Giúp lao động có việc làm, bảo đảm an sinh
Vượt mục tiêu đề ra
Bằng nhiều giải pháp tích cực, thực hiện tốt từ khâu dự báo đến kết nối cung - cầu, công tác giải quyết việc làm tại Bắc Giang luôn vượt mục tiêu đề ra. Hằng năm, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) phối hợp với các cơ quan liên quan và địa phương điều tra, nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh, tuyên truyền rộng rãi tới người dân. Đồng thời cung cấp thông tin về nguồn cung lao động cho các nhà đầu tư, các DN để xây dựng kế hoạch tuyển dụng phù hợp với nhu cầu sản xuất, kinh doanh.
![]() |
Trung tâm Dịch vụ việc làm Bắc Giang tổ chức giới thiệu việc làm trực tuyến. CTV. |
Hoạt động định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cũng được chú trọng. Tại Bắc Giang hiện có Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (thuộc Sở LĐTBXH) và 20 DN được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm. Ông Nguyễn Văn Huế, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: Đơn vị tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối việc làm, cập nhật nhu cầu tuyển dụng qua các website, trang mạng xã hội như: Fanpage Sàn giao dịch việc làm Bắc Giang, ứng dụng “Vieclambacgiang”… Căn cứ nhu cầu tuyển dụng của từng DN, Trung tâm xây dựng mô hình liên kết với các cơ sở đào tạo nghề, từ đó giúp các đơn vị tuyển được nhân lực chất lượng, phù hợp, giảm tối đa chi phí và thời gian đào tạo.
Chị Trần Thị Huệ, xã Quế Nham (Tân Yên) cho biết: “Sau nhiều năm làm việc ở miền Nam, đầu năm nay, tôi về quê để ổn định cuộc sống gia đình. Qua bạn bè thông tin, tôi tham gia sàn giao dịch tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Bắc Giang và được tư vấn, giới thiệu công việc, trực tiếp đại diện DN phỏng vấn. Tôi được tuyển làm công nhân tại Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải với thu nhập ổn định, bảo đảm cuộc sống”.
Hằng năm, kết quả giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh luôn vượt mục tiêu đề ra từ 5-10%. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh tạo việc làm cho hơn 85 nghìn lao động, chủ yếu ở các ngành nghề: Dệt may, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử, chế biến gỗ… Trong đó, gần 80 nghìn người làm việc trong nước, còn lại xuất khẩu lao động. NLĐ có thu nhập bình quân khoảng 8 triệu đồng/người/tháng. |
Bên cạnh việc kết nối cung - cầu tại các đơn vị dịch vụ, khâu giải quyết việc làm cũng được các huyện, TP trong tỉnh tập trung thực hiện. Mỗi năm huyện Hiệp Hòa có khoảng 5 nghìn người đến tuổi lao động; hơn 2 nghìn học sinh, sinh viên ra trường, có nhu cầu tìm kiếm việc làm. Cùng đó, xu hướng chuyển dịch lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang công nghiệp đã khiến nhu cầu tìm kiếm việc làm tăng.
Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo phòng chức năng phối hợp với các cơ sở dịch vụ việc làm, giáo dục nghề nghiệp, Huyện đoàn và DN tư vấn học nghề tại các trường THPT; khảo sát nhu cầu học nghề trước khi đăng ký ngành nghề đào tạo, bảo đảm tuyển sinh đúng đối tượng và đúng nghề có nhu cầu học; tăng cường tuyên truyền đến các xã, thị trấn. Nhờ đó, hằng năm, hàng nghìn lao động địa phương được tạo việc làm.
Tăng cường kết nối
Thông tin từ Ban Chỉ đạo công tác giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm tỉnh Bắc Giang (gọi tắt là Ban Chỉ đạo), mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 sẽ tạo việc làm cho hơn 161 nghìn lao động. Riêng năm 2023, phấn đấu giải quyết việc làm cho 32,5 nghìn lao động, trong đó đưa 1.650 người đi làm việc ở nước ngoài.
![]() |
Công nhân trên địa bàn huyện Tân Yên tham gia Ngày hội văn hóa, thể thao. |
UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với các địa phương kết nối với DN tiếp tục tăng cường giới thiệu việc làm cho NLĐ. Đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển sản xuất, chú trọng các dự án có quy mô vừa và nhỏ phù hợp với từng ngành kinh tế, thu hút một số ngành, nghề có nhu cầu sử dụng nhiều lao động về khu vực nông thôn để giải quyết việc làm tại chỗ.
Theo ông Nguyễn Tiến Cơi, Giám đốc Sở LĐTBXH, dự báo thời gian tới, kinh tế thế giới khởi sắc, các DN có thêm nhiều đơn hàng. Do đó, nhu cầu tuyển dụng sẽ ngày càng gia tăng, tạo điều kiện cho NLĐ có việc làm, thu nhập ổn định. Bắc Giang sẽ thường xuyên cung cấp thông tin thị trường lao động cho chủ DN và NLĐ; tăng cường tuyên truyền, định hướng và tư vấn nghề nghiệp, chính sách đào tạo nghề và việc làm sau đào tạo đối với lao động trên địa bàn.
Để NLĐ nắm bắt, kết nối và tìm kiếm được việc làm phù hợp, Sở LĐTBXH chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch, cả trực tiếp và trực tuyến, lưu động. Tổng hợp nhu cầu tuyển dụng của DN trên địa bàn và mời các đơn vị tham dự phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm. Được biết, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phối hợp tổ chức 51 phiên giao dịch việc làm cả định kỳ, lưu động, chuyên đề, trực tuyến với hơn 18 nghìn lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm.
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các huyện có số người trong độ tuổi lao động lớn như: Hiệp Hòa, Yên Thế, Việt Yên, Lục Nam tiếp tục quan tâm, nắm chắc tình hình các DN trên địa bàn; tăng cường thông tin, kết nối cung - cầu lao động của địa phương.
Ông Dương Ngọc Minh, Trưởng Phòng LĐTBXH huyện Yên Thế cho biết: Phòng tiếp tục phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp mở các lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng. Tổ chức các phiên giao dịch việc làm; phối hợp chặt chẽ với DN trong công tác đào tạo nghề cho NLĐ tại đơn vị. Quan tâm rà soát, thông tin về nhu cầu học nghề, tìm kiếm việc làm của NLĐ tại các xã, thị trấn theo định kỳ, có phân loại nhóm tuổi, nhu cầu ngành nghề phù hợp làm cơ sở cho công tác tuyển sinh đào tạo nghề và giải quyết việc làm...
Vi Lệ Thanh
Ý kiến bạn đọc (0)