Người canh giấc rừng cò
BẮC NINH - Hơn 30 năm qua, ông Nguyễn Văn Trường (sinh năm 1968) ở thôn Biềng, xã Nam Dương (Bắc Ninh) vẫn lặng lẽ bảo vệ đàn cò đông đúc đến trú ngụ trong khu rừng của gia đình. Dù gặp không ít khó khăn, phải hy sinh lợi ích kinh tế, thậm chí gặp nguy hiểm song bằng tình yêu thiên nhiên, ông Trường đã kiên trì canh giữ khu rừng ấy để cho chim, cò có chốn nương náu an toàn.
Khu rừng của gia đình ông Nguyễn Văn Trường rộng 2,8 ha, trong đó một phần diện tích ông trồng cây ăn quả, còn lại khoảng 1,2 ha là rừng tre, nứa, dẻ, bạch đàn và một số cây tạp tái sinh. Theo ông Trường, từ năm 1993, đàn cò ở đâu bỗng nhiên tụ hợp về cánh rừng của gia đình ông làm tổ, sinh sản, trú ngụ. Ngày ấy, khi lũ chim, cò mới về, gia đình ông cũng thấy chút bất tiện bởi theo tập tính, những con vật phát ra âm thanh, tiếng động xào xạc, lục đục, rồi tiếng bìm bịp, chim cuốc chốc chốc lại vang lên giữa đêm khuya khiến cả nhà thức giấc. Lâu dần thành quen, đến giờ ông cảm thấy những âm thanh, tiếng động ấy trở nên thân thiết, gần gũi.
![]() |
Ông Nguyễn Văn Trường (bên phải) thăm rừng cò. |
“Đất lành cò đậu”, thấy chim, cò về đông, ông Trường phấn khởi lắm. Trò chuyện với chúng tôi, ông nói: “Như duyên trời ban tặng cho tôi, bởi xung quanh có rất nhiều khu rừng nhưng chúng chỉ đến ở vườn của gia đình tôi. Có lẽ, ngoài những bụi tre già rậm rạp, ngay sát đó là một đập nước rộng 6 ha giúp cung cấp thức ăn, nước uống nên là chỗ lý tưởng để chúng chọn đây làm bến đỗ. Cò, vạc tìm đến gửi thân thì mình phải có trách nhiệm bảo vệ chúng và tôi cũng lấy đó làm niềm vui”.
Thế nhưng tháng 9/2024, cơn bão số 3 đã làm gãy đổ nhiều cây, khiến khu rừng trở nên xơ xác, vì thế năm nay lượng cò về làm tổ chỉ đạt khoảng 50-60% so với trước. Ông Trường chia sẻ: “Chim trời cá nước, thích chúng ở, không thích chúng bay đi, ai mà giữ được nhưng tôi vẫn tiếp tục trồng thay thế những cây gãy, đổ. Chỉ tầm 2 năm nữa, số cây này xanh tốt, cò sẽ lại về đông đúc hơn”. Theo quy luật mấy chục năm ông Trường quan sát, cứ vào độ tháng 4, tháng 5, đàn cò sẽ về rừng của ông làm tổ, sinh sản và đến độ tháng 10 khi con non đã trưởng thành, cả đàn sẽ di cư đi tránh rét, trong rừng chỉ còn sót lại một số con già yếu.
Có mặt tại rừng cò của ông Trường vào một ngày tháng 7, chúng tôi chứng kiến những tổ cò chi chít trên cây dẻ, bụi tre. Nhiều loài chim, cò sinh sống, trú ngụ tại đây như: Cò nâu, cò trắng, cò đen, vạc, bìm bịp, cuốc và các loài chim khác. Chỉ tay về phía khoảng rừng cò, chủ nhân của khu rừng cho biết, nếu chỉ vì lợi ích kinh tế đơn thuần, người khác sẽ sử dụng diện tích đó trồng cây lâm nghiệp, cứ sau một chu kỳ 4-5 năm có thể thu về hàng trăm triệu đồng. Với ông Trường, vì môi trường tự nhiên và tình yêu thương dành cho các loài chim trời, mấy chục năm qua luôn sẵn lòng để cả khu rừng ấy nhường chỗ cho cò ở.
