Nhớ anh Đào Trọng Ca - người sành chơi quan họ
Mặc dù biết anh Ca phải chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo nhưng vẫn thấy anh đi làm, trên trang cá nhân facebook, zalo của anh thỉnh thoảng vẫn có clip cùng bạn bè ca hát vui vẻ yêu đời nên khi nghe tin anh về cõi vĩnh hằng vào sáng sớm 2/3/2021 anh em bè bạn không khỏi bàng hoàng.
![]() |
Anh Đào Trọng Ca (thứ hai bên trái) cùng lãnh đạo huyện Việt Yên tiếp khách quốc tế tại làng Thổ Hà, xã Vân Hà (Việt Yên). Ảnh: Hoàng Thương. |
Gửi lời tiếc thương anh, nhà báo Đoàn Cảnh Mạnh, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Bắc Giang, viết: “… Vĩnh biệt người có thể chơi cả trăm làn điệu dân ca quan họ, kho tàng sống của đất quan họ”. Nhà báo Nguyễn Trường, Báo Xây Dựng: “Thương tiếc anh, một người đã luôn nói hộ hồn quê Việt Yên”. Nhà báo Trần Hồng Minh, Báo Bắc Giang, chia sẻ: “Thật bất ngờ và thương tiếc anh. Dù chỉ gặp đôi lần nhưng vẫn rất ấn tượng về tấm lòng nhiệt thành của anh…”
Hầu hết những nhà văn, nhà báo đi thực tế ở Việt Yên viết mảng văn hóa thì đều gặp và ấn tượng về Đào Trọng Ca. Một người luôn đau đáu việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Anh vừa là “kho tàng sống” ngồn ngộn tư liệu lại cộng thêm lòng nhiệt thành, hiếu khách, chất giọng trời ban nên anh dễ dẫn dụ người ta cùng say đắm với cái việc anh làm, với câu ca anh hát.
![]() |
Anh Đào Trọng Ca (phải) và tác giả tại chùa Bổ Đà (Việt Yên). |
Đại tá, nhà văn Nguyễn Hữu Quý, cộng tác viên thân thiết của Báo Bắc Giang đã nhiều lần về Việt Yên, cảm nhận: Ðào Trọng Ca vốn là một người ca quan họ nổi tiếng. Tự nhiên, sôi nổi, Ca truyền vào tôi cái chất đắm đuối mê say của dòng quan họ bằng những câu chuyện, câu hát về quê hương mình. “Người chơi quan họ, Ca nói với tôi thế. Chao ơi, một cuộc chơi tự nhiên, công phu đầy nghĩa tình nhân văn đằng đẵng kéo dài từ thế hệ này sang thế hệ khác, trọn những kiếp người níu náu dùng dằng với nó” – nhà văn Nguyễn Hữu Quý viết.
Thế nào là người sành chơi quan họ? Có lần tôi hỏi Nghệ nhân Ưu tú quan họ Nguyễn Đăng Nam, người làng Thổ Hà (Việt Yên), bạn đồng niên với anh Ca. Anh Nam bảo, người sành chơi quan họ không chỉ hát hay, biết nhiều làn điệu mà phải hát được nhiều bài cổ. Anh Ca đúng là người như thế. Anh đắm say và truyền cảm hứng về tình yêu quan họ, là “bà đỡ” của nhiều câu lạc bộ dân ca trong huyện, mình và Ca ngày càng thân thiết nhau vì lẽ đó.
Tôi sinh ra ở làng chèo Hoàng Mai, nay thuộc thị trấn Nếnh, chỉ cách nhà anh Ca vài cây số, thuộc không gian quan họ Bắc sông Cầu. Tôi cũng yêu thích quan họ nhưng chỉ đến khi gặp anh Ca và hai Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Phú Hiệp, Nguyễn Đăng Nam người làng Thổ Hà tôi mới hiểu thêm về “cái tình của người quan họ”.
Cái tình ấy chính là điều cảm nhận của anh Nam về anh Ca. Cái tình ấy là "trọng nhau vì nghĩa, mến nhau vì tài". Cái tình ấy được nâng niu, gìn giữ, trở thành "lời ăn nết ở", cốt cách người quan họ. Cái tình ấy tạo nên sức sống cho quan họ hàng trăm năm qua và lan tỏa sinh động trong cuộc sống hôm nay.
Có một bài hát không phải dân ca quan họ nhưng sáng tác về vùng quan họ mà nhạc sĩ “ưng” chất giọng Đào Trọng Ca nhất. Đó là bài “Rượu làng Vân”, nhạc Tuấn Khương phổ thơ Anh Vũ (Tác phẩm xuất sắc, Hội nhạc sĩ Việt Nam 2009). Nhạc sĩ Tuấn Khương “ưng” vì, Ca hiểu vùng đất, con người nơi ấy nên truyền tải ca từ, giai điệu có hồn, sâu sắc, rất thăng hoa.
Tôi đã nhiều lần nghe anh Ca hát “Rượu làng Vân”. Bằng tấm lòng của người con quê hương anh tự sự về người làng mình, hồn cốt của quê mình từ nghìn đời, anh cứ nhẩn nha, nhẩn nha như muốn để người nghe nhớ, rồi ngẫm: “Tôi là ai, em là ai... mà ngây ngất nồng nàn. Hóa ra quê hương là bao điều ta đã thấy… mà không thể cầm... mà không thể… như em... như men ấm làng Vân ...”
Sinh ra từ vùng đất quan họ, trong gia đình yêu ca hát nên đã thấm vào Ca. Tình yêu ca hát ấy anh muốn truyền cho các em nhỏ nên trước khi làm công tác quản lý văn hóa đã có gần chục năm anh làm thầy giáo dạy nhạc ở trường tiểu học. Vợ anh là cô giáo, anh chị có một con trai đã lập gia đình.
Một mái nhà ấm áp, luôn đầy ắp tiếng hát tiếng cười từ nay thiếu vắng anh; anh em bạn bè, đồng nghiệp mất đi một người tâm huyết với công tác quản lý văn hóa, say sưa truyền lửa tình yêu văn hóa, nghệ thuật ở vùng văn hóa đặc sắc bên bờ Bắc sông Cầu. Anh đột ngột ra đi là sự mất mát lớn của gia đình, người thân và bạn bè, đồng nghiệp. Một nén tâm nhang xin đưa tiễn anh về cõi vĩnh hằng an giấc nghìn thu.
Trần Đức
Ý kiến bạn đọc (0)