Nông nghiệp thời công nghệ số
Ứng dụng công nghệ hiện đại
Nhiều người không khỏi ấn tượng khi đến thăm mô hình trồng cây, nuôi cá tuần hoàn tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ, xã Quế Nham, huyện Tân Yên (Bắc Giang). Trên những giá thể, rau ăn lá xanh tốt, quả bầu, cà chua sai lúc lỉu, mỡ màng. Cạnh đó là hai bể dung tích gần một nghìn lít nước nuôi cá chép, trắm, rô đầu vuông.
![]() |
Ứng dụng máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân tại xã Quảng Minh (Việt Yên). |
Trên nắp bể có khay đựng thức ăn và hệ thống điện tử tự động kết nối với điện thoại thông minh. Vì thế, dù không có mặt tại khu sản xuất nhưng vẫn có thể cho cá ăn bằng cách nhấn nút thả thức ăn bảo đảm đủ thành phần, đáp ứng nhu cầu sinh trưởng của vật nuôi. Ngoài ra, thiết bị như máy bơm, đồng hồ hẹn giờ, sục khí… cũng được cài đặt tự động.
Anh Chu Thanh Sơn, cán bộ phụ trách mô hình lý giải: Đây là công nghệ tích hợp tuần hoàn khép kín dòng nước nuôi cá mật độ cao với trồng rau quả không sử dụng đất, không sử dụng phân bón, không sử dụng thuốc trừ sâu, không có chất thải. Rau quả được trồng trên sỏi, đá. Do không có đất nên môi trường trồng rau quả khá sạch, cỏ dại cũng như các loài sâu bệnh không phát triển được.
Toàn bộ nước thải từ nuôi thủy sản, sau khi loại bỏ thức ăn thừa được chuyển sang trồng trọt không đất, trở thành dưỡng chất nuôi cây, được các hệ vi sinh và hệ thực vật ở đây xử lý, làm sạch. Sau đó, nước ngược trở lại cấp đầu vào cho nuôi thủy sản. Nhờ vậy cây trồng, vật nuôi đều khỏe mạnh, sinh trưởng tốt. Từ thành công bước đầu, hiện anh Sơn đang lắp đặt mô hình này cho một số hộ dân trên địa bàn tỉnh.
Luôn năng động, sáng tạo trong sản xuất, Hợp tác xã (HTX) Sản xuất rau sạch Yên Dũng, xã Tiến Dũng (Yên Dũng-Bắc Giang) thường xuyên tìm tòi, áp dụng kỹ thuật mới để có được hiệu quả cao. Theo đó, vùng sản xuất hơn chục ha được tưới bằng công nghệ Israel. Phần mềm cài đặt nắm được độ ẩm, nhu cầu nước của từng cây, khoảnh rồi báo về trung tâm điều khiển.
Trên cơ sở đó, cán bộ kỹ thuật sẽ nhấn nút tưới cây thông qua máy tính. Chị Nguyễn Thị Trang, nhân viên HTX chia sẻ, trước đây phải mất nhiều giờ chúng tôi mới có thể tưới hết phần diện tích này. Từ khi áp dụng công nghệ tưới hiện đại giúp HTX giảm được thời gian, công lao động và nhất là sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
Ngoài hai mô hình trên thì việc lần đầu tiên tại xã Quảng Minh (Việt Yên-Bắc Giang) trình diễn công nghệ thông minh ứng dụng máy bay không người lái để phun tưới phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) cho cây trồng cũng khiến nông dân không khỏi bất ngờ. Thuốc BVTV sau khi được pha chế trong bình sẽ được lắp đặt vào máy bay và nông dân chỉ việc đứng một chỗ điều khiển, máy bay sẽ tự động tưới theo công nghệ phun sương.
![]() |
Mô hình sản xuất rau mầm an toàn tại phường Xương Giang (TP Bắc Giang) cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Thành Đạt |
Ông Đỗ Văn Bảo, thôn Khả Lý Thượng, xã Quảng Minh nói: “Không ngờ những phương tiện hiện đại này lại được đưa vào ứng dụng tại đồng đất quê hương. Chúng tôi vui lắm, mong một ngày chính mình được vận hành nó”. Chỉ với một chiếc máy bay nhỏ gọn nhưng có thể thay thế hàng trăm lao động. Bởi lẽ một ha lúa chỉ mất 20 phút là đã tưới xong phân bón hoặc phun thuốc BVTV, hơn nữa lại không độc hại. Máy bay không người lái có thể sử dụng trên các loại cây trồng khác như cây lâm nghiệp, cây có múi và các loại cây ăn quả khác.
Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp
Ngoài các mô hình trên, địa bàn tỉnh còn có các mô hình ứng dụng công nghệ mới như: Thiết bị đo áp nắm bắt thời tiết tại Lục Ngạn; sục khí tự động ở xã Thái Đào (Lạng Giang-Bắc Giang) và hàng trăm mô hình ứng dụng công nghệ cao đã hình thành, sản xuất có hiệu quả. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT, Bắc Giang mới đang ở giai đoạn đầu trong việc ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, dù muốn hay không, sản xuất cũng phải thay đổi để thích ứng với thời đại công nghệ mới.
![]() Mấu chốt của công nghệ số vẫn là phải thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Khi ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm chất lượng thì chỉ doanh nghiệp hoặc HTX mới kết nối, mở rộng thị trường và duy trì sản xuất thường xuyên, hiệu quả”. Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang. |
Để xây dựng nền nông nghiệp công nghệ số, tỉnh đang thực hiện từng bước theo lộ trình. Trước hết, lựa chọn đối tượng cây trồng, vật nuôi chủ lực ứng dụng công nghệ số như: Rau, củ, quả, hoa; cá, gia súc, gia cầm. Quy hoạch, xây dựng bản đồ số hóa vùng sản xuất; hình thành cổng truy xuất nguồn gốc nông sản của tỉnh.
Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang cho biết: “Mấu chốt của công nghệ số vẫn là phải thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Khi ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm chất lượng, số lượng nhiều thì chỉ doanh nghiệp hoặc HTX mới kết nối, mở rộng thị trường và duy trì sản xuất thường xuyên, hiệu quả. Do đó, Sở đang tích cực thực hiện chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp của tỉnh, coi đây là tiền đề tạo đà cho nông nghiệp số”.
Còn theo bà Nguyễn Thị Thành Thực, Giám đốc Công ty cổ phần BAGICO (Việt Yên-Bắc Giang), công nghệ số chính là áp dụng những phương pháp tiên tiến thay thế cách làm thủ công, lạc hậu nhằm tăng hiệu quả sản xuất. Phương tiện ứng dụng đơn thuần chỉ là những chiếc điện thoại smartphone. Vì thế cần làm cho người dân thay đổi tư duy sản xuất, tiếp cận với phương pháp canh tác mới.
Tại các huyện, TP cũng quan tâm, áp dụng công nghệ số. Không chỉ khuyến khích, hình thành mô hình nông nghiệp công nghệ cao dẫn đầu tỉnh, huyện Việt Yên đang định hướng đưa máy bay không người lái vào sản xuất nông nghiệp.
Theo đại diện lãnh đạo huyện, Việt Yên là huyện trọng điểm phát triển công nghiệp tuy nhiên diện tích sản xuất nông nghiệp vẫn còn khá lớn. Huyện định hướng và hỗ trợ phát triển nông nghiệp đưa công nghệ số vào ứng dụng trong sản xuất để giảm ngày công, khắc phục được tình trạng thiếu lao động, tăng giá trị.
Cùng với các giải pháp trên, ngành nông nghiệp tỉnh đang phối hợp hoàn thiện hạ tầng công nghệ cho nông nghiệp, kết nối và mở rộng thị trường; tìm kiếm, chọn lọc công nghệ phù hợp cho từng mô hình canh tác, chế biến tại tỉnh; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp số.
Trường Sơn
Ý kiến bạn đọc (0)