Gánh chèo trong nhịp sống đương đại
BẮC NINH - Bắc Ninh từ lâu được định danh là địa phương thuộc một trong “tứ chiếng chèo xứ Bắc” với những gánh chèo, chiếu chèo, làng chèo cổ nức tiếng. Dẫu thời vàng son đã xa nhưng giữa lòng Kinh Bắc hôm nay, tiếng trống chèo vẫn đều đặn ngân vang.
Trống chèo vẫn giục thì thùng
Ngân Cầu (xã Yên Phong) vốn là làng chèo cổ, nay thành khu phố sầm uất nhưng tiếng trống chèo chưa bao giờ ngưng suốt hơn 150 năm qua. Một tối cuối tuần, chúng tôi tìm về nhà văn hóa khu phố Ngân Cầu để cảm nhận tình yêu, sức sống của nghệ thuật chèo. Trong căn phòng nhỏ, những “nghệ sĩ nông dân” say mê luyện tập câu hát, điệu múa. Ông Mẫn Đức Tiến, 74 tuổi, người gắn bó gần 60 năm với chèo làng xúc động: “Dẫu thời thế đổi thay, tiếng trống chèo làng tôi chưa bao giờ tắt. Những năm tháng vàng son, gánh chèo Ngân Cầu đi khắp nơi biểu diễn, có năm ròng rã tháng trời, hết làng này đến làng khác. Hễ nghe tiếng trống chèo giục thì thùng, từ cụ già đến con trẻ ríu rít đi xem, đông vui như trảy hội”.
![]() |
Câu lạc bộ chèo Người cao tuổi tỉnh diễn xướng tại Công viên Nguyễn Văn Cừ (phường Võ Cường). |
Gánh chèo Ngân Cầu từng thành thạo các tích cổ như "Quan Âm Thị Kính", "Trương Viên", "Lưu Bình - Dương Lễ", "Tấm Cám", "Nhị Độ Mai"… Những năm gần đây, Câu lạc bộ chèo Ngân Cầu say sưa tập luyện, biểu diễn thêm nhiều vở mới phản ánh hơi thở đương đại và đạt thành tích cao tại các liên hoan, hội diễn sân khấu không chuyên như vở diễn "Cô gái sông Lam", "Điều đọng lại sau chiến tranh"... Chủ nhiệm Câu lạc bộ Mẫn Đức Tâm chia sẻ: “Câu lạc bộ chèo Ngân Cầu hiện có hơn 30 thành viên, tuổi từ 50 đến ngoài 70. Từ trang phục, đạo cụ, kinh phí hoạt động… đều do các anh chị em tự nguyện đóng góp. Với chúng tôi, giữ chèo cũng là giữ nếp nhà, nếp làng”.
Bắc Ninh có khoảng 30 làng chèo cổ với hơn 500 người tham gia sinh hoạt thường xuyên. Ngoài ra, còn khoảng 80 câu lạc bộ chèo được thành lập mới, quy tụ hơn 1.000 hội viên vẫn đều đặn tập luyện, biểu diễn, lan tỏa tình yêu nghệ thuật. Bên cạnh đó, Nhà hát Chèo Bắc Giang (nay là Nhà hát Chèo Bắc Ninh) đã thực hiện tốt vai trò đơn vị biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp thông qua việc tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật chèo trong và ngoài tỉnh. Qua đó khai thác, bảo tồn, phát triển và truyền bá sâu rộng nghệ thuật chèo truyền thống đến với Nhân dân. |
Ông Nguyễn Văn Nhất, Trưởng khu phố Ngân Cầu khẳng định: “Với người dân nơi đây, những đêm diễn chèo không chỉ là văn nghệ mà là trách nhiệm gìn giữ văn hóa. Cấp ủy, chính quyền luôn tạo điều kiện cho câu lạc bộ hoạt động, hỗ trợ địa điểm, tạo thêm sân khấu cho nghệ nhân truyền lửa”.
Không riêng Ngân Cầu, từ bờ Bắc đến bờ Nam sông Đuống, từ bên này sông Cầu đến bên kia sông Thương, tiếng trống chèo vẫn đều đặn vang lên mỗi dịp hội làng, hội tổng. Hàng trăm người yêu chèo, mộ chèo vẫn ngày đêm í a luyện câu, luyện giọng. Không ít người thuộc lòng từng tích cổ, vẫn đợi chờ xem diễn lại mỗi mùa hội đến. Ở tuổi 70, bà Nguyễn Thị Nhàn, thành viên Câu lạc bộ chèo Quế Võ vẫn đều đặn tập hát, tập múa cùng chị em. Bà tâm sự: “Tôi mê chèo từ bé, yêu cái mộc mạc, tình quê trong từng câu hát, điệu múa. Mỗi lần được hóa thân vào nhân vật, cất lời ca, tiếng hát lòng lại thấy trẻ trung, yêu đời. Với tôi, chèo là duyên, là niềm vui, là cách gìn giữ hồn quê”.
