Nhân rộng đám cưới văn minh, tiết kiệm
Mới đây, chú rể Triệu Tiến Lâm và cô dâu Đặng Thị Múi ở thôn Gà, xã Vân Sơn (Sơn Động) đã tổ chức đám cưới theo mô hình văn minh, tiết kiệm. Với một địa bàn đa phần là đồng bào dân tộc Dao sinh sống, nhiều thủ tục còn lạc hậu thì đám cưới không cỗ bàn linh đình như thế này quả là một… sự kiện.
Đám cưới được diễn ra trong không khí trang trọng, giản dị. Cô dâu, chú rể mặc trang phục dân tộc Dao, được lãnh đạo xã trực tiếp trao giấy đăng ký kết hôn. Gia đình, bạn bè, hàng xóm đến chung vui, uống nước, ăn bánh kẹo, giao lưu văn nghệ. Gia đình chỉ làm 30 mâm cỗ mặn trong nội bộ dòng họ, đầm ấm mà tiết kiệm, vui vẻ.
Tại Lục Ngạn, gia đình ông Nguyễn Văn Tính và bà Bùi Thị Sửu, thôn Lường, xã Hồng Giang cũng vừa tổ chức đám cưới cho con trai theo hình thức văn minh, tiết kiệm. Đám cưới diễn ra trong một ngày, gia đình chú rể làm 40 mâm cỗ (giảm khoảng một nửa so với những đám cưới trên địa bàn), không dựng rạp lấn chiếm lòng đường.
Không riêng Sơn Động, Lục Ngạn, vào mùa cưới, nhiều địa phương đã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân thực hiện cưới văn minh, tiết kiệm.
Có thể thấy, dù tổ chức tiết kiệm song các đám cưới vẫn thực hiện đầy đủ các nghi lễ của một đám cưới truyền thống, trang trọng và đầm ấm; được đa số người dân đồng tình hưởng ứng.
Việc cưới hỏi là việc hệ trọng, là việc trăm năm của con trẻ nên nhiều gia đình dù muốn hay không tâm lý chung đều muốn tổ chức cho chu đáo, bằng anh bằng anh. Với những nhà có điều kiện thì còn đỡ, nhiều gia đình khó khăn cũng cố gắng vay mượn, thậm chí sĩ diện khi làm cỗ linh đình, mời đông anh em bạn bè, họ hàng; để rồi gánh nặng nợ nần lại chồng lên đôi vợ chồng trẻ. Sau đám cưới là mối nợ, mối lo âu.
Đi dự đám cưới điểm, đám cưới văn minh, tiết kiệm, nhiều người thấy hài lòng, nhẹ nhàng, vui vẻ bởi cỗ bàn mời ít, khách đến là họ hàng thân thiết nên thoải mái, chứ không phải đến để “trả nợ miệng”, đến điểm danh là xong. Tuy vậy, số gia đình và các cặp vợ chồng trẻ lựa chọn tổ chức như thế này lại không nhiều.
Có lẽ, rất cần tăng cường, vận động, thậm chí có hình thức khích lệ, biểu dương những gia đình tổ chức đám cưới tiết kiệm. Bởi mưa dần thấm lâu, một hai nhà làm được thì nhiều nhà sẽ làm, một dòng họ làm được sẽ nhiều dòng họ làm và lớn hơn, là các làng, xã, khu phố cùng làm. Và như thế, đám cưới mới thật sự là ngày vui, ngày hạnh phúc, ngày đáng nhớ của đôi vợ chồng trẻ và gia đình, chứ không phải chuỗi ngày lo âu vì cỗ bàn, khách mời, thậm chí cả nợ nần mất vui.
Ý kiến bạn đọc (0)