Nhân Ngày Khí tượng thế giới 23/3: Bảo vệ dòng chảy, giảm tác động tiêu cực
Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 3 con sông chính chảy qua là sông Thương, sông Lục Nam và sông Cầu. Các sông cùng với hệ thống sông suối nhỏ, ao, hồ, kênh mương cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh. Tuy nhiên, những năm gần đây, dòng sông cũng như kênh mương, ao hồ nhiều thời điểm bị ô nhiễm bởi rác, nước thải.
![]() |
Năm 2019, lũ sông Lục Nam dâng cao bất thường trong thời gian ngắn do một phần nước từ thượng nguồn đổ về. Ảnh tư liệu. |
Dễ dàng nhận thấy rác thải nổi lềnh bềnh trên các dòng sông. Dọc chiều dài sông Thương, túi ni-lông rải rác lập lờ xuất hiện. Đặc biệt, trong thời điểm xảy ra dịch tả lợn châu Phi, sông, kênh mương thường xuyên có xác lợn kèm theo mùi xú uế nồng nặc. Đó còn chưa kể nước thải, chất thải từ một số nhà máy đổ trực tiếp xuống.
Hiện người dân các xã: Đồng Phúc, Yên Lư, Tư Mại... của huyện Yên Dũng hay Quang Châu (Việt Yên) đang bức xúc bởi sông Cầu, đoạn qua địa bàn thường xuyên có màu đen đặc, bốc mùi khó chịu. Nước sông Cầu đổi màu, ô nhiễm bởi tiếp nhận nước sông Ngũ Huyện Khê (bắt nguồn từ huyện Đông Anh, Hà Nội chảy qua tỉnh Bắc Ninh) bị ô nhiễm chảy vào.
Ngày Khí tượng thế giới năm 2020 có chủ đề “khí hậu và nước” nhằm hướng đến mục tiêu toàn cầu về sự phát triển bền vững, thực hiện thông qua các hoạt động cộng đồng; ngăn ngừa, giảm thiểu rủi ro thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên nước của mỗi quốc gia. |
Trên kênh tưới, tiêu thủy lợi cũng có rác ứ đọng ở hạ lưu các sông, bể hút các trạm bơm, cống, kênh dẫn. Thực trạng này gây tắc nghẽn dòng chảy, khiến nước tưới đôi lúc không cung cấp kịp thời cho ruộng đồng hoặc trạm bơm phải “chờ” nước khi tiêu úng. Tại nhiều xã miền núi, nơi có sông, suối chảy qua cũng trong tình trạng tương tự. Sau mỗi đợt nước lũ lên rồi xuống thì rác thải vương khắp cành cây, bụi cỏ ven bờ, ghềnh đá.
Từ năm 2011 đến nay, ngành chức năng của tỉnh đã kiểm tra, xử phạt 162 cơ sở vi phạm về xả thải và nhiều trường hợp đổ rác không đúng quy định.
Thực tế, tại nhiều quốc gia trên thế giới, việc bảo vệ các dòng sông được quan tâm nhưng ở nước ta nói chung và tỉnh Bắc Giang nói riêng, hiện nay các dòng sông đang phải oằn mình “chở” vô số thứ, nhiều nhất là rác thải, nước thải. Nguyên nhân là do việc vứt rác ra đường hoặc nơi công cộng xuống sông, suối rất phổ biến. Một bộ phận người dân chưa quan tâm bảo vệ môi trường, vẫn còn tâm lý “sạch mình, bẩn người”.
Ngoài ra, có trường hợp khai thác khoáng sản khiến lòng sông bị thu hẹp đến quá nửa do bùn thải. Ở một số hàng, quán trên vỉa hè, người kinh doanh vô tư đổ đồ ăn thừa, nước rửa chén, bát xuống cống rãnh khiến nước thải bị ứ đọng. Bên cạnh đó, một phần là do sự quản lý, kiểm soát của các cơ quan chức năng thiếu chặt chẽ, xử lý chưa dứt khoát các trường hợp vi phạm về xả rác, đổ thải.
Vì các nguyên nhân trên mà môi trường nước, nhất là dòng chảy đang bị ô nhiễm. Hệ lụy kéo theo là gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Dòng chảy thủy văn trên các sông, suối theo đó thay đổi, khó khăn khi tính toán lượng nước, môi trường nước trên sông.
Qua số liệu tính toán từ năm 2008 đến nay, chế độ thủy văn do tác động của môi trường trên ba con sông lớn (Cầu, Thương, Lục Nam) của Bắc Giang thay đổi rõ rệt. Cụ thể, lũ diễn biến trái quy luật và có thời gian về rất nhanh. Lượng dòng chảy thủy văn bình quân năm thấp hơn trung bình nhiều năm do lượng phù xa bồi lắng nhiều. Đây là một trong những nguyên nhân khiến công tác dự báo thủy văn gặp trở ngại.
Được biết, mỗi năm ngân sách các cấp trong toàn tỉnh dành khoảng 35-55 tỷ đồng cho hoạt động bảo vệ môi trường, tuyên truyền, thực hiện các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. Người dân được phổ biến kiến thức, vận động bảo vệ môi trường sống “xanh - sạch - đẹp”. Để môi trường không bị ô nhiễm, dòng chảy không bị ảnh hưởng, ngoài những giải pháp trên cần thường xuyên tuyên truyền về việc giữ gìn vệ sinh, môi trường đến người dân.
Người dân cần nhận thức rõ, bảo vệ môi trường là bảo vệ môi trường sống của chúng ta. Cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm các trường hợp xả nước thải, chất thải trái phép ra môi trường. Tích cực trồng và bảo vệ rừng, ngăn chặn lũ ống, lũ quét. Làm được như vậy sẽ chung tay bảo vệ nguồn nước, môi trường cũng như hạn chế tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn ra khốc liệt hơn.
Hà Việt Hùng
Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bắc Giang
Ý kiến bạn đọc (0)