Tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển KT-XH năm 2022
![]() |
Đồng chí Lê Ánh Dương chủ trì phiên họp. |
Cùng dự có các đồng chí: Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Tốc độ tăng trưởng GRDP duy trì ở mức cao
Trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, tình hình KT-XH của tỉnh vẫn đạt nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực, tạo đà quan trọng nhằm tăng tốc hoàn thành các mục tiêu phát triển cả năm. Dự kiến, toàn bộ 18/18 chỉ tiêu KT-XH chủ yếu đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra.
Tốc độ tăng trưởng GRDP quý III của tỉnh đạt 23,74%, góp phần đưa GRDP 9 tháng duy trì ở mức cao 23,9%. Trong đó, công nghiệp - xây dựng tăng 34,72%; dịch vụ tăng 7,32%; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,57%, thuế sản phẩm tăng 6,71%. Lĩnh vực nông nghiệp phát triển toàn diện, ổn định. Các hoạt động về thương mại dịch được khôi phục. Hạ tầng KT-XH được cải thiện đáng kể. Đời sống nhân dân ổn định, quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” có chuyển biến tích cực.
Tổng thu ngân sách toàn tỉnh ước đạt hơn 12 nghìn tỷ đồng, bằng 96,9% dự toán năm, tăng hơn 26% so với cùng kỳ năm trước. Trong số 16 khoản thu thuế có 8 khoản thu vượt dự toán. Nhiều khoản thu quan trọng như: Thu tiền sử dụng đất, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất, thuê mặt nước... vượt cao so với dự toán. Thu ngân sách tại các địa phương đạt kết quả khá, toàn tỉnh có 6/10 huyện đã thu vượt dự toán.
Tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công đạt kết quả tích cực, ước đến 30/9/2022 giá trị thực hiện đạt 7.410 tỷ đồng, đạt 72,8% kế hoạch; giá trị giải ngân đạt 6.720 tỷ đồng, bằng 66% kế hoạch.
Thảo luận tại hội nghị, ý kiến các đại biểu cho rằng, bên cạnh kết quả đạt được, tình hình KT-XH của tỉnh vẫn còn một số hạn chế. Toàn tỉnh còn 9/18 dự án khởi công mới năm 2022 chưa khởi công. Tình hình sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp (DN), nhất là DN vừa và nhỏ vẫn gặp nhiều khó khăn, nguồn cung nguyên vật liệu còn hạn chế, giá thành tăng cao.
Để thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh, các sở, ngành chức năng, tổ công tác của tỉnh cần tiếp tục quan tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, kịp thời hỗ trợ cho DN phục hồi sản xuất, không chỉ DN lớn mà cả những DN vừa và nhỏ... Việc hỗ trợ DN phục hồi sản xuất, tăng tốc sản xuất kinh doanh cần kịp thời. Rà soát khó khăn, vướng mắc, phân theo nhóm và giao cho các cơ quan liên quan giải quyết dứt điểm theo hướng tạo thuận lợi cho nhà đầu tư phát triển.
Cùng đó, các ý kiến nêu, hạ tầng các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) chậm được đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ. Công tác hỗ trợ để triển khai một số dự án hạ tầng KCN ở các huyện chưa hiệu quả. Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) vẫn là một trong những khó khăn lớn nhất mà các nhà đầu tư gặp phải trong quá trình thực hiện dự án....
Kết luận nội dung này, đồng chí Lê Ánh Dương nhấn mạnh, để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022, từ nay đến cuối năm các sở, ngành, địa phương cần tập trung cao rà soát, đánh giá cụ thể tiến độ hoàn thành so với kế hoạch, từ đó xác định các nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện để phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các mục tiêu đã đề ra.
Đặc biệt, các sở, ngành, địa phương cần quan tâm thực hiện đồng bộ giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển, qua đó góp phần nâng hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Đồng chí nhấn mạnh, hiện nay quỹ đất công nghiệp của tỉnh cơ bản đã hết, các địa phương khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh tiến độ GPMB dự án đầu tư hạ tầng KCN như: Yên Lư (Yên Dũng), Tân Hưng (Lạng Giang) và KCN mở rộng Hòa Phú (Hiệp Hòa), Quang Châu (Việt Yên) để có quỹ đất sạch thu hút các nhà đầu tư lớn, thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh. Cùng đó, Sở Công Thương xây dựng kế hoạch phát triển thêm các CCN trên địa bàn để thu hút nhà đầu tư trong nước.
Đối với lĩnh vực xây dựng cơ bản, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để khởi công ngay các công trình; chỉ đạo nhà thầu thi công bảo đảm tiến độ các công trình, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng vừa thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công vừa phát triển KT-XH của tỉnh.
![]() |
Đồng chí Lê Ánh Dương chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung trong thời gian tới. |
Đồng chí nêu rõ, hiện nay trên địa bàn đang thực hiện nhiều công trình, dự án phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh, tuy nhiên nguồn đất san lấp mặt bằng, cát, sỏi phục vụ thi công, xây dựng vẫn còn thiếu.
Trước thực trạng này, đồng chí yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát quy hoạch, bổ sung điểm khai thác khoáng sản, bảo đảm nguồn cung không chỉ trước mắt mà cần tính toán cho cả những năm tới. Cùng đó là hướng dẫn, tạo điều kiện cho các DN hoàn thiện hồ sơ, sớm trình cấp có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định. Sau khi cấp phép, ngành chức năng, các địa phương phải làm tốt công tác quản lý, hạn chế thấp nhất tình trạng vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản.
Đối với lĩnh vực văn hóa xã hội, đồng chí nêu rõ, năm nay dịch Covid-19 đã được kiểm soát. Do đó Sở Giáo dục và Đào tạo cần quan tâm chỉ đạo các trường học đặt mục tiêu cao hơn trong việc dạy và học đối với giáo viên và học sinh so với năm trước. Sở cần làm tốt công tác kiểm tra để có giải pháp chỉ đạo phù hợp nhằm nâng cao chất lượng dạy vào học tại các nhà trường.
Sở Y tế quan tâm làm tốt công tác phòng, chống các loại dịch bệnh, khắc phục tình trạng thiếu vật tư y tế, thuốc, trang thiết bị, máy móc, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân...
Cho ý kiến vào một số dự thảo văn bản
Tại hội nghị, các đại biểu cho ý kiến trực tiếp vào các dự thảo văn bản, gồm: Nghị quyết của HĐND tỉnh về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường vành đai thị trấn Chũ (Lục Ngạn) theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao; quyết định ban hành quy định một số nội dung trong tổ chức thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo cơ chế đặc thù thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh; quyết định ban hành quy chế phối hợp quản lý nhà nước đối với các KCN trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; đề nghị xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh bổ sung một số điều của Nghị quyết số 41 ngày 11/12/2019 của HĐND tỉnh quy định mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước trên địa bàn tỉnh; danh sách cá nhân tặng danh hiệu “Công dân Bắc Giang ưu tú”; đề nghị tặng danh hiệu DN, doanh nhân tiêu biểu tỉnh Bắc Giang năm 2022.
Các đại biểu cũng cho ý kiến vào một số dự thảo gồm: Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án phát triển Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự Bắc Giang giai đoạn 2022 - 2030; Đề nghị xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định một số nội dung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025 và Đề án chuyển đổi mô hình, tổ chức hoạt động Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã tỉnh Bắc Giang.
Tin, ảnh: Minh Linh
Ý kiến bạn đọc (0)