Từ gánh chèo làng đến di sản quốc gia
Bắc Ninh - Kinh Bắc, mảnh đất ngàn năm văn hiến, vốn nổi tiếng với dân ca quan họ, cũng là chiếc nôi của nghệ thuật chèo cổ Việt Nam. Chèo đã bén rễ, nảy mầm và phát triển từ hàng trăm năm trước, trở thành nét văn hóa đặc sắc gắn liền với nếp sống, nếp nghĩ của người dân. Từ rất sớm, những “gánh hát nông dân” đã hiện diện khắp các làng quê Bắc Ninh: Ngân Cầu, Thất Gian, Nga Hoàng, Ngọc Khám, Ngang Nội, Hoàng Mai, Đồng Quan, Tư Mại... Mỗi gánh chèo làng là một “sân khấu nhỏ”, nơi người dân ban ngày cày bừa, cấy hái nhưng đến tối lại thắp đèn tập hát, dựng trò. Những gánh chèo làng với các tích cổ như Quan Âm Thị Kính, Tấm Cám, Lưu Bình - Dương Lễ đã góp phần làm nên diện mạo văn hóa đặc sắc cho vùng đất này.
![]() |
Đoàn chèo Nga Hoàng (xã Chi Lăng) tại Hội diễn Sân khấu không chuyên tỉnh Bắc Ninh năm 2023. |
Giới nghiên cứu đánh giá, nghệ thuật chèo ở Bắc Ninh đã trải qua đầy đủ quá trình từ sơ khai, phôi thai đến khi phát triển thành loại hình “chèo sân đình” đặc sắc. Bắc Ninh không chỉ là “cái nôi” nuôi dưỡng tình yêu chèo trong Nhân dân, mà còn là “lò luyện” những tài năng lớn cho nền nghệ thuật chèo Việt Nam với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, như: Bùi Đắc Sừ, Đào Lê, Trần Văn Thông, Vân Quyền, Đức Bảng, Đức Thủy, Xuân Hinh, Quốc Trượng, Tự Long… Thế kỷ XX, cùng với việc bảo tồn kho tàng chèo cổ, Bắc Ninh còn tiên phong đóng góp những kịch mục mới cho nền sân khấu chèo hiện đại như "Trần Quốc Toản ra quân", "Tuổi trẻ Nguyễn Văn Cừ", "Nguyên Phi Ỷ Lan"…. Những tác phẩm ấy vừa lưu giữ cốt cách truyền thống, vừa phản ánh hơi thở thời đại, đưa chèo gần hơn với công chúng đương thời.
Theo thống kê, Bắc Ninh có khoảng 30 làng chèo cổ với hơn 500 người tham gia sinh hoạt thường xuyên. Ngoài ra, còn khoảng 80 câu lạc bộ chèo được thành lập mới, quy tụ hơn 1.000 hội viên vẫn đều đặn tập luyện, biểu diễn, lan tỏa tình yêu nghệ thuật. Bên cạnh đó, Nhà hát Chèo Bắc Giang (nay là Nhà hát Chèo Bắc Ninh), tiền thân là Đoàn nghệ thuật Chèo sông Thương, được thành lập năm 1959, đã thực hiện tốt vai trò đơn vị biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp thông qua việc tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật chèo trong và ngoài tỉnh. Qua đó khai thác, bảo tồn, phát triển và truyền bá sâu rộng nghệ thuật chèo truyền thống đến với Nhân dân.
Vừa qua, Nghệ thuật Chèo Bắc Ninh chính thức được ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và cùng với các tỉnh đồng bằng Bắc bộ trong hành trình lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại. Đây là một bước tiến dài từ chiếu chèo làng ra thế giới, minh chứng cho sức sống bền bỉ, giá trị nhân văn và khát vọng vươn cao của nghệ thuật chèo Kinh Bắc.
Đi tìm khán giả
Trong thời đại số, với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin và sự bùng nổ các loại hình nghệ thuật biểu diễn, khán giả có rất nhiều sự lựa chọn mới lạ cho đời sống tinh thần. Đó là bài toán khó trong việc đưa các loại hình nghệ thuật truyền thống như chèo đến với công chúng. Nghệ sĩ Nhân dân Tạ Quang Lẫm, Giám đốc Nhà hát Chèo Bắc Ninh thẳng thắn: “Trước đây khán giả đi tìm sân khấu, thì nay sân khấu phải đi tìm khán giả”.
