Bắc Ninh: Tăng cường phòng, chống bệnh dại
BẮC NINH – Trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận một trường hợp tử vong do bệnh dại tại xã Nhã Nam. Ngành y tế đã triển khai nhiều biện pháp giám sát, tiêm phòng, tuyên truyền để kiểm soát nguy cơ lây lan trong cộng đồng.
Bệnh nhân tử vong là ông Đ.H.B 62 tuổi, trú tại tổ dân phố Lao Động, xã Nhã Nam. Theo báo cáo dịch tễ, ông B từng nhiều lần bị chó cắn, trong đó lần gần nhất là khoảng ba tháng trước khi phát bệnh nhưng không xử lý vết thương và không tiêm huyết thanh, vắc-xin phòng dại.
![]() |
Tiêm vắc-xin phòng dại cho bệnh nhân bị động vật cắn tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật số 2 (ảnh tư liệu). |
Ngày 15/7, bệnh nhân có biểu hiện hoảng loạn, kích thích, sợ nước, sợ gió, nói lảm nhảm và hành động bất thường. Bệnh nhân được chuyển tuyến điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Tại đây, mẫu bệnh phẩm cho kết quả dương tính với vi rút dại. Bệnh nhân tử vong vào tối 16/7/2025 tại nhà riêng.
Điều tra dịch tễ cho thấy con chó gây ra vết cắn thuộc một hộ gia đình ở xã Phúc Hòa, chưa được tiêm phòng và đã bị bán đi sau hơn một tháng theo dõi. Vợ bệnh nhân Đ.H.B cũng bị chó cắn nhưng đã tiêm huyết thanh và vắc-xin kháng dại ngày 16/7/2025 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Hiện chưa ghi nhận thêm trường hợp nào phát bệnh, tuy nhiên nguy cơ vẫn hiện hữu tại cộng đồng.
Ngay sau ca tử vong, Sở Y tế Bắc Ninh đã ban hành công văn khẩn yêu cầu tất cả các đơn vị y tế trong tỉnh nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại. Hai đơn vị: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật số 1 và số 2 được giao nhiệm vụ giám sát chặt chẽ tình hình dịch tễ, lập danh sách người bị chó, mèo cắn chưa tiêm phòng để can thiệp kịp thời.
Các trung tâm y tế, trạm y tế tăng cường tuyên truyền tại cộng đồng, hướng dẫn người dân xử trí đúng cách khi bị chó, mèo cắn và không sử dụng thuốc Nam thay thế. Đồng thời, phối hợp rà soát các trường hợp bị động vật cắn trong 3 tháng gần nhất để tư vấn tiêm phòng, đặc biệt là tại xã Nhã Nam và Phúc Hòa - hai địa bàn có nguy cơ cao.
Sở Y tế cũng chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường phát hiện sớm tại khoa cấp cứu, nội thần kinh, xử trí đúng và tư vấn tiêm phòng kịp thời. Các điểm tiêm chủng bảo đảm đủ vắc-xin và huyết thanh kháng dại, chủ động báo cáo ca phơi nhiễm.
Ý kiến bạn đọc (0)