý vững chắc về xử lý nợ xấu.
![]() |
Quang cảnh buổi thảo luận. |
Tham gia ý kiến thảo luận ở tổ, ông Nguyễn Văn Thi, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cơ bản nhất trí với nhận định, đánh giá và ý kiến đóng góp của các đại biểu. Trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động nghiêm trọng của dịch bệnh Covid, việc Chính phủ đẩy nhanh chiến lược tiêm chủng vắc-xin trên diện rộng, kết hợp với thực hiện quyết liệt, đồng bộ, kịp thời các giải pháp phòng, chống dịch, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, các hoạt động kinh tế phục hồi và tăng trưởng, qua đó tác động tích cực đến số thu NSNN năm 2021. Trong bối cảnh như vậy, theo đánh giá của đại biểu, ngành nông nghiệp vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế góp phần tích cực để vượt qua những giai đoạn khó khăn. Đồng tình với 7 giải pháp điều hành NSNN năm 2022, đại biểu cho rằng để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH và NSNN năm 2022 đã được Quốc hội quyết định thì Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm rà soát, đánh giá thực tiễn, tập trung hoàn thiện thể chế như giải pháp trong báo cáo của Chính phủ đã đề ra và kiến nghị điều chỉnh, sửa đổi quy định tại Luật thuế 71 đối với sản xuất phân bón.
Theo đó, đại biểu kiến nghị đưa mặt hàng phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với mức thuế suất hợp lý, nhằm khắc phục tình trạng giá phân bón và các mặt hàng vật tư nông nghiệp tăng cao cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước phát triển sản xuất.
Góp ý kiến vào các giải pháp chủ yếu về thu chi ngân sách năm 2022, đại biểu Trần Văn Tuấn, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục rà soát và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả các gói hỗ trợ khắc phục hậu quả của dịch bệnh Covid theo Nghị quyết 268/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết 42/NQ-CP năm 2020 và Nghị quyết 68/NQ-CP năm 2021 và Nghị quyết 116/NQ-CP năm 2021 của Chính phủ. Đại biểu đề nghị cần rà soát các chính sách hỗ trợ và các đối tượng được hỗ trợ đã phát huy hiệu quả trong thực tiễn ra sao, thực sự phù hợp chưa để kịp thời điều chỉnh chính sách cho phù hợp với thực tiễn, giúp người dân ổn định đời sống, các doanh nghiệp ổn định, phát triển sản xuất, kinh doanh hậu Covid.
Kết thúc buổi thảo luận, đồng chí Dương Văn Thái đề nghị cán bộ chuyên môn tổng hợp ý kiến thảo luận của các đại biểu, gửi tới Tổng Thư ký Quốc hội tiếp nhận, xử lý thông tin.
Xuân Hòa
Ý kiến bạn đọc (0)