![]() |
Biểu diễn vở chèo “Danh chiếm bảng vàng” do Nhà hát Chèo Bắc Ninh thực hiện. |
Với mục tiêu đó, thời gian qua Nhà hát chèo Bắc Ninh đã có nhiều giải pháp để đưa nghệ thuật chèo đến gần hơn với công chúng, nhất là giới trẻ. "Chúng tôi chủ động sáng tác, lựa chọn và dàn dựng các kịch bản chất lượng, nội dung hấp dẫn, phù hợp với thị hiếu khán giả; đồng thời xây dựng ngân hàng kịch bản mới từ các trại sáng tác, đặt hàng tác giả uy tín. Cùng với đó, tham mưu đưa nghệ thuật chèo gắn với phát triển du lịch, xây dựng các chương trình biểu diễn phục vụ du khách; triển khai đề án “Chiếu chèo Kinh Bắc”, đề án “Đưa sân khấu chèo vào học đường” nhằm truyền dạy làn điệu, trích đoạn cổ cho học sinh, qua đó nuôi dưỡng khán giả tương lai và phát hiện nhân tố mới cho nghệ thuật. Ngoài ra, một giải pháp quan trọng khác là số hóa những vở diễn chất lượng, lan tỏa trên các nền tảng trực tuyến để tiếp cận đa dạng đối tượng khán giả mới", Nghệ sĩ Nhân dân Tạ Quang Lẫm cho biết.
Cũng như bao loại hình diễn xướng dân gian khác, nghệ thuật chèo không sống bằng hoài niệm, mà sống qua trao truyền và bằng sự trân trọng từ khán giả. Việc số hóa các trích đoạn chèo hay để đưa lên mạng xã hội chỉ là bước khởi đầu. Vấn đề là làm sao cho mỗi cú nhấp chuột phải chạm được tới trái tim người trẻ, làm sao để những người trẻ cũng muốn một lần trở về sân đình xem diễn chèo? Những người tâm huyết với chèo đều hiểu rằng, làm mới nghệ thuật truyền thống không chỉ là “chuyển từ chiếu làng lên YouTube” mà phải tìm đúng ngôn ngữ tiếp cận khán giả hôm nay. Đó là những vở diễn hiện đại hóa nội dung, thấm đẫm hơi thở thời đại nhưng vẫn giữ hồn cốt dân gian.
Theo ông Nguyễn Văn Đáp, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thời gian qua ngành đã quan tâm kiểm kê, đánh giá, bảo tồn, truyền dạy, mở rộng “đất diễn” cho các nghệ sĩ chèo. Hằng năm, Bắc Ninh duy trì mở các lớp truyền dạy hát chèo cho những người yêu thích; định kỳ tổ chức liên hoan, hội diễn sân khấu quy mô toàn tỉnh. Đặc biệt, ngành đã tham mưu cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các câu lạc bộ có thêm sân chơi, thổi bùng nhiệt huyết, đam mê trong các thế hệ nghệ sĩ, diễn viên...
Hiện nay, nhiều khán giả trẻ không mặn mà với chèo là thực tế khách quan. Tuy nhiên, vẫn có không ít người trẻ thực sự đắm say với nghệ thuật truyền thống cha ông để lại. Năm 2015, cậu bé Nguyễn Đức Vĩnh (sinh năm 2006, ở Cách Bi, Bắc Ninh) làm “điên đảo” sân khấu Vietnam’s got talent với những trích đoạn chèo: "Thị Mầu lên chùa", "Ông già cõng vợ trẻ đi xem hội", "Xuý Vân giả dại". Năm 2023, tại cuộc thi sáng tác kịch bản tiểu phẩm sân khấu chèo, bài hát chèo do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Bình tổ chức, cây viết không chuyên, tác giả Dương Đức Nghiêm, sinh năm 1986, cán bộ Văn phòng UBND tỉnh Bắc Ninh, xuất sắc giành giải Nhất với bài hát chèo “Thái Bình quê hương tôi”. Một tác giả quê hương quan họ đoạt giải cao nhất trong cuộc thi sáng chèo của tỉnh Thái Bình đã chứng minh tình yêu rất lớn đối với chèo của người Bắc Ninh.
Có thể hôm nay, sân khấu chèo đang phải nỗ lực "tìm đường ra phố", lên các nền tảng số để thu hút khán giả, nhưng khi tiếng hát chèo còn vang trong tâm trí người Bắc Ninh, còn ngân nga đâu đó trong câu hát ru, hòa cùng tiếng trống hội làng… thì nhất định tinh hoa ấy sẽ không bao giờ mất.
Ý kiến bạn đọc (0)