Nguy cơ từ mua thực phẩm qua mạng
Nở rộ kinh doanh thực phẩm qua mạng
Cuộc sống bận rộn, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều người lựa chọn mua thực phẩm hằng ngày qua mạng. Đáp ứng nhu cầu đó, mạng xã hội có rất nhiều địa chỉ cung cấp thực phẩm tươi sống hoặc đã qua sơ chế, nấu chín. Chỉ cần một vài thao tác đơn giản trên ứng dụng của điện thoại thông minh, đồ ăn, thức uống sẽ được “ship” đến tận nhà. Với phương thức này, khách hàng tiết kiệm thời gian mua sắm, chế biến, đồng thời mang đến cơ hội phát triển kinh doanh cho nhiều người.
![]() |
Người dân phường Thọ Xương (TP Bắc Giang) chọn mua thực phẩm qua mạng. |
Ngoài thực phẩm của các doanh nghiệp sản xuất, có nhiều mặt hàng bán qua mạng được chế biến thủ công tại gia đình. Chị Nguyễn Thúy Lan, phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang) kể: “Tôi thường mua một số đồ ăn như: Ruốc, xúc xích, mắm tép qua mạng của người quen hoặc có khi mua để ủng hộ bạn bè, người thân vừa mới mở bán online. Phần lớn là sản phẩm tự làm không có tem nhãn, hạn sử dụng”.
Mua hàng qua mạng, khách hàng chỉ cần gọi đến số điện thoại lưu sẵn, nhiều khi không biết địa chỉ cụ thể ở đâu là được cung cấp nhanh các loại đồ uống chế biến sẵn như: Trà chanh, sinh tố hoa quả hoặc các món ăn nhanh như chân gà chua cay, bánh khoai, bánh pizza, giò luộc. Chị Đồng Thị Thúy, phường Lê Lợi (TP Bắc Giang) thường xuyên gọi đồ theo hình thức này cho biết: “Đồ ăn, thức uống gọi “ship” chẳng biết pha chế thế nào, nguyên liệu có bảo đảm an toàn không mà tôi chỉ dựa vào cảm giác, nếu ngon miệng lần sau gọi tiếp, không ưng thì lần sau chuyển qua gọi chỗ khác”.
Nhiều người tiêu dùng lựa chọn rất kỹ càng khi mua thực phẩm ở chợ nhưng khi đặt qua mạng lại dễ dàng tin vào lời giới thiệu của người bán về nguồn gốc nhà làm, nhà trồng, nhà nuôi. Vì không kiểm chứng được nên chất lượng tùy thuộc may rủi. Theo chị Nguyễn Thị Hoa ở phường Hoàng Văn Thụ, chị thường mua ruốc thịt lợn từ một địa chỉ quảng cáo trên Facebook nhưng có lần mặn, lần nhạt, khi thơm ngon, nhưng cũng có khi phải bỏ.
Khó kiểm soát chất lượng
Ông Nguyễn Văn Thể, Chi Cục trưởng Chi cục ATTP tỉnh cho biết: “Trong quá trình chế biến, nấu nướng tự phát ở các hộ kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ thường không có sự giám sát, kiểm tra của cơ quan chức năng nên vẫn có tình trạng các phương tiện, điều kiện, nhiệt độ bảo quản, thời gian vận chuyển chưa bảo đảm an toàn, thậm chí không được bảo quản trong những thiết bị vận chuyển chuyên dụng theo quy định về ATTP, có thể nhiễm vi sinh vật, vi khuẩn gây bệnh”.
Theo thông tư hướng dẫn của Bộ Công Thương quy định về quản lý hoạt động thương mại điện tử qua ứng dụng trên thiết bị di động, người bán hàng trên mạng xã hội, cá nhân không phải đăng ký với ngành công thương nhưng phải cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin về tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại; thông tin về hàng hóa. |
Qua rà soát của Sở Y tế, toàn tỉnh có hơn 31,2 nghìn hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm quy mô gia đình, nhỏ lẻ. Trong đó còn 19% số hộ chưa được công nhận sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Chất lượng sản phẩm chỉ được người bán hàng cam kết… bằng miệng, không kiểm chứng được, vì vậy rủi ro đẩy về phía người sử dụng.
Thực tế, việc kiểm soát mặt hàng bán trên các trang mạng xã hội gặp khó khăn khi có nhiều tài khoản rao bán thực phẩm chỉ là khâu trung gian nhận “ship” hàng, không có cửa hàng, kho lưu trữ sản phẩm, địa chỉ cụ thể. Khi có khách đặt thì lấy hàng giao trực tiếp nên cơ quan chức năng khó tìm được người kinh doanh, không thu được hàng hóa.
Hiện nay, việc quản lý các cơ sở kinh doanh quy mô nhỏ lẻ qua mạng thuộc trách nhiệm của UBND cấp xã. Qua tìm hiểu phần lớn các xã, phường, thị trấn chưa rà soát, thống kê đầy đủ số người kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, nhất là số người kinh doanh qua mạng lại càng khó nắm bắt. Trong khi đó, công tác kiểm tra ATTP ở tuyến xã chủ yếu kiêm nhiệm, chưa có nhân lực chuyên ngành, thiếu dụng cụ, thiết bị xét nghiệm hiện đại nên không có căn cứ xác định chất lượng thực phẩm.
![]() |
Sản phẩm bánh tự làm chào bán trên mạng. |
Trước thực tế này, BCĐ liên ngành về ATTP tỉnh yêu cầu sự vào cuộc quyết liệt của Cục Quản lý thị trường, Chi Cục ATTP tỉnh và Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản qua việc thường xuyên kiểm tra chất lượng thực phẩm lưu thông trên thị trường dưới tất cả các hình thức bán hàng, trong đó chú trọng kênh bán hàng qua mạng, nhất là trong thời điểm giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Dịp này, BCĐ ATTP cấp xã thường xuyên rà soát, kiểm tra, chấn chỉnh vi phạm tại cơ sở thực phẩm nhỏ lẻ, tập trung vào các cá nhân, hộ kinh doanh sản phẩm tự làm.
Thực hiện chỉ đạo của BCĐ liên ngành về ATTP, Sở Thông tin và Truyền thông đang phối hợp với Sở Công Thương; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường quản lý việc mở các trang quảng cáo, chào bán thực phẩm trên mạng. BCĐ ATTP các huyện, TP yêu cầu cơ sở kinh doanh thực phẩm online phải công khai giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP để khách hàng được biết. Khi đặt hàng online, người tiêu dùng nên chọn sản phẩm có tem nhãn, hạn sử dụng, được sản xuất ở những cơ sở có thương hiệu uy tín.
Ý kiến bạn đọc (0)