Thể thao Bắc Ninh: Cộng hưởng sức mạnh, chinh phục đỉnh cao mới
BẮC NINH - Sáp nhập hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh mở ra cơ hội cộng hưởng sức mạnh cho nhiều lĩnh vực, trong đó có thể thao thành tích cao. Với bề dày truyền thống, tiềm năng và nguồn lực dồi dào từ cả hai địa phương, thể thao Bắc Ninh mới đang đứng trước vận hội lớn để chinh phục những đỉnh cao mới, khẳng định vị thế trên bản đồ thể thao quốc gia và vươn tầm quốc tế.
Chiếc nôi của nhiều môn thể thao thế mạnh
Là tỉnh có bề dày truyền thống về phát triển thể thao ở vùng đồng bằng sông Hồng, tỉnh Bắc Ninh (cũ) đã đầu tư bài bản cho một số môn thể thao thế mạnh, trong đó nổi bật là vật, karate, cử tạ... Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh Bắc Ninh là nơi đào tạo nhiều vận động viên tài năng, đóng góp cho các đội tuyển quốc gia. Năm 2024, tỉnh Bắc Ninh có 77 đoàn tham dự các giải thể thao quốc gia, quốc tế, đạt 353 huy chương các loại với 108 Huy chương Vàng, 99 Huy chương Bạc, 146 Huy chương Đồng.
Nhiều vận động viên đạt thành tích cao trên đấu trường quốc tế, trong đó có những gương mặt nổi bật như: Trịnh Văn Vinh (cử tạ) giành vé tham dự Olympic Paris 2024, Đỗ Tú Tùng (cử tạ) giành 1 Huy chương Vàng hạng 55 kg tại giải Vô địch Cử tạ trẻ thế giới; Đỗ Ngọc Linh (vật) giành 1 Huy chương Vàng hạng cân 50 kg nhóm tuổi U20 tại Giải Vô địch thế giới Vật bãi biển…
![]() |
Võ sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy (bục số 1) giành Huy chương Vàng tại Giải Vô địch wushu quốc gia năm 2024. |
Thể thao thành tích cao của tỉnh Bắc Giang cũng có nhiều bộ môn thế mạnh như: Điền kinh, wushu, Jujitsu, đá cầu, cờ vua, cầu lông… Các bộ môn được đầu tư có trọng điểm, gặt hái nhiều kết quả đáng ghi nhận tại Đại hội Thể thao toàn quốc; các giải vô địch quốc gia; SEA Games; một số giải châu Á, thế giới. Có thể kể đến các vận động viên tiêu biểu đã để lại dấu ấn tại các đấu trường lớn trong nước, quốc tế như: Nguyễn Thị Oanh - "Nữ hoàng điền kinh Việt Nam" từng giành nhiều Huy chương Vàng ở các đấu trường quốc gia và SEA Games. Đặc biệt, năm 2023, Nguyễn Thị Oanh lập kỷ lục khi trở thành vận động viên đầu tiên của điền kinh Việt Nam giành 4 Huy chương Vàng cá nhân tại SEA Games 32 ở nội dung chạy 1.500 m, 3.000 m vượt chướng ngại vật, 5.000 m, 10.000 m.
Vận động viên Phạm Tiến Sản giành nhiều Huy chương Vàng môn Duathlon (2 môn phối hợp gồm chạy bộ và đạp xe) ở các kỳ SEA Games. Đặc biệt, các vận động viên trẻ, như: Nguyễn Thị Thu Thủy (wushu), Phùng Mạnh Tú (đá cầu), Lương Hoàng Tú Linh (cờ vua)... tạo dấu ấn đậm nét cho thể thao Việt Nam khi giành nhiều huy chương danh giá ở các giải châu Á và thế giới vài năm gần đây.
Thể thao thành tích cao không chỉ là niềm tự hào của địa phương mà còn là hình ảnh đại diện cho ý chí, sức mạnh và bản lĩnh con người vùng Kinh Bắc. Với nền tảng vững chắc, sự cộng hưởng mạnh mẽ và quyết tâm chính trị cao của tỉnh, thể thao thành tích cao có đầy đủ điều kiện để chuyển mình mạnh mẽ, thực hiện mục tiêu "vươn cao - vươn xa - vươn tầm thế giới", đóng góp nhiều hơn cho thể thao nước nhà. |
Ông Bùi Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh Bắc Giang (cũ) cho biết, hiện đơn vị duy trì đào tạo, tập huấn cho khoảng 250 vận động viên của gần 20 bộ môn. Nguồn vận động viên được tuyển chọn chủ yếu từ các giải phong trào. Ngoài ra, những lớp năng khiếu của các địa phương cũng cung cấp nhiều vận động viên cho đội tuyển của tỉnh. Bên cạnh các môn thế mạnh được duy trì, vài năm gần đây, Trung tâm tham mưu thành lập một số bộ môn mới (Jujitsu, cử tạ…) để mở rộng đối tượng tuyển chọn cũng như tham gia thi đấu ở các giải trong nước, quốc tế.
Việc sáp nhập hai tỉnh là sự kết hợp mạnh mẽ, tận dụng tối đa nguồn lực vật chất, con người để phát triển thể thao thành tích cao. Hiện nay, tỉnh Bắc Ninh mới có lợi thế về hạ tầng thể thao (nhiều nhà thi đấu, tập luyện khang trang) và kinh nghiệm tổ chức sự kiện tầm cỡ quốc tế; truyền thống đào tạo các vận động viên xuất sắc ở những môn thể thao sức bền và thể lực. Sau hợp nhất, tỉnh Bắc Ninh (mới) có thể quy hoạch lại hệ thống trung tâm huấn luyện, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất đồng bộ theo hướng chuyên sâu, liên thông. Đội ngũ huấn luyện viên chuyên gia thể thao của các đơn vị có điều kiện trao đổi chuyên môn, hỗ trợ lẫn nhau trong huấn luyện và thi đấu, nâng cao chất lượng vận động viên theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa.
Nâng cao chất lượng đào tạo, huấn luyện
Để thể thao thành tích cao của tỉnh vươn cao hơn nữa cần những giải pháp đồng bộ; trong đó việc quy hoạch phát triển thể thao thành tích cao theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp đóng vai trò quan trọng. Ông Nguyễn Trọng Bắc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh cho biết: Thời gian tới, Sở tiếp tục nghiên cứu tham mưu với HĐND, UBND tỉnh tiếp tục xem xét sửa đổi, bổ sung một số chính sách đặc thù đãi ngộ đối với huấn luyện viên, vận động viên giành thành tích cao ở các đấu trường lớn.
Huy động các nguồn lực cho công tác xã hội hóa, vận động các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân tài trợ cho thể thao thành tích cao. Xây dựng chương trình đào tạo, nâng cao trình độ huấn luyện viên, vận động viên. Tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X, năm 2026 tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bắc Ninh phấn đấu xếp vị trí từ thứ 8 đến thứ 10 trên tổng số 34 tỉnh, thành phố tham dự.
![]() |
Vận động viên đội tuyển vật của tỉnh Bắc Ninh tập luyện, |
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, giai đoạn tới, tỉnh Bắc Ninh cần tập trung xây dựng chiến lược phát triển thể thao thành tích cao, trong đó xác định rõ các môn thể thao mũi nhọn để đầu tư dựa trên thế mạnh sẵn có của hai tỉnh cũ. Ưu tiên phát triển các môn có khả năng đoạt huy chương tại SEA Games, Asiad, Olympic như: Điền kinh, cờ vua, cầu lông, võ thuật, cử tạ, đá cầu… Cùng đó, đầu tư có trọng điểm cơ sở vật chất và công nghệ huấn luyện. Tích hợp các trung tâm thể thao hiện có để hình thành một số trung tâm huấn luyện cấp vùng đạt chuẩn quốc gia, trang bị công nghệ hiện đại như phòng y học thể thao, phân tích chuyển động, huấn luyện hồi phục…
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, dữ liệu lớn (big data) trong đánh giá, tuyển chọn và theo dõi công tác huấn luyện. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng huấn luyện viên, trọng tài, cán bộ quản lý thể thao theo chuẩn quốc gia và quốc tế. Khuyến khích cử huấn luyện viên đi đào tạo tại các quốc gia có nền thể thao phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Đồng thời, có chính sách đãi ngộ hợp lý nhằm thu hút các chuyên gia giỏi, vận động viên tài năng đầu quân cho tỉnh.
Mặt khác, mở rộng xã hội hóa và hợp tác quốc tế trong thể thao. Huy động sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp trong việc tài trợ huấn luyện, tổ chức giải đấu và xây dựng cơ sở hạ tầng thể thao. Hợp tác với các câu lạc bộ thể thao quốc tế, các trường đại học thể thao uy tín để trao đổi nhằm nâng cao chất lượng vận động viên, huấn luyện viên và kinh nghiệm tổ chức. Xây dựng cơ chế, chính sách hấp dẫn nhằm thu hút tài năng trẻ...
Trong tương lai gần, thể thao Bắc Ninh có thể trở thành nơi đào tạo những vận động viên đỉnh cao, tổ chức những giải đấu tầm cỡ và là điểm đến thể thao chuyên nghiệp của cả nước. Thể thao thành tích cao không chỉ là niềm tự hào của địa phương mà còn là hình ảnh đại diện cho ý chí, sức mạnh và bản lĩnh con người vùng Kinh Bắc. Với nền tảng vững chắc, sự cộng hưởng mạnh mẽ và quyết tâm chính trị cao của tỉnh, thể thao thành tích cao có đầy đủ điều kiện để chuyển mình mạnh mẽ, thực hiện mục tiêu "vươn cao - vươn xa - vươn tầm thế giới", đóng góp nhiều hơn cho thể thao nước nhà.
Ý kiến bạn đọc (0)