Trong ký ức của ông Trường, hơn ba thập kỷ lặng lẽ trông coi rừng cò là chừng ấy năm sống trong nỗi phập phồng lo âu. Mỗi tiếng động lạ giữa đêm khuya đều khiến ông giật mình tỉnh giấc. Ông không nhớ nổi bao lần phải một mình đối đầu với cả nhóm người mang súng vào rừng, lén lút săn bắn lũ cò tội nghiệp. “Tôi lớn tiếng xua đuổi mãi chúng mới đi. Dù vậy, toán này đi, toán khác lại đến rình rập, do ở xa, khi công an xã đến nơi thì chúng đã bỏ chạy. Thậm chí có hôm tôi giằng co với chúng dẫn đến bị thương”.
![]() |
Đàn cò đông đúc về trú ngụ trong khu rừng của gia đình ông Trường. |
Mỗi buổi chiều, ông Trường thường lặng lẽ đứng ngóng những đàn cò đi kiếm ăn xa trở về đậu trắng rừng mới thấy yên tâm. Mấy chục năm sống chung với lũ cò, vạc, ông Trường hiểu hết cả những thói quen, tập tính của chúng. “Lúc cò về tổ thì vạc mới bắt đầu đi kiếm ăn, cò rất thính và sợ ánh sáng, ban đêm thấy có ánh đèn rọi vào, tiếng động lạ, chúng kêu dữ lắm, cứ mỗi lần như thế tôi biết ngay bọn săn cò đã nhảy vào rừng, tôi phải ra thăm rừng ngay”, ông Trường tâm sự.
Sau này khi chuyển về ở ngôi nhà bên ngoài làng, cách rừng cò khoảng 500 m, mỗi khi linh cảm thấy có kẻ xấu vào rừng săn bắt cò ông lại mang đèn pin vào kiểm tra và nhiều lần bắt gặp. Thậm chí có nhiều đêm mưa gió ông một mình khoác áo mưa vào canh rừng cò. Thời gian gần đây, do việc quản lý súng săn của lực lượng công an đã chặt chẽ và tốt hơn rất nhiều nên tình trạng săn bắn chim, cò giảm hẳn. Hơn nữa, ông Trường hiện tham gia lực lượng an ninh, trật tự ở cơ sở nên có nhiều kinh nghiệm và dễ dàng kết nối, tổ chức lực lượng hỗ trợ khi cần thiết. Dù vậy, lúc nào ông cũng luôn đề cao cảnh giác và thường xuyên để mắt đến khu rừng.
Mấy năm trước, đã có lần lực lượng kiểm lâm địa phương hứa sẽ hỗ trợ ông làm một panô giới thiệu về rừng cò, trên đó có ghi quy định, nội quy nghiêm cấm hành vi săn, bắn chim, cò trái phép song đến nay vẫn chưa thực hiện. Điều ông Trường băn khoăn hơn là trước đây, đều đặn hằng năm gia đình được Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng từ việc trông coi, bảo vệ rừng cò song không hiểu vì lý do gì năm nay việc hỗ trợ không còn? Rất mong cơ quan chức năng xem xét tiếp tục có hình thức hỗ trợ công tác bảo vệ thiên nhiên của gia đình ông. Ông Trường cũng đề nghị được hỗ trợ lắp một hàng rào bao quanh rừng bên phía giáp ranh các thôn Cầu Meo, Lâm, Cảnh vì đây là địa bàn các đối tượng săn bắt thường xâm nhập vào rừng cò nên rất khó kiểm soát. Nếu được vậy, việc quản lý rừng cò sẽ hiệu quả và thuận lợi hơn nhiều.
Ý kiến bạn đọc